Bộ GD - ĐT phải rà soát, thống kê trên cơ sở dữ liệu toàn quốc, để có những phân tích, đánh giá chính xác ưu khuyết điểm và những vấn đề cần giải quyết trong các kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
Một kỳ thi với hai mục đích
Để giảm áp lực và tốn kém, năm nay Bộ GDĐT cho đổi mới tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích: xét công nhận tốt nghiệp và sử dụng kết quả cho tuyển sinh ĐH, CĐ.
Năm 2015, thay vì chỉ xét kết quả thi tốt nghiệp như trước đây, để khắc phục tình trạng học lệch, học tủ, Bộ GT ĐT có kết hợp với kết quả học tập của năm lớp 12. Cụ thể, điểm xét tốt nghiệp (ĐXTN) gồm điểm 4 bài thi thí sinh đăng ký để xét công nhận tốt nghiệp, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12; được tính theo công thức:
Theo quy chế, thí sinh có tất cả các bài thi đều trên 1,0 điểm và có ĐXTN từ 5,0 điểm trở lên được công nhận tốt nghiệp THPT. Đặc biệt, năm 2015 bằng tốt nghiệp không có loại Giỏi, Khá, Trung bình... mà chỉ công nhận đã tốt nghiệp như nhau. Nói nôm na, cách tính ĐXTN năm nay là trung bình cộng của điểm trung bình bài thi và điểm trung bình lớp 12.
Điểm thi kém vẫn tốt nghiệp ?
Về lý thuyết, cách tính điểm năm 2015 của Bộ GD ĐT là kết hợp giữa đánh giá tổng kết (summative assessment) với đánh giá quá trình (formative assessment), theo đúng xu thế thế giới hiện nay.
Nhưng thực tế Việt Nam, cách tính này vừa vô tình lẫn có chủ ý tạo điều kiện cho những học sinh yếu, không đủ chuẩn có thể tốt nghiệp, ví dụ một thí sinh điểm thi rất thấp (toán: 1,75; văn: 3,5; hóa: 2,5; ngoại ngữ: 2,5; khuyến khích: 1,0), trung bình 4 môn thi chỉ 2,56 điểm, trong khi điểm trung bình lớp 12 là 8,3. Nhờ vậy, kết quả điểm xét tốt nghiệp là 5,56 , vẫn đỗ tốt nghiệp theo quy chế.
Nhiều khảo sát phát hiện 3 điều “xấu” một là có khoảng 10% số thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT nhờ vào điểm trung bình lớp 12, cá biệt có trường trên 30%, hai là điểm trung bình lớp 12 năm nay cao hơn năm trước (từ 0,18 đến 1,64 điểm) và ba là khoảng chênh lêch giữa điểm trung bình lớp 12 và trung bình 4 môn thi rất lớn (khoảng 3,5 điểm).
Đôi điều bàn luận
Trên đây là những ghi nhận chưa chính thức. Thiết nghĩ, Bộ GD ĐT phải rà soát, thống kê trên cơ sở dữ liệu toàn quốc, để có những phân tích, đánh giá chính xác ưu khuyết điểm và những vấn đề cần giải quyết sắp tới.
Rõ ràng chỉ lấy điểm trung bình lớp 12 là chưa chuẩn, nên chăng lấy điểm trung bình của ba lớp cấp 3 (lớp 10, 11 và 12) như nước ngoài áp dụng.
Việc cộng điểm trung bình lớp 12 chắc chắn sẽ dẫn đến hệ lụy là việc kiểm tra, đánh giá ở các trường THPT, đặc biệt các trường có chất lượng thấp, có tiêu cực: thầy cô vừa để được “thành tích” vừa để nâng đỡ học sinh của chính mình sẽ “ban phát” điểm rộng rãi hơn.
(Theo Báo Dân Trí)