Nhiều người luôn nghĩ quá trình tiếp nhận kiến thức diễn ra càng dễ dàng thì chúng ta càng nhớ lâu, song một nghiên cứu cho thấy điều đó không đúng.
Connor Dieman-Yauman, một sinh viên của Đại học Princeton, cùng một số bạn trong trường muốn tìm hiểu tác động của font chữ trên máy tính đối với khả năng ghi nhớ. Họ tuyển 28 người tình nguyện để thực hiện một thử nghiệm. Nhóm sinh viên yêu cầu người tình nguyện xem tên khoa học của ba loài sinh vật mới được phát hiện cùng 7 đặc điểm thể chất của chúng, Livescience đưa tin.
Một số danh sách được hiển thị bằng những font chữ dễ đọc như Arial, Times New Roman. Những danh sách khác được hiển thị bằng font khó như Comic Sans MS hay Bodini MT.
Cuối cùng tình nguyện viên phải nhớ tên của từng loài kèm theo những đặc điểm thể chất của chúng trong 90 giây.
Trong một thử nghiệm khác nhóm sinh viên tuyển các giáo viên dạy các môn tiếng Anh, vật lý, lịch sử, hóa học tại một trường phổ thông ở bang Ohio. Mỗi giáo viên gửi vài bài giảng tới Dieman-Yauman để anh chuyển chúng sang font chữ khó đọc. Ba font khó đọc được chọn lựa là Haettenschweiler, Monotype Corsiva và Comic Sans Italicized. Sau đó anh gửi lại bài giảng cho giáo viên và yêu cầu một số người dùng bài giảng đã được chuyển font chữ để dạy cho học sinh. Tổng cộng 222 học sinh tham gia các bài giảng với font chữ khó trong 10 ngày liên tiếp.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy những học sinh tiếp cận bài giảng bằng font chữ khó đạt điểm cao hơn và nhớ nhiều kiến thức hơn so với những học sinh khác. Một điểm đáng chú ý là phần lớn trong số 222 học sinh tiếp cận font chữ khó lại không hề chú ý tới sự thay đổi về font chữ. Tất nhiên, nhưng font chữ lạ có thể là yếu tố mới mẻ đối với học sinh, khiến chúng cảm thấy hứng thú hơn trong quá trình tiếp thu tri thức. Nhưng nhóm nghiên cứu cho rằng tác động của “yếu tố mới” không thể kéo dài tới 10 ngày.
Phát hiện của nhóm Dieman-Yauman hoàn toàn trái ngược với quan niệm của nhiều người, bởi họ nghĩ chúng ta càng tiếp nhận kiến thức một cách dễ dàng thì não lưu giữ thông tin càng lâu. Một nghiên cứu được tiến hành vào năm ngoái cho thấy trong nhiều trường hợp, quá trình tiếp nhận thông tin diễn ra càng phức tạp và khó khăn thì con người càng nhớ lâu. Chẳng hạn, sau khi học từ “pepper” (hạt tiêu) lần đầu tiên, người học tiếng Anh có thể bỏ hai nguyên âm “e” khi viết nó xuống sổ. Hôm sau, khi lật sổ ra để ôn lại từ mới, họ sẽ mất một chút thời gian để suy luận hoặc nhớ lại những chữ còn thiếu. Nhưng trong tương lai họ sẽ nhớ từ “pepper” lâu hơn so với khi không xóa nguyên âm “e”.
(Theo NLĐ)