Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi mẫu kỳ thi THPT quốc gia, nhiều trường THPT ở TP.HCM đã có những động thái tích cực nhằm giúp học sinh chuẩn bị tốt cho kỳ thi.
Thầy giáo Nguyễn Tác Tuấn Ngọc, tổ trưởng tổ toán Trường THPT Phú Nhuận, trình bày chuyên đề về phương pháp học và phương pháp giải đề thi trắc nghiệm môn toán cho học sinh khối 12
Chiều 7-10, mặc dù trời nắng chang chang, thời tiết nóng nực nhưng hội trường tầng 2 của Trường THPT Phú Nhuận không còn một chỗ trống.
Nhiều học sinh ngồi tràn ra cả lối đi để tham dự chuyên đề hướng dẫn về phương pháp học và phương pháp giải đề thi trắc nghiệm môn toán (nhà trường tổ chức cho học sinh khối 12).
Lo lắng về cách làm bài
Theo ông Trần Công Tuấn - phó hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận, chuyên đề trên nhằm trấn an học sinh, giúp các em tự tin hơn trong quá trình học tập vì năm nay là năm đầu tiên học sinh khối 12 phải thi trắc nghiệm môn toán.
Tại buổi chuyên đề, thầy Nguyễn Tác Tuấn Ngọc, tổ trưởng tổ toán của trường, trình bày sơ nét một số phương pháp tư duy khi làm bài trắc nghiệm môn toán như: nhanh chóng đọc kỹ đề bài để chọn một trong các hướng đi, giải bài toán theo chiều thuận từ đề bài đến đáp số, giải bài toán theo hướng đi ngược từ đáp số lên...
Sau đó thầy Ngọc cho một bài toán với bốn đáp án, đồng thời yêu cầu học sinh đưa ra đáp án chính xác. Đa số học sinh trong hội trường đã chọn đáp án... sai. Chỉ duy nhất một học sinh chọn đáp án đúng nhưng giơ tay rất rụt rè.
Thầy Ngọc nói: “Đây là câu hỏi thuộc dạng cơ bản nhưng các em chưa quen với cách làm bài thi trắc nghiệm nên dễ nhầm lẫn và chọn đáp án sai.
Để giải tốt một câu trắc nghiệm khó, học sinh cần phải có một quá trình tư duy, học tập sâu sắc, đầy đủ các kiến thức kèm theo những kinh nghiệm có được trong quá trình học tự luận”.
Tương tự, thầy Đỗ Khánh Giang, giáo viên môn toán Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cho biết tổ toán của trường cũng dự kiến sẽ tổ chức 1-2 buổi hướng dẫn riêng cho học sinh khối 12 cách làm bài trắc nghiệm nhanh và hiệu quả.
Ngoài ra, học sinh cũng sẽ được làm quen dần với những bài kiểm tra trắc nghiệm trên lớp, bài kiểm tra học kỳ với số lượng câu hỏi và mức độ kiến thức phù hợp.
Thầy Giang nói: “Bên cạnh việc dạy kiến thức cơ bản và phương pháp giải toán, tôi cho học sinh làm nhiều các bài toán dạng vừa và nhỏ, giảm bớt dạng bài tập có lời giải quá dài.
Để làm tốt bài thi trắc nghiệm, học sinh cần học theo cách tóm tắt kiến thức theo từng chủ đề, cần chú trọng học cách phân tích đề để chọn nhanh hướng làm hoặc chọn kết quả phù hợp, cách dùng phương pháp loại suy, cách trình bày gọn lời giải, một số kỹ thuật tính nhanh; kỹ năng sử dụng máy tính bỏ túi...”.
Trường đi mua máy chấm thi trắc nghiệm
“Trường chúng tôi đã họp các tổ chuyên môn và thống nhất là giáo viên phải dạy đủ chương trình lớp 12 cho học sinh trước đã. Sau đó thầy cô sẽ rèn cho học sinh về cách làm bài thi trắc nghiệm. Nhà trường đã quyết định mua máy chấm thi trắc nghiệm để sử dụng trong những đợt kiểm tra mặc dù giá của nó không hề rẻ” - ông Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, thông tin.
Theo ông Phú: “Với môn toán, ngoài những buổi giảng dạy và rèn kỹ năng theo hướng như chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, thời gian tới giáo viên Trường Nguyễn Du sẽ tổ chức một buổi tập huấn cho học sinh về cách giải toán nhanh trên máy tính.
Đây là một trong những kỹ năng phục vụ tích cực cho việc làm bài thi trắc nghiệm môn toán. Chỉ có khó khăn là môn giáo dục công dân vì lâu nay môn này không thi nên nguồn tư liệu của trường không nhiều.
Hiện nhà trường đã có chủ trương đầu tư nhiều đầu sách tham khảo cho môn này, đồng thời tăng cường việc giảng dạy theo hướng ứng dụng luật pháp vào cuộc sống, đưa ra những tình huống thực tế cho học trò xử lý...”.
Tương tự, ở Trường THPT Trần Khai Nguyên, cô Lê Thị Lý, tổ trưởng tổ giáo dục công dân, chia sẻ: “Nội dung đề thi mẫu thì nằm hoàn toàn trong sách giáo khoa, rất cơ bản, không có gì đánh đố học sinh cả.
Tuy nhiên, mọi chuyện không dễ dàng vì xưa nay học sinh không chú trọng nhiều môn giáo dục công dân. Chưa kể môn học này lại có nhiều thuật ngữ chuyên môn. Để làm bài tốt, thí sinh phải phân biệt được các thuật ngữ, đồng thời biết cách áp dụng nó vào đời sống mới giải quyết được các tình huống thực tế”.
Có lẽ vì lý do trên mà ở một số trường THPT trên địa bàn quận Tân Bình, quận 5, quận Gò Vấp... nhiều học sinh rỉ tai nhau: “Cứ chọn thi môn khoa học xã hội nhưng chỉ tập trung học sử, địa để thi lấy điểm xét vào trường ĐH. Riêng môn giáo dục công dân, nếu bí quá thì đánh “lụi” cũng sẽ được 2 điểm là không bị điểm liệt”.
Trao đổi với chúng tôi, đa số giáo viên môn giáo dục công dân ở TP.HCM đề xuất: “Nếu đã thi môn tổ hợp thì khi xét điểm cũng cần xét cả tổ hợp chứ không nên xét riêng từng môn. Điều quan trọng khi đưa môn giáo dục công dân vào kỳ thi THPT quốc gia là làm cho học sinh, xã hội thay đổi cách nhìn về môn học này.
Như vậy, nội dung đề thi phải làm cho thí sinh nhận thấy vai trò quan trọng của giáo dục công dân đối với cuộc sống chứ không phải ép các em học để đi thi”.
Thầy Đỗ Khánh Giang (giáo viên môn toán Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai): Nên tăng các câu hỏi kiểm tra sự nhạy bén về tư duy “Đã 11 năm học sinh học và làm bài thi môn toán theo kiểu tự luận. Khi năm học lớp 12 đã trải qua hơn một tháng, các em nhận tin cuối năm học này phải trải qua kỳ thi quan trọng của cuộc đời với phương pháp thi toán trắc nghiệm - đương nhiên học sinh sẽ lo lắng. Đã vậy, đề thi mẫu lại có số lượng câu hỏi khá nhiều. Tôi nghĩ đề thi minh họa đã cho thấy được cấu trúc đề, để học sinh bước đầu định hướng cách làm bài và giáo viên bước đầu định hướng cách giảng dạy. Hi vọng khi ra đề chính thức, Bộ GD-ĐT sẽ giảm các câu hỏi theo kiểu giải bằng tự luận rồi chọn đáp án (mất khá nhiều thời gian) và tăng các câu hỏi nhằm kiểm tra sự nhạy bén về tư duy của thí sinh. Để làm tốt bài thi trắc nghiệm, học sinh phải hội đủ cả hai yếu tố: kiến thức và phương pháp làm bài thi. Dù thi trắc nghiệm, các em vẫn phải nắm chắc kiến thức, đồng thời có cách giải quyết nhanh gọn bài toán để chọn phương án phù hợp”. |
(Theo Báo Tuổi Trẻ)