Những kiến thức quá khó, chưa cần thiết sẽ được loại bỏ, học sinh được chọn môn để phát huy khả năng riêng trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết chiều 22/4.
- Diện mạo của chương trình sách giáo khoa mới sẽ khác với chương trình hiện hành như thế nào, thưa thứ trưởng?
- Cái chung nhất của chương trình và sách giáo khoa sắp tới là mục tiêu, phương pháp, hình thức kiểm tra đánh giá đảm bảo phát triển phẩm chất, năng lực chứ không chỉ trang bị kiến thức. Trước đây, quan niệm có kiến thức là có năng lực, nhưng lần này thì khác, nhiều yếu tố cộng lại mới có được năng lực. Muốn đánh giá năng lực phải kiểm tra khả năng vận dụng kiến thức của học sinh.
Chương trình cũng sẽ phân ra hai giai đoạn tương ứng của giáo dục phổ thông. Tiểu học và THCS trang bị kiến thức nền tảng, hình thành cơ bản phương pháp tự học để học sinh học xong THCS có thể ra ngoài tự học. THCS cũng gợi ý cho học sinh biết được năng lực và hiểu cơ bản nghề nghiệp ngoài xã hội, để các em có kiến thức cơ bản, nhưng cũng có thể quyết định học tiếp hay dừng lại học nghề.
Trước đây quan niệm 12 năm xong phổ thông nhưng nay lớp 9 cơ bản xong chương trình phổ thông. Như vậy thời gian ít đi nhưng yêu cầu nhiều hơn nên chương trình thiết kế theo hướng tích hợp, giảm số môn học, những kiến thức liên quan được xếp lại gần nhau, không bị dạy đi dạy lại, đồng thời việc dạy và học dễ hơn, dễ hình thành năng lực cho học sinh.
Giai đoạn hai là giáo dục định hướng nghề nghiệp ở THPT. Giai đoạn dạy học phân hóa sẽ có ít môn bắt buộc, tăng môn tự chọn. Học sinh sẽ có các buổi học chuyên đề để cung cấp kiến thức nâng cao, hiểu thêm nhóm ngành nghề ngoài xã hội. Lớp 10 phân hóa ít, lớp 11, 12 sẽ nhiều hơn. Với cách như vậy việc tổ chức ở THPT sẽ khác bây giờ, phức tạp và khó hơn. Nhiều người nghi ngại, nhưng chương trình thiết kế mở đáp ứng nguyện vọng học sinh trong khả năng của nhà trường.
Chương trình giáo dục phổ thông kiến thức quá khó, chưa cần thiết sẽ được bỏ, khả năng vận dụng vào thực tế, góp phần hình thành năng lực sẽ tăng lên. Học sinh sẽ học nhẹ hơn, tự chọn môn, chuyên đề, phát huy khả năng riêng trên cơ sở nền chung bắt buộc.
Trong chương trình mới, giáo viên không chỉ dạy trên lớp mà có thể tổ chức nhiều phương pháp dạy học như nghiên cứu khoa học, dạy học theo dự án, trường học mới... để phát huy tính chủ động sáng tạo. Cách đánh giá cũng thay đổi, có thể bằng những sản phẩm thật học sinh làm được, hay đánh giá đạo đức qua những hàng động ứng xử hàng ngày chứ không phải kiểm tra trên giấy.
Chương trình tiểu học sẽ được thiết kế 2 buổi, nhưng sẽ có hướng dẫn để các trường dạy một buổi cũng dạy được phần cốt lõi, có phần cho học sinh trải nghiệm ở nhà. THCS và THPT thiết kế dạy một buổi. Tăng cường cơ sở vật chất và giáo viên không có nghĩa là tăng thời gian giảng dạy từ một buổi thành 2 buổi.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển. Ảnh: NK. |
- Quy trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa sẽ được thực hiện như thế nào?
- Đề án 404 mà Thủ tướng đã phê duyệt tách bạch rõ việc làm chương trình và sách giáo khoa. Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ được viết trước, căn cứ vào đó mới ban hành các chương trình môn học, sau đó mới biên soạn đề cương sách giáo khoa. Chương trình bộ môn muốn được thẩm định phải đối chiếu với chương trình tổng thể, còn sách giáo khoa phải đối chiếu với chương trình bộ môn mới được thông qua. Đây là điểm thay đổi căn bản so với trước đây. Ban hành chương trình sẽ giúp cho việc biên soạn được thống nhất, đảm bảo tính khoa học, sư phạm, khả thi và độ tin cậy.
Trước đây không có đề cương, nhưng năm nay có nhiều tổ chức cá nhân được tham dự nên chúng tôi yêu cầu phải có. Khi họp Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng không ai dám mạo hiểm viết sách giáo khoa vì sau đó có thể Bộ không thẩm định. Vấn đề này chúng tôi xin nói rõ hơn rằng viết đề cương là để họ mường tượng được những việc cần phải làm, sau đó Bộ góp ý để chỉnh sửa cho chất lượng hơn, chứ đề cương không phê duyệt.
Trước đây cũng không có chuơng trình tổng thể, lần này có sẽ đảm bảo tính nhất quán, liên thông, không bị cắt khúc.
- Bộ nói rằng phải có tiêu chí của người viết chương trình nhưng cũng thông tin chương trình tổng thể sắp xong, Bộ giải thích như thế nào?
- Cái trong đầu và cái Bộ đang nháp là có rồi, tiêu chí cũng đã có. Hội đồng viết chương trình chưa thành lập, nhưng Bộ đã tập hợp những nhà khoa học có năng lực theo các tiêu chí để viết nội dung tổng thể, nhiều lần hội thảo cả Bắc Trung Nam để tiếp nhận góp ý. Nhưng để hoàn thiện văn bản tổng thể phải hình thành hội đồng, duyệt lại lần cuối.
Chưa có chương trình tổng thể nhưng vẫn có thể viết được chương trình bộ môn, vì hình dung chương trình tổng thể sẽ viết được. Dù là đi trước nhưng vẫn đi sau, vì viết trước khi có chương trình tổng thể nhưng phê duyệt sau chương trình tổng thể. Điều này không có gì mâu thuẫn, vì phải tranh thủ thời gian, có thể công sức đầu tư vào nhiều hơn, nhưng nó bù đắp việc khác, như viết chương trình bộ môn sẽ thử nghiệm luôn cho chương trình tổng thể.
Dù chưa hình thành nhóm viết chương trình, sách giáo khoa trên văn bản nhưng nhóm làm việc thật đã có, thường xuyên trao đổi với nhau.
- Trước đây cũng có giáo viên phổ thông tham dự, nhưng thực tế nhiều người cho biết không có vai trò gì, vậy sắp tới tỷ lệ huy động giáo viên phổ thông và vai trò của họ như thế nào?
- Bộ sẽ mời những người bên ngoài vào để viết chương trình sách giáo khoa, thực chất hiện nay đội ngũ này cũng không có nhiều người của Bộ. Có 3 tiêu chí cơ bản mà người tham gia viết chương trình, sách giáo khoa cần có là phẩm chất con người vì viết sách hay chương trình dù giỏi đến mấy mà không có phẩm chất tốt cũng không được. Tiêu chí thứ hai là phải giỏi về khoa học. Tiêu chí thứ ba là phải có năng lực sư phạm. Người viết chương trình và sách giáo khoa phải là 2 trong 1. Nhưng lực lượng này chúng ta chưa có nhiều, nên phải xây dựng dần.
Một số tiêu chí khác người viết chương trình, sách giáo khoa cần có là năng lực tiếp thu vì sẽ làm việc tập thể, năng lực thực tiễn, có kinh nghiệm giáo dục phổ thông. Từ kinh nghiệm đến viết rất xa, từ biết đến viết cũng có khoảng cách, và không phải có kinh ngiệm là khái quát thành khoa học, nên để viết được chương trình sách giáo khoa cần phải có những nhà giáo dục có nănglực sư phạm, có am hiểu về phổ thông. Giáo viên cũng làm được nhưng số này không nhiều. Vì vậy Bộ sẽ lấy ý kiến nhiều giáo viên phổ thông thông qua các văn bản theo hệ thống dọc và công bố trên mạng, nhưng số lượng thẩm định thì chỉ số lượng nhỏ.
- Thời hạn công bố rộng rãi chương trình để xã hội cho ý kiến là bao giờ?
- Lộ trình có 3 giai đoạn, giai đoạn đầu từ tháng 4/2015 đến 6/2016 với mục tiêu đặt ra là ban hành được chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình môn học. Giai đoạn 2 từ 7/2016 đến hết 6/2018 ít nhất phải ban hành được bộ sách giáo khoa cho lớp 1, lớp 6 và lớp 10, đảm bảo 2018-219 có một bộ sách để bắt đầu áp dụng. Giai đoạn 3 từ 7/2018 đến 2023, thực hiện cuốn chiếu theo từng cấp học. Lộ trình đề án chỉ rõ hoạt động đề án từng năm để 2022-2023 chương trình sách giáo khoa mới được áp dụng trên toàn quốc.
- Hiện có những đơn vị nào đăng ký viết sách giáo khoa?
- Bộ Giáo dục sẽ chỉ đạo một tổ chức viết sách giáo khoa, có thể là Nhà xuất bản Giáo dục. Dù là đơn vị nào thì đều phải có nhũng cá nhân đảm bảo khả năng viết sách tốt nhất. Bộ cũng nhận được công văn của Sở Giáo dục TP HCM đăng ký viết sách giáo khoa. Bộ đồng ý vì cần khuyến khích các tổ chức cá nhân tham gia viết, nhưng chỉ khi nào Bộ phê duyệt, thẩm định thì sách mới được phát hành.
(Theo VnExpress)