Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, phôi bằng tốt nghiệp ĐH, CĐ sẽ không do Bộ cấp như trước đây mà do các trường tự chịu trách nhiệm.
Xây dựng thương hiệu qua tấm bằng tốt nghiệp
Theo quy trình hiện nay, sau khi kết thúc mùa tuyển sinh,các trường phải báo cáo về Bộ số lượng tuyển vào. Những số liệu này được lưu trữ để đối chiếu với số phôi bằng tốt nghiệp các trường đăng ký mua sau 4, 5 năm.
Ảnh Lê Anh Dũng |
Ông Lê Quốc Hạnh, trưởng Phòng Đào tạo ĐH Hà Nội cho biết: Muốn mua phôi bằng từ Bộ GD-ĐT phải có hồ sơ kèm theo. Bộ sẽ kiểm tra căn cứ theo chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm, kiểm tra cả về số lượng đầu vào, đầu ra. “Việc kiểm tra chặt này, nói riêng với trường tôi, không có vấn đề gì quá nặng nề. Tuy nhiên, nếu cứ kéo dài cách quản lý như vậy sẽ khó cho các trường”.
Vì vậy, ông Hạnh cho rằng việc giao cho các trường tự chủ in, cấp bằng tốt nghiệp là điều rất tốt, đặc biệt trong xu thế cạnh tranh chất lượng hiện nay. “Không thể cào bằng chất lượng giữa các trường. Tự cấp bằng là một trong những cách để trường xây dựng thương hiệu”.
Một lãnh đạo trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng ủng hộ việc tự chủ về bằng tốt nghiệp. Theo vị này, “Bằng cấp phải gắn với thương hiệu. Bằng của ĐH Kinh tế quốc dân phải khác với trường khác. Với phôi bằng do Bộ cấp như hiện nay, trường muốn đưa thông tin mang tính chất thương hiệu về trường không được”.
“Đề án tự chủ của trường đang chờ duyệt cũng đã đề cập tới nội dung này. Nếu được chấp thuận, chắc chắn chúng tôi sẽ mời những họa sĩ có nghề thiết kế bằng cho trường”.
Ông Nguyễn Văn Nhã, hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi nhận xét dự kiến giao cho các trường là phù hợp với thông lệ quốc tế, không có gì đáng ngạc nhiên.
“Khi tự chủ trong việc in, cấp bằng, chính hiệu trưởng cấp bằng là chịu trách nhiệm trước xã hội về đầu ra của sinh viên. Hiệu trưởng một trường đại học danh tiếng trên thế giới đã nói với tôi rằng ông ta chỉ quan tâm đến 2 kỳ thi, một là kỳ thi đầu vào để trả lời câu hỏi “Bạn đã xứng đáng là sinh viên trường tôi chưa?”, và thứ hai là kỳ thi cuối cùng, để trả lời câu hỏi “Bạn đã xứng đáng nhận bằng tốt nghiệp của trường tôi chưa?”.
“Tuy nhiên, để đảm bảo được giá trị của tấm bằng, trường phải ra trường, lớp phải ra lớp. Hiệu trưởng tự chủ, thì tự chịu trách nhiệm. Xã hội là nơi kiểm tra chất lượng tấm bằng”.
Chấp nhận trả giá?
Lãnh đạo một trường ĐH ngoài công lập bình luận: “Sự e ngại của xã hội về việc mua bán bằng nếu trường được tự in và cấp phát bằng là đúng, đặc biệt đối với các trường nhỏ hoặc trường ngoài công lập. Nhưng sao không nghĩ rằng nếu trường được tự chủ, thì thậm chí trường… chẳng cần phải bán, mà còn cách gian lận khác tinh vi hơn, như sinh viên vẫn là sinh viên “xịn”, vẫn đóng học phí đầy đủ… nhưng sinh viên này học dốt hoặc không đủ điều kiện cấp bằng theo quy định mà trường vẫn cấp bằng”.
“Nếu so sánh việc trường tự in, cấp bằng khác gì với việc đến Bộ nhận phôi bằng không? Thì tôi cho rằng thậm chí còn… nguy hiểm hơn”.
Tuy nhiên, theo vị hiệu trưởng này, cũng không nên quá lo sợ, bởi “Sau này, sẽ không còn khái niệm bằng giả mà chỉ là bằng không chất lượng. Nếu đầu ra của sinh viên không đảm bảo chất lượng, thì bằng cấp chỉ là mớ giấy lộn.
Các trường tự nâng mình lên hay dìm mình xuống cũng ở khâu cấp bằng này”.
Đồng quan điểm, ông Lê Quốc Hạnh thẳng thắn “Cấp bằng tùm lum là tự hủy diệt mình. Xã hội sẽ là nơi kiểm định chất lượng văn bằng”.
Về phía Trường ĐH Kinh tế quốc dân, lãnh đạo nhà trường khẳng định việc cấp bằng luôn được quản lý đầy đủ, chặt chẽ. “Chúng tôi là trường lớn, chỉ tiêu nhiều, có khi còn không dùng hết. Kể cả có tự in, thì một tấm bằng tốt nghiệp khi phát ra cũng phải trải qua 5, 6 khâu, không phải chuyện đơn giản khi nói rằng có thể lợi dụng sự tự chủ để gian lận”.
ĐHQG Hà Nội là một trong hai đơn vị được tự quản lý chỉ tiêu và in phôi bằng cho tới thời điểm này. Ông Nguyễn Văn Nhã chia sẻ kinh nghiệm khi còn là trưởng Ban Đào tạo, ĐHQG Hà Nội: “Không thể phát hiện được bằng rởm nào của ĐHQG Hà Nội, vì kiểm tra đầu vào – đầu ra cực kỳ nghiêm ngặt. Xét tốt nghiệp bao nhiêu thì số lượng phôi bằng về các khoa là chỉ được lấy bấy nhiêu, không có chuyện cấp dư ra dăm ba cái để dự trữ sai, hỏng. Kinh nghiệm của ĐHQG Hà Nội là phải có mã phôi bằng để đảm bảo không bị làm rởm. Chỉ có một đầu mối phát ra, kiểm tra chặt”.
Theo ông Nhã, khi để các trường tự in phôi bằng, phải tính tới trường hợp sẽ sót một vài trường không tự giác, lợi dụng việc được tự chủ in bằng tốt nghiệp mà làm bậy. “Xã hội sẽ trả giá trong một thời gian. Nhưng cũng như sự tồn tại của các doanh nghiệp, nếu không đảm bảo đáp ứng nhu cầu của xã hội, nhà trường đó sẽ khó lòng tồn tại được lâu” – ông Nhã khẳng định.
Ông Nhã cũng cho rằng không nên giao đồng loạt việc tự in bằng cho các trường. Bộ GD-ĐT nên đặt ra các tiêu chí, trường nào đủ điều kiện sẽ được làm ngay đợt 1. Sau đó đến các trường khác, cứ đủ điều kiện thì giao. Bộ cần có thêm khâu kiểm tra đột xuất trong năm, theo danh sách sinh viên tốt nghiệp, phôi bằng còn quản lý cũng như yêu cầu các trường công khai thông tin trên mạng. “Khi nào người Việt Nam tự giác… giống như Tây, thì sẽ không phải lo lắng về việc này nữa
(Theo Vietnamnet.vn)