Đó là nhận định của lãnh đạo các trường THPT trên cả nước về Quy chế thi THPT Quốc gia và Quy chế tuyển sinh CĐ, ĐH hệ chính quy vừa được Bộ GD&ĐT ban hành.
Thầy Trần Văn Nam, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Thái Bình):
Tôi đồng tình và nhất trí cao với 2 quy chế thi mà Bộ GD&ĐT vừa ban hành. Việc tổ chức kỳ thi quốc gia với 2 mục đích là có lợi cho học sinh vì không phải thi nhiều lần, giảm tốn kém cho xã hội. Học sinh chỉ cần đăng ký thi từ 4 đến 5 môn là có thể dùng kết quả để xét tuyển vào nhiều trường ĐH, CĐ.
Quy chế kỳ thi chung quốc gia 2015 đã thể hiện khá chi tiết, cụ thể và đáp ứng được mong đợi của phụ huynh, học sinh lớp 12. So với bản dự thảo thì quy chế chính thức đã được điều chỉnh để đảm bảo quyền lợi của các thí sinh nhiều hơn.
Việc cho phép thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp được thi tại trường hoặc liên trường do Sở GD&ĐT chủ trì sẽ dành thuận lợi về phía thí sinh. Khi được thi tại trường, các em không còn phải lo vấn đề đi lại, sinh hoạt trong suốt kỳ thi, và đặc biệt không gây căng thẳng về tâm lý.
Cùng với nhiều điểm hợp lý khác như việc giữ các khối thi truyền thống; Xét tuyển vào đại học, cao đẳng sau khi có kết quả thi và xét tuyển thành từng đợt với thông tin được công bố công khai, minh bạch đem lại niềm tin cho thí sinh về sự công bằng trong cơ hội xét tuyển, giúp các em yên tâm ôn tập để đạt kết quả cao nhất có thể.
Bên cạnh đó, thời gian thi được dự kiến tổ chức vào đầu tháng 7/2015 là phù hợp, tạo sự ổn định tâm lý cho học sinh, phụ huynh và có thêm thời gian để các em ôn tập, hệ thống kiến thức, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi.
Từ nay đến khi kết thúc năm học, nhà trường chỉ đạo giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với cha mẹ học sinh để định hướng, nhắc nhở các em củng cố kiến thức, kỹ năng trong thời gian tự ôn tập để có tâm thế tốt nhất bước vào kỳ thi.
Theo kết quả phản hồi từ tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh trong trường, tất cả đều đồng tình với với Quy chế kỳ thi chung quốc gia năm 2015 và đánh giá cao chủ trương của Bộ GD&ĐT: Chọn đổi mới kiểm tra đánh giá là khâu đột phá trong đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT.
Thầy Đinh Văn Tư- Hiệu trưởng Trường THPT Tây Giang (Quảng Nam)
Tôi cho rằng quy chế thi mà Bộ GD&ĐT vừa ban hành là hợp lý, đảm bảo đến quyền lợi của tất cả các thí sinh, nhất là các thí sinh vùng khó như ở huyện miền núi Tây Giang tỉnh Quảng Nam- một trong những địa phương nghèo nhất cả nước.
Theo quy chế, sẽ có 2 loại cụm thi. Những cụm thi cho các thí sinh vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ do trường ĐH chủ trì phối hợp với Sở GD&ĐT.
Những thí sinh chỉ dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức thi trong cụm tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh, do sở GD&ĐT chủ trì phối hợp với trường ĐH.
Tổ chức 2 loại cụm thi riêng, sẽ đảm bảo được sự công bằng và chất lượng làm bài. Các thí sinh thi để xét tốt nghiệp THPT chỉ phải thi ở chính trường mình hoặc trong tỉnh mình, vừa tiết kiệm chi phí cho gia đình, nhà trường, xã hội và quan trọng hơn là giúp sĩ tử có tâm lý thoải mái làm bài.
Ở Trường THPT Tây Giang, phần lớn các thí sinh chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT nên thay đổi này so với dự thảo khiến các thí sinh rất vui mừng. Các em sẽ không phải vượt quãng đường dài để đến các địa điểm thi và sẽ được thi ngay tại trường của mình.
Ngoài ra ở các huyện miền núi, điều kiện học Ngoại ngữ còn rất hạn chế so với các địa phương khác. Trong Quy chế cũng quy định: Thí sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được Giám đốc Sở GD&ĐT xem xét, quyết định cho phép thí sinh chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn. Điều này sẽ giúp các em giảm bớt được rất nhiều áp lực khi tham dự kì thi THPT quốc gia.
Thầy Phạm Tiến Trình - Hiệu trưởng Trường THPT Khánh An (Cà Mau)
Chúng tôi ủng hộ Quy chế thi THPT Quốc gia và Quy chế tuyển sinh CĐ, ĐH hệ chính quy vừa được Bộ GD&ĐT ban hành. Các thầy cô đã yên tâm khi biết được chính xác những điều cần làm sau khi quy chế thi và tuyển sinh được công bố.
Việc giữ nguyên thang điểm 10 khi chấm thi, thay vì thang 20 sẽ giúp giảm bớt được những thay đổi đột ngột, gây lo lắng không cần thiết cho các thí sinh.
Việc có 4 giấy chứng nhận kết quả kỳ thi quốc gia chung và được chọn trường sau khi biết điểm sẽ mở ra cho thí sinh nhiều cánh cửa vào đại học hơn, tránh được tình trạng ảo tưởng năng lực mà đăng ký trường cao hay tự ti quá mà chọn trường điểm thấp.
Trong quy chế quy định có 2 loại cụm thi, nhất là cụm thi trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh sẽ giúp các thí sinh chỉ có nguyện vọng đỗ tốt nghiệp tránh được việc di chuyển đoạn đường khá dài đến các địa điểm thi.
Kỳ thi sắp tới có nhiều thay đổi, nhà trường đang dồn sức để học sinh nắm vững thông tin, tâm lý vững vàng, vượt qua kỳ thi một cách tốt nhất. Thầy cô và học sinh đang chờ những thông tin chính xác, cụ thể nhất để triển khai công tác ôn luyện, tổ chức các kỳ thi để các em làm quen.
Công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT của trường đã được triển khai từ rất sớm. Do có nhiều thay đổi, mỗi thông tin cung cấp cho học sinh cần tính chính thống, dễ hiểu, cụ thể, không dồn dập, mơ hồ khiến tâm lý các em hoang mang. Công tác tổ chức thăm dò, đăng ký môn thi của học sinh được tiến hành.
Cách làm bài tự luận, trắc nghiệm, quy chế thi cử cũng đã được nhà trường áp dụng vào bài kiểm tra, thi cuối kỳ. Trong khả năng, nhà trường cố gắng ra đề theo định hướng, cấu trúc mà Bộ đã hướng dẫn. Trường THPT Khánh An đã tổ chức ôn luyện cho học sinh khối 12 từ đầu tháng 11/2014.
Với kỳ thi có những thay đổi lớn như thi tốt nghiệp THPT năm nay, tâm lý lo lắng chính là một trong những yếu tố tạo nên sức ì, đôi khi gây ra những phản ứng tiêu cực, mang lại kết quả không mong muốn.
Ðiều cần nhất đối với các nhà trường, giáo viên và học sinh chính là ổn định được tâm lý, bình tĩnh xử lý thông tin và nắm được các thông tin cốt lõi, tập trung đầu tư ôn luyện kỹ năng, kiến thức.
(Theo Báo GD&TĐ)