(Dân trí) - Khi tôi viết những dòng này, cả thế giới đang hướng về nước Nhật với sự khâm phục sâu sắc. Bằng nghị lực, tinh thần bác ái, nhân dân Nhật Bản đang vượt qua thời khắc khó khăn nhất trong lịch sử của mình.
Không hỗn loạn, cướp bóc, hôi của… như thường xảy ra ở không ít các thảm họa khác trên thế giới, bằng ý chí kiên cường, bất khuất và sự bình tĩnh đến kinh ngạc, người Nhật đã vượt qua đau thương, mất mát với tinh thần đoàn kết, sẻ chia tương thân, tương ái. Cảm động trước việc làm trên, chị Duyên (mẹ cháu Ngoan) nói trong rưng rưng nước mắt: “Dù con tôi đã mất nhưng chắc là con nó cũng vui lắm khi thấy bạn bè của mình đi học được an toàn hơn”. Buổi lễ đã gây ấn tượng rất mạnh khiến Nhà báo Phạm Huy Hoàn nhiều lần kể lại chuyện này với sự khâm phục về một tấm lòng nhân ái mang dấu ấn Nhật Bản.
“Trên dưới một lòng - Trẻ già một dạ”, cả nước Nhật trở thành một khối đoàn kết chặt chẽ để đương đầu với thiên tai. Hình ảnh cuộc họp khẩn cấp của nội các Nhật với tất cả các thành viên chính phủ đều mặc đồ bảo hộ và em bé 9 tuổi cầm gói lương khô của một người cảnh sát tặng đem bỏ lại vào thùng hàng cứu trợ với cái lý giản dị: “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con, bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ” chắc chắn sẽ mãi mãi đọng lại trong ký ức nhân loại.
Những ngày qua, trong tôi luôn luôn day dứt với câu hỏi điều gì đã tạo nên một “Tinh thần Nhật Bản” ngoan cường, cao thượng đó? Do điều kiện địa lý (người Nhật luôn luôn phải chống chọi với thiên tai)? Do truyền thống văn hóa từ ngàn xưa để lại? Do trình độ dân trí? Do nền giáo dục? Do sự gương mẫu của các nhà lãnh đạo và sự tin tưởng tuyệt đối của nhân dân?...
Tôi chợt nhớ lại những ngày cuối cùng của năm 2009, trên báo điện tử Dân trí đăng bài: Kiên Giang – Học sinh không dám đi học vì sợ té cầu. Bài báo phản ánh việc hơn 40 học sinh của Trường tiểu học Tây Yên 2 (xã Tây Yên - An Biên) không dám đến lớp vì trước đó, ngày 22/11, em Trần Thị Bé Ngoan, HS lớp 3 của trường này khi đi học qua cây cầu khỉ ở ấp rạch Gốc thì bị té sông và chết đuối.
Bài báo chừng 300 – 400 chữ được đăng tải ngày 4/12. Ngay sau khi đọc thông tin trên báo, đại diện Tổ chức Shinnyo-En Nhật Bản trực tiếp đề nghị với Giám đốc Quỹ Khuyến học Việt Nam Phạm Huy Hoàn được tài trợ xây dựng cây cầu trên chính địa điểm xảy ra tai nạn. Ngày 23/5, sau 5 tháng kể từ ngày ký kết, cây cầu mang tên một tờ báo – Cầu DÂN TRÍ đã khánh thành trong niềm vui vô tận của các em học sinh và người dân nơi đây.
Nhưng điều khiến mọi người xúc động là trước giờ cắt băng khánh thành, Ngài Ichiro Ota – Giám đốc Ban giao lưu xã hội của Tổ chức Shinnyo-En Nhật Bản đã xin phép được cầu nguyện cho hương hồn cháu Trần Thị Bé Ngoan. Hình ảnh hai vị khách xa lạ đọc kinh cầu nguyện cho cháu bé 9 tuổi ở một đất nước xa xôi đã ăn sâu vào ký ức của các cháu học sinh và những người tham dự.
Phải chăng chính những hành động thường nhật của mỗi cá nhân như vậy đã vun đắp, bồi tụ nên “Tinh thần Nhật Bản”?
Và thật buồn khi mỗi lần sau thiên tai, bão lũ lại thấy trên mặt báo của ta xuất hiện đây đó có hiện tượng "xà xẻo"... dù cá biệt vẫn làm cộng đồng bất bình.
(THPT)