Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH không chỉ bảo đảm được trách nhiệm giải trình với xã hội, tạo niềm tin với người học mà quan trọng hơn, đó chính là con đường hiệu quả nhất để đạt được sự công nhận quốc tế. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, công tác kiểm định chất lượng ĐH vẫn còn nhiều bỏ ngỏ.
Chưa đạt yêu cầu quốc tế
Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế luật - ĐHQG TPHCM, công tác bảo đảm chất lượng, kiểm định và xếp hạng ĐH đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của giáo dục ĐH, là yếu tố sống còn để khẳng định uy tín, vị thế và hội nhập nền giáo dục ĐH toàn cầu. Tuy nhiên, hiện còn một số khó khăn như sự am hiểu về công tác bảo đảm chất lượng chưa sâu, đội ngũ chưa chuyên nghiệp, nguồn tài chính để đầu tư cho những hoạt động cải thiện chất lượng còn nhiều hạn chế.
Theo nhận định của lãnh đạo ĐH Quốc gia Hà Nội, ít trường ĐH của Việt Nam quan tâm đến việc đảm bảo chất lượng bên trong mà chỉ tập trung vào việc làm sao đạt được các tiêu chuẩn, tiêu chí, điều này đã khiến vị trí xếp hạng của các ĐH Việt Nam bị tụt thấp hơn so với các ĐH quốc tế. Để đảm bảo được vị trí của mình, mỗi ĐH phải có được 3 trụ cột chính: Đảm bảo chất lượng bên trong, kiểm định chất lượng giáo dục và vị trí xếp hạng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác kiểm định chất lượng đào tạo, đặc biệt về cơ sở vật chất, đội ngũ… của các ĐH Việt Nam chưa đạt được yêu cầu quốc tế.
Bên cạnh đó, vấn đề quan trọng nhất là công tác hậu kiểm định sẽ như thế nào? Cơ chế, chính sách cho các trường ra sao? Nếu không xác định rõ ràng thì công việc kiểm định sẽ chỉ mang tính ép nhau làm cho có mà thôi.
Cần có nhiều trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đại học
TS Nguyễn Quốc Chính - Trưởng ban ĐH và sau ĐH (ĐH Quốc gia TPHCM) đưa ra băn khoăn: Có vẻ như các trường ĐH sau khi được kiểm định rồi mới phân tầng. Vậy có nên dùng một bộ tiêu chuẩn để đánh giá tất cả các cơ sở hay nên phân nhóm rồi có bộ tiêu chuẩn cho từng nhóm để đánh giá?
Th.S Đinh Tuấn Dũng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo tiên tiến chất lượng cao và POHE - ĐH Kinh tế Quốc dân đề nghị nên thành lập mạng lưới bảo đảm chất lượng các trường theo khối ngành như kỹ thuật, kinh tế, quản lý kinh doanh, y - dược… để đưa ra các chuẩn mực chung về kiểm định cho từng khối ngành.
TS Phạm Xuân Thanh - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GDĐT cho biết, việc xác định tiêu chuẩn cụ thể cho từng nhóm sẽ có hiệu quả hơn, tuy nhiên trong điều kiện hiện tại vẫn chỉ đang áp dụng một tiêu chuẩn chung. Hiện có 92% số trường ĐH, CĐ hoàn thành báo cáo tự đánh giá và cải tiến chất lượng đã sẵn sàng để đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục; trên 70% số cơ sở giáo dục ĐH và TCCN có đơn vị chuyên trách về công tác bảo đảm chất lượng, có nhân lực, kế hoạch hằng năm để triển khai công tác bảo đảm chất lượng của nhà trường.
Định hướng thời gian tới sẽ đẩy mạnh tiến độ triển khai tự đánh giá vòng 2 - 3 các cơ sở giáo dục ĐH, TCCN; triển khai tự đánh giá các chương trình giáo dục ĐH và phấn đấu đến năm 2016-2020 có 95% số cơ sở giáo dục ĐH, TCCN và chương trình giáo dục ĐH hoàn thành báo cáo tự đánh giá và được đánh giá ngoài. Cũng trong giai đoạn trên, 95% số cơ sở giáo dục và chương trình giáo dục được đánh giá ngoài và xem xét công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Theo ông Thanh, ngoài hai tổ chức kiểm định vừa được cấp phép (ĐH Quốc gia HN và ĐH Quốc gia TPHCM), thời gian tới sẽ thành lập thêm các tổ chức kiểm định chất lượng nhà nước; sau năm 2015, bắt đầu cho phép các tổ chức, cá nhân thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.
(Theo laodong.com.vn)