Hiện tại trong hệ thống đơn vị quốc tế (SI) chỉ mới công nhận từ “yotta” để mô tả một số có 24 số không sau số 1.
Austin Sendek, thuộc khoa Vật lý, Đại học California (Mỹ) là người khởi xướng cho đợt vận động này. Theo anh, sự phát triển khá nhanh của khoa học ngày nay làm nảy sinh yêu cầu mở rộng hệ thống đo lường. Trên Facebook, Austin Sendek đã viết rằng việc phân tích ở lĩnh vực vật lý, nhiều hiện tượng đo lường ở mức độ vượt quá 27 số không, trong khi đó hệ thống SI lại chưa có từ nào mô tả nó.
Tiền tố cho chữ số có 27 số không rất quan trọng đối với nhiều lĩnh vực khoa học, giúp mô tả sự tính toán dễ dàng hơn. Ví dụ, điện năng phát ra từ mặt trời, việc đo lường khoảng cách giữa các thiên hà hoặc đếm số lượng nguyên tử đối với một mẫu lớn... Với năng lượng phát ra từ mặt trời chúng ta có thể diễn đạt ngắn gọn là 0,3 hellawatts hơn là 300 yottawatts, đó là ví dụ điển hình mà Austin Sendek mô tả với báo Telegraph.
Hella theo tiếng lóng của người miền bắc California có nghĩa là rất nhiều (very hoặc a lot of). Nếu được thừa nhận thì hella sẽ là tiền tố mới nhất thuộc hệ thống đo lường SI kể từ năm 1991, khi Ủy ban Quốc tế về đo lường và trọng lượng công nhận tiền tố zetta (21 số không) và yotta (24 số không).
Sandek cũng đã liên lạc với các nhà hóa học người Anh lãnh đạo Ủy ban Tư vấn về đơn vị đo lường (CCU) với hy vọng nhận được sự hỗ trợ. Giáo sư Ian Mills thuộc Đại học Reading hứa sẽ gia tăng sự kiến nghị đối với CCU tại kỳ họp vào tháng 9 tới. Tuy nhiên, ông cũng không dám chắc là “hella” có được chấp nhận hay không.
Danh mục các tiền tố được SI công nhận: 10 = deca, 100 = hecto, 1.000 = kilo, 1.000.000 = mega, 1.000.000.000 = giga, 1.000.000.000.000 = tera, 1.000.000.000.000.000 = peta, 1.000.000.000.000.000.000 = exa, 1.000.000.000.000.000.000.000 = zetta, 1.000.000.000.000.000.000.000.000 = yotta.
THPT (Theo Thanh Nien Online)