Với những góp ý của các nhà khoa học, nhà giáo trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT thống nhất bỏ môn Công dân với Tổ quốc trong chương trình mới.
Theo một nguồn tin đáng tin cậy mà Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có được, qua buổi làm việc giữa Ban Tuyên giáo Trung ương với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Bộ GD&ĐT về số phận môn lịch sử trong chương trình mới được tổ chức chiều qua (7/12) tại Ban Tuyên giáo Trung ương, trên cơ bản có một vài ý kiến.
Đối với cấp 1 (tiểu học) lịch sử sẽ tích hợp trong môn học chung cùng với một số môn học khác, chủ yếu để giáo dục lịch sử thông qua các câu chuyện tạo hứng thú và hiểu biết cho học sinh.
Đối với cấp 2 (THCS) sẽ chọn ra ba phần, phần thứ nhất lịch sử riêng, phần thứ hai là địa riêng, phần thứ ba là tích hợp giữa sử và địa. Hiện tại đang để mở về việc đặt tên cho môn học này, có thể môn học này là “sử - địa” hoặc để sử riêng, địa riêng, nhưng nếu Lịch sử riêng, Địa lí riêng thì phần nội dung tích hợp giữa hai môn sẽ đặt vào đâu? Vấn đề này vẫn đang được bàn luận.
Đối với cấp THPT sẽ có Lịch sử 1 và Lịch sử 2, cả hai đều là chương trình nâng cao, đó là một môn riêng, độc lập. Lịch sử 1 là môn bắt buộc đối với khối của Khoa học xã hội (theo phân luồng), theo vị này thì Lịch sử 1 sẽ nâng cao hơn, chuyên sâu hơn.
Lịch sử 2 cũng là chương trình nâng cao, nhưng thấp hơn Lịch sử 1, Lịch sử 2 dành cho khối Khoa học tự nhiên.
“Như vậy, cả cấp 1,2,3 đều có Lịch sử, chứ không bỏ Lịch sử. Cấp 1 thì Lịch sử hòa chung vào các môn như đề xuất của Bộ GD&ĐT, cấp 2 không như phương án của Bộ (phương án của Bộ là Lịch sử nằm trong môn Khoa học xã hội), mà có chút điều chỉnh, hoặc là ghép với môn Địa lí hoặc là Lịch sử đứng riêng. Nhưng cho dù có ghép với môn Địa thì nội dung Lịch sử vẫn riêng, địa lí riêng” vị này cho biết.
Thông tin thêm với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS. Vũ Quang Hiển (đại biểu được mời dự buổi làm việc trên) cho biết, buổi làm việc cơ bản đã đạt được những thống nhất. Theo đó, các bên thống nhất bỏ môn Công dân với Tổ quốc trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
“Hiện đang cân nhắc môn Lịch sử ở THCS sẽ nên như thế nào, còn Lịch sử ở cấp THPT là bắt buộc và độc lập. Quan điểm của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam là môn học này phải là cơ bản, độc lập và bắt buộc, nhưng Bộ GD&ĐT chỉ tiếp thu với tinh thần có mức độ” PGS. Vũ Quang Hiển cho biết.
Được biết, trong buổi làm việc giữa ba cơ quan nêu trên, GS. Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) đã hoan nghênh việc làm tích hợp, và hoàn toàn đồng ý với chủ trương tích hợp, nhưng vấn đề phải thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội (tích hợp sâu ở các lớp dưới và phân hóa dần ở các lớp trên).
GS. Phan Huy Lê và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam hoàn toàn đồng ý việc tích hợp ở cấp tiểu học giữa Lịch sử, Địa lí và có thể phối hợp với các môn khác. Đối tới THCS, GS. Phan Huy Lê đề nghị ba nội dung; nội dung Lịch sử, nội dung Địa lí và các phần chung giữa hai môn này, đồng ý là tích hợp các phần chung. Tuy nhiên, việc gọi tên là gì thì GS. Phan Huy Lê nêu ý kiến, có thể gọi là môn “Sử - Địa”.
Đối với cấp THPT, GS. Phan Huy Lê đề nghị môn Lịch sử phải là bắt buộc, với lí do, ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, Lịch sử phải là Quốc sử. Và, chính thức đề nghị môn Lịch sử là môn độc lập, bắt buộc, không nằm trong môn Công dân với Tổ quốc.
Cũng trong buổi tọa đàm này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng thống nhất với các nhà khoa học rằng, ở cấp THCS sẽ không gọi tên môn Khoa học xã hội, thay vào đó có thể gọi là môn “Lịch sử và Địa lí”. Riêng cấp THPT, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển không đề cập?
Chia sẻ thêm thông tin cuộc tọa đàm chiều qua, PGS. Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, kết thúc buổi tọa đàm, ông Vũ Ngọc Hoàng – Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đã khẳng định lại vai trò của môn Lịch sử trong xã hội là hết sức cần thiết, cần phải tôn trọng môn học và được thể hiện trong chương trình, sách giáo khoa mới.
Theo PGS. Nghiêm Đình Vỳ thông tin lại, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng cũng đã kết luận, môn Lịch sử ở cấp THPT là môn học bắt buộc, bắt buộc được thể hiện ở hai loại: Thứ nhất, gọi là Lịch sử 1 và thứ hai, Lịch sử 2.
“Tôi nghĩ Bộ GD&ĐT không theo kết luận của đồng chí Vũ Ngọc Hoàng cũng không được. Nhưng vấn đề là Bộ GD&ĐT vẫn đang mập mờ đối với môn Lịch sử ở cấp THPT” PGS. Nghiêm Đình Vỳ cho hay.
Cuộc đấu tranh của giới sử học chưa có hồi kết? "Dù sao, kết luận quan trọng của những cơ quan có trách nhiệm trong Hội nghị chiều ngày 7/12 đã tạo ra những chuyển biến tích cực hơn về phía Bộ GD&ĐT. Đó là thắng lợi (tôi không muốn nói đến từ này - rất xót xa) rất căn bản và quan trọng nhưng chỉ là bước đầu. Bộ GD&ĐT đã có thiện chí “xuống thang”, đó là một tín hiệu vui. Trong bản tin tối qua, VTV1 đã đưa tin chưa rõ ràng, không đầy đủ và thiếu chính xác những ý kiến của giới Sử học và kết luận quan trọng của đồng chí Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT đã minh họa các sơ đồ được chạy trên màn hình trong chương trình đã gây nên nhiều phản ứng trái chiều và rất nhiều sự lo lắng, bức xúc cho những người không được tham dự và không biết cụ thể nội dung của Hội nghị chiều 7/12. Hội nghị đã thống nhất, hay nói cách khác Bộ GD&ĐT đã đồng ý phương án ở bậc THCS sẽ không có tên môn Khoa học xã hội mà vẫn là 2 môn học Lịch sử, Địa lí. Nhưng cách giải thích của Bộ mà VTV đưa tin là không rõ ràng, sẽ càng gây sự hoài nghi trong dư luận. Điều quan trọng và cốt lõi nhất hiện nay là Bộ GD&ĐT cần phải làm lại lại cấu trúc và nội dung chương trình tổng thể, xác định lại vị trí của từng môn học trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đó như thế nào". Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu- Nghệ An cho biết. |