Tham dự hội thảo là các nhà quản lý, các nhà khoa học về CNTT, các nhà ngôn ngữ, các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ và cung cấp nội dung số, các học viên cao học, sinh viên...
Định hướng nghiên cứu phát triển sản phẩm có liên quan đến các công nghệ xử lý ngôn ngữ và các kỹ thuật xử lý đa phương tiện đang là định hướng trọng tâm của Viện CNTT hiện nay, định hướng này cũng phù hợp với sự bùng nổ của thị trường nội dung số trong nước và quốc tế trong những năm gần đây.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Trung Tá, Phái viên của Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT cho biết: “Công nghệ xử lý tiếng Việt, đặc biệt là các công nghệ dịch thuật được hỗ trợ máy tính và tìm kiếm sẽ tạo ra nguồn nội dung số đại trà với chất lượng cao. Sách số sẽ hội tụ với đa phương tiện và các ứng dụng phần mềm trong văn hóa, y tế, giáo dục và phát triển nông thôn”.
Ông Tá cho rằng: “Trong trào lưu hội nhập, chúng ta có thể mơ ước rằng nội dung số Việt Nam sẽ đưa văn hóa và hàng Việt Nam ra thế giới. Ngược lại, văn hóa, tri thức của nhân loại và khoa học công nghệ sẽ được chuyển giao vào Việt Nam. Cạnh tranh sẽ trở nên bình đẳng hơn. Trong đó, công nghệ, nghiên cứu phát triển sẽ có vai trò quyết định hơn đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Ngược lại các nhà khoa học công nghệ sẽ cần lắng nghe tới nhu cầu của các doanh nghiệp. Nhà nước cần có những đầu tư trọng điểm để tạo ra được các sản phẩm thực sự và có những chính sách khuyến khích hợp tác Doanh nghiệp - Trường - Viện”.
GS.TS. Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐHQGHN cho hay, hội thảo nhằm tìm ra các cơ hội hợp tác giữa đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp, đồng thời cũng lưu ý các doanh nghiệp về việc cần tăng cường các hàm lượng chất xám trong các sản phẩm nội dung số của mình, tạo cơ hội cạnh tranh với các sản phẩm quốc tế.
Hồng Hạnh