Dùng nguyên phần vỏ trái bưởi, các tác giả đã chế biến thành món mứt không chỉ ăn ngon miệng mà còn có tác dụng ngừa một số bệnh
Đây là công trình nghiên cứu của 2 sinh viên Vũ Ngọc Quỳnh và Trần Thị Như Thùy, Khoa Công nghệ Hóa học - Thực phẩm Trường ĐH Lạc Hồng, thực hiện trong suốt 8 tháng.
Theo các tác giả, mỗi bộ phận của trái bưởi đều có tác dụng riêng. Hiện nay đã có nước ép bưởi, rượu bưởi, nem chay bưởi, tinh dầu bưởi... nhưng vỏ bưởi thì mới chỉ được một số bà nội trợ dùng phần xốp trắng bên trong để nấu chè, còn lượng lớn vỏ bưởi được thải bỏ vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường.
Sản phẩm mứt vỏ bưởi
Từ thực tế đó, các tác giả đã nghiên cứu cách chế biến món mứt từ toàn bộ vỏ trái bưởi. Để có nguyên liệu, 2 sinh viên phải ra các sạp bán bưởi ở chợ xin vỏ về làm thử. Sau khi sơ chế, loại bỏ những phần thối, hỏng, vỏ bưởi được xắt thành sợi. Trong khi các loại mứt khác được tạo hình từng miếng khoảng vài cm thì mứt vỏ bưởi được xắt sợi mỏng khoảng 2 mm để tạo kích thước đồng đều, giúp dễ tách chất đắng và làm cho quá trình thẩm thấu đường diễn ra nhanh chóng.
Sau khi xắt sợi, nguyên liệu được ngâm muối tách loại tinh dầu để không còn vị đắng, xả xong chần qua nước nóng và đưa vào thẩm thấu đường. Sau cùng là công đoạn cô đặc, sấy khô để kéo dài thời gian bảo quản, hạn chế sự phát triển của vi sinh vật và giữ màu sắc đẹp cho sản phẩm. Theo các tác giả, từ 1 kg vỏ bưởi tươi kết hợp với các nguyên liệu như đường, muối, nước... sẽ tạo ra được 1,2 kg mứt. Tổng cộng chi phí khoảng 24.000 đồng/kg mứt.
Mứt vỏ bưởi có thể được chế biến từ vỏ bưởi còn tươi xanh hoặc đã phơi héo. Nếu làm từ vỏ tươi thì mứt sẽ có màu xanh, vị the nhiều hơn, còn làm từ vỏ héo thì mứt màu vàng và vị the ít hơn. Theo đánh giá cảm quan, người dùng thích loại mứt màu vàng hơn vì nhìn màu sắc tươi đẹp, ít vị the nên dễ ăn hơn.
Mứt vỏ bưởi dẻo và khô, màu vàng óng bắt mắt, ăn vào có cảm giác vừa dẻo vừa giòn, tỏa ra mùi thơm mát đặc trưng và vị the the rất dễ chịu. “Khi đề tài được đưa ra báo cáo trước nhà trường, các thầy cô trong hội đồng rất thích thú, vừa ngồi nghe báo cáo vừa... nhâm nhi hết số mứt được đem tới”- kỹ sư Nguyễn Thái Thanh Trúc, giảng viên Trường ĐH Lạc Hồng, người hướng dẫn thực hiện đề tài trên, kể lại.
Kỹ sư Trúc cho biết thành phần chính trong vỏ bưởi gồm cellulose, pectin và các chất đắng. Trong dinh dưỡng, cellulose có chức năng phòng ngừa ung thư ruột kết, xơ vữa động mạch, hình thành sỏi mật và giúp làm giảm lượng mỡ trong máu, ngăn ngừa béo phì... Pectin thuộc nhóm các chất làm đông tụ, được xem là một trong những phụ gia thực phẩm an toàn và được chấp nhận nhiều nhất, được ứng dụng phổ biến trong sản xuất bánh kẹo. Nhờ vậy, vỏ bưởi có tác dụng chống những bệnh do thiếu chất xơ gây ra, ví dụ như bệnh táo bón. Ngoài ra, nhờ có vị the nên cũng rất hữu hiệu trong việc sát khuẩn, giúp chống lại chứng viêm họng, viêm miệng.
Mẫu mứt vỏ bưởi sau khi sấy, đóng gói, được đưa đi kiểm nghiệm vi sinh và hóa lý tại phòng thí nghiệm Trường ĐH Lạc Hồng, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Đồng Nai và Trung tâm Dịch vụ Phân tích thí nghiệm (Sở Khoa học-Công nghệ TPHCM) đều cho kết quả đạt tiêu chuẩn. Các tác giả cũng đã mời nhiều người dùng thử để tiến hành cuộc điều tra nhỏ về thị hiếu, kết quả là sản phẩm được người tiêu dùng chấp nhận.
Đề tài nghiên cứu làm mứt từ vỏ bưởi đã đoạt giải nhì nghiên cứu khoa học cấp trường. Nhờ thành tích này cả 2 tác giả đều được đặc cách miễn thi tốt nghiệp.
|
(Theo NLĐ Online)