Liên quan đến những vướng mắc trong xét tuyển ĐH-CĐ đợt 1, Thứ trưởng GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: “Do là năm đầu chúng ta thực hiện đổi mới thi tuyển sinh nên rất khó tránh khỏi những mặt còn hạn chế. Tuy nhiên Bộ GD-ĐT luôn có những giải pháp kịp thời để xử lý tình huống phát sinh”.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho rằng, kết quả qua đợt xét tuyển đầu tiên cho thấy những trường có uy tín, chất lượng có thể tuyển được những thí sinh giỏi nhất. Còn đối với thí sinh thì những em đạt kết quả cao luôn tự tin chọn được đúng ngành, trường mà mình yêu thích; những em có kết quả trung bình cũng có đủ thông tin để lựa chọn trường vừa sức; những em chẳng may chọn ngành, trường chưa phù hợp với năng lực sở trường và kết quả thi của mình cũng có cơ hội để thực hiện việc đăng ký trở lại. Thông tin tuyển sinh đã được minh bạch, công khai đảm bảo công bằng cho mọi thí sinh. Đó là những kết quả tích cực của đợt xét tuyển đầu tiên.
Có nhiều ý kiến cho rằng đợt 1 kéo dài quá nhiều ngày là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thí sinh thăm dò lẫn nhau cũng như “chờ đợi” thời cơ để nộp hồ sơ dẫn đến căng thẳng và mệt mỏi. Thứ trưởng nghĩ sao về điều đó?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Thực ra khi xây dựng qui chế, Bộ GD-ĐT cũng như các trường rất muốn rút ngắn thời gian của đợt xét tuyển để sớm kết thúc. Thời gian mỗi đợt xét tuyển 10, 15 ngày cũng đã được ra thảo luận rộng rãi.
Tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng nếu rút ngắn thời gian thì các thí sinh vùng sâu, vùng xa không có đủ thời gian nộp hồ sơ hoặc điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ảnh hưởng đến quyền lợi của các em.
Thực tế vừa qua cho thấy thời gian 20 ngày mỗi đợt xét tuyển là hơi dài. Chính vì thế, những năm tới Bộ sẽ điều chỉnh lại hợp lý hơn nhất là khi tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh.
Thưa Thứ trưởng, kì thi THPT quốc gia được tổ chức với mục đích vừa xét tốt nghiệp THPT vừa là căn cứ để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Biện pháp này nhằm làm giảm sự tốn kém cho các trường cũng như xã hội. Tuy nhiên, công tác xét tuyển năm nay đang được dư luận đánh giá là bất cập. Nếu nói về chi phí đi lại của phụ huynh, thí sinh thì thậm chí còn tốn kém hơn việc đi ĐH, CĐ hằng năm?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Có lẽ chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này một cách thấu đáo, đánh giá một cách toàn diện hơn. Cục bộ có thể xảy ra bất cập nhưng nhìn toàn cục, hiệu quả kỳ thi rất rõ rệt.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, việc rút, nộp hồ sơ trong đợt xét tuyển chỉ tập trung ở một số ít các trường lớn có uy tín. Thực tế chỉ có khoảng 30-40 trường trên tổng số hơn 400 trường ĐH, CĐ của cả nước có sức thu hút mạnh mẽ thí sinh. Nhiều thí sinh ít triển vọng trúng tuyển vào các trường này cũng đã đến các Sở GD-ĐT của địa phương làm thủ tục điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, không đến rút hồ sơ ở trường.
Vì vậy số thí sinh thực tế phải đi lại nhiều để rút hồ sơ không thể nào so sánh với hàng triệu thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ hằng năm. Việc tổ chức 1 kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích so với việc tổ chức 4 kỳ thi trước đây rõ ràng giảm được chi phí và áp lực thi cử rất lớn cho toàn xã hội.
Trong quá trình xét tuyển, phần lớn các trường ĐH đều đã cung cấp thông tin cần thiết đủ để thí sinh tham khảo lựa chọn quyết định của mình. Bộ cũng đã yêu cầu các trường báo cáo điểm xét tuyển tạm thời để công bố rộng rãi. Chắc chắn rất nhiều thí sinh đã nhờ các thông tin này mà tránh được rủi ro trong xét tuyển vào ĐH, CĐ năm nay.
Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh được thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển Bộ đã giao các Sở GD-ĐT thực hiện nhiệm vụ thu nhận đơn xin thay đổi nguyện vọng xét tuyển của thí sinh để thực hiện các thao tác kỹ thuật chuyển thông tin của thí sinh đến các trường liên quan.
Tất cả các thao tác này được thực hiện qua phần mềm, không phải rút, nộp hồ sơ nên rất đơn giản và nhẹ nhàng. Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu các trường cập nhật thường xuyên điểm xét tuyển tạm thời để thí sinh tham khảo.
Thí sinh hoàn toàn không nên đến các trường để thay đổi nguyện vọng xét tuyển mà hãy đến Sở GD-ĐT của địa phương hay đến ngay trường THPT trên địa bàn được Sở giao nhiệm vụ để thực hiện việc này.
Tuy nhiên việc xét tuyển thực hiện được một thời gian thì Bộ GD-ĐT mới có phần mềm hỗ trợ. Phải chăng chúng ta chưa chuẩn bị kỹ lưỡng để lường hết những khó khăn khi tổ chức xét tuyển?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Thực tế cho thấy, trong 10 ngày đầu tiên, thí sinh nộp hồ sơ là chính vì các trường đều chưa nhận đủ hồ sơ so với chỉ tiêu nên các giải pháp hỗ trợ thí sinh rút hồ sơ trong thời gian đó chưa thật cần thiết. Cũng trong thời gian đó, các trường chưa được yêu cầu công bố điểm xét tuyển tạm thời để tránh gây hiểu nhầm.
Khi số lượng hồ sơ chưa đủ so với chỉ tiêu thì rõ ràng điểm xét tuyển tạm thời chỉ bằng điểm ngưỡng nhận hồ sơ. 10 ngày sau của đợt xét tuyển, số lượng thí sinh đăng ký vào một số trường bắt đầu vượt chỉ tiêu cần thiết. Ngày 11/8, Bộ đã yêu cầu các Sở GD-ĐT và các trường phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thí sinh được thay đổi nguyện vọng xét tuyển.
Tuy nhiên do tâm lý của thí sinh và phụ huynh vẫn muốn đến trường tận tay rút, nộp hồ sơ mới yên tâm mà không biết rằng những việc này có thể thực hiện ngay tại Sở GD-ĐT địa phương an toàn và thuận tiện hơn rất nhiều. Đây là những vấn đề phát sinh trong thực tế khó có thể kiểm soát hết được. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh trong những năm kế tiếp.
Nhiều người cho rằng việc nộp hồ sơ xét tuyển hay rút hồ sơ tại Sở GD-ĐT là không yên tâm. Thứ trưởng nghĩ sao về điều này?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Trong những ngày qua, hệ thống nộp hồ sơ xét tuyển ở Sở GD-ĐT đang hoạt động rất trơn tru, không gặp bất cập gì nhiều. Toàn bộ hồ sơ Sở GD-ĐT nhập lên sẽ được các trường xử lý trong vòng 24 tiếng nên quyền lợi của thí sinh hoàn toàn đảm bảo. Khi thông tin của thí sinh gửi đến các trường liên quan mà các trường không xử lý thì hệ thống sẽ tự động cập nhật sau một thời gian nhất định. Điều này rất có lợi cho thí sinh nhất là việc thay đổi nguyện vọng xét tuyển diễn ra trong những ngày cuối.
Thời điểm hiện tại đã có rất nhiều thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển tại Sở và chưa có sai sót nào được phản ánh.
Những điều chưa suôn sẻ trong xét tuyển ĐH năm nay sẽ được điều chỉnh như thế nào trong mùa tuyển sinh năm tới, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Kỳ thi THPT quốc gia mới được tổ chức năm đầu tiên nên rõ ràng còn nhiều điều cần rút kinh nghiệm để những năm sau tổ chức tốt hơn. Mặt khác những năm tới thí sinh cũng sẽ quen dần với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu từ đãng ký dự thi đến xét tuyển để giảm nhẹ áp lực công tác xét tuyển. Năm nay không nhiều thí sinh lựa chọn các giải pháp này.
Những giải pháp kỹ thuật áp dụng trong tuyển sinh năm nay đã được thảo luận, tính toán kỹ càng. Các phương án cũng đã được đưa ra thảo luận rộng rãi để chọn được phương án phù hợp nhất đưa ra áp dụng.
Bộ luôn có những giải pháp để xử lý kịp thời những tình huống phát sinh trong quá trình triển khai. Hơn 13 năm tổ chức kỳ thi “3 chung” trước đây, năm nào Bộ cũng tổ chức họp bàn rút kinh nghiệm để điều chỉnh qui chế cho phù hợp.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Nguyễn Hùng (thực hiện)
(Email hungns@dantri.com.vn)