Hiện nay, nhiều trường ĐH, CĐ đã công bố Đề án tuyển sinh riêng năm 2015. Theo đó, các trường đều khẳng định sẽ xét tuyển thí sinh của cả hai cụm thi trong kỳ thi THPTquốc gia. Tuy nhiên, mỗi trường thực hiện cách xét khác nhau.
Theo quy định, tất cả những đề án tuyển sinh riêng của các trường ĐH, CĐ sẽ được Bộ công bố trên phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến của xã hội trong thời gian 1 tháng. Bộ GD-ĐT sẽ tổng hợp ý kiến và đề nghị các trường chỉnh sửa, hoàn thiện. Sau thời gian này, Bộ sẽ có văn bản xác nhận các đề án phù hợp với quy định để các trường triển khai ngay từ năm 2015.
Xét tuyển theo tổ hợp các môn thi
Trường ĐH Trưng Vương đã công bố phương thức tuyển sinh năm 2015. Theo đó, đối với tuyển sinh theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia, trường tuyển sinh 30% chỉ tiêu Đại học, Cao đẳng theo phương thức này. Trường không tổ chức các kỳ thi riêng, căn cứ vào kết quả thi của thí sinh tại kỳ thi THPH Quốc gia (thi theo cụm do các trường ĐH thực hiện), trường sẽ xét tuyển vào hệ Đại học và hệ Cao đẳng của Trường, căn cứ vào: Điểm thi các môn bắt buộc, điểm thi môn tự chọn, điểm thi các môn thí sinh đăng ký thi thêm để xét tuyển vào ĐH,CĐ.
Tổ hợp các môn thi thuộc khối xét tuyển của Trường gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (các thứ tiếng), Vật lý, Hóa học. Ngoài 4 môn thí sinh đã tham gia kỳ thi THPH quốc gia (3 môn bắt buộc, 1 môn tự chọn), thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn nằm trong tổ hợp các môn xét tuyển của Trường để có thêm cơ hội được xét tuyển vào Trường.
Đặc biệt, Trường ĐH Trưng Vương dành 70% chỉ tiêu ĐH, CĐ theo kết quả ghi trong học bạ. Xét tuyển căn cứ váo kết quả học tập 2 học kỳ của lớp 12.
Tổ hợp các môn xét tuyển theo học bạ của trường gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, (tất cả các thứ tiếng), Vật lý, Hóa học, được xếp theo các khối: A, A1, D.
Năm 2015, Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì sẽ thực hiện hai phương thức tuyển sinh là sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia do các trường đại học chủ trì để xét tuyển với tổ hợp các môn thi đạt ngưỡng xét tuyển tối thiểu.
Xét tuyển các thí sinh tốt nghiệp THPT từ năm 2014 trở về trước hoặc sẽ tốt nghiệp THPT năm 2015, có tổ hợp các môn của quá trình học lớp 10; lớp 11 và lớp 12 đạt yêu cầu.
Về xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT dựa vào kết quả học tập trung học phổ thông, trường đề ratiêu chí xét tuyển là thí sinh tốt nghiệp THPT. Tổng điểm ba môn của 5 kỳ: 2 kỳ lớp 10; 2 kỳ lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 (5 học kỳ) đối với thí sinh dự tuyển hệ Đại học đạt 90 điểm trở lên, đối với thí sinh dự tuyển hệ Cao đẳng đạt 82,5 điểm trở lên. Hạnh kiểm lớp 12 xếp loại Khá trở lên.
Còn Trường ĐH Kinh tế TPHCM sẽ sử dụng kết quả thi THPT quốc gia do các trường đại học tổ chức. Trường xét tuyển tất cả các ngành (trừ ngành Ngôn ngữ Anh) theo các tổ hợp môn xét tuyển sau:
Tổ hợp 1: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh (khối D1 cũ); tổ hợp 2: Toán, Vật lý, tiếng Anh (khối A1 cũ); tổ hợp 3: Toán, Vật lý, Hóa học (khối A cũ).
Tất cả các môn tổ hợp 1, 2, 3 hệ số 1. Thí sinh chọn một trong các tổ hợp môn xét tuyển. Riêng đối với ngành Ngôn ngữ Anh xét tuyển các môn: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh (Môn Toán, Ngữ văn hệ số 1, môn tiếng Anh hệ số 2).
Xét tuyển thí sinh ở cả 2 cụm thi
Trường ĐH Thái Bình Dương, tổ chức thực hiện đồng thời 2 phương thức tuyển sinh, cụ thể:Phương thức 1 - xét tuyển chung: Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức tại các cụm thi do các trường đại học chủ trì; Phương thức 2 - xét tuyển riêng: Xét tuyển dựa vào tổng hợp nhiều tiêu chí trong đó gồm các tiêu chí về kết quả học tập THPT.
Với xét tuyển chung, trường dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia chỉ được áp dụng đối với thí sinh dự thi theo cụm do trường đại học chủ trì tổ chức. Các thí sinh còn lại chỉ được áp dụng phương thức xét tuyển riêng.
Ngưỡng tối thiểu để một thí sinh được xét tuyển và trúng tuyển là điểm trung bình của một trong ba môn điều kiện phải: Lớn hơn hoặc bằng 6,0 (đối với bậc Đại học), hoặc lớn hơn hoặc bằng 5,5 (đối với bậc Cao đẳng).
Trường tổ chức phỏng vấn bổ sung trực tiếp trong trường hợp cần thiết, như: Nhiều thí sinh có cùng chỉ số ngay tại mức điểm chuẩn dẫn đến vượt chỉ tiêu; hay có sự nghi ngờ về tính xác thực của điểm số trên học bạ; có sự nghi ngờ về tính chân chính trong động cơ học tập…
Còn trường ĐH Nguyễn Trãi, tổ chức thực hiện đồng thời 2 phương thức tuyển sinh là xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức và xét tuyển thí sinh đã tốt nghiệp THPT dựa vào kết quả học tập 5 học kỳ THPT. Riêng đối với các khối ngành năng khiếu sẽ kết hợp xét kết quả học tập THPT và tổ chức thi tuyển các môn năng khiếu.
Tương tự, từ năm 2015, Trường Đại học Tây Đô sử dụng hai phương thức tuyển sinh để tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy là sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia tại các cụm thi do các Trường Đại học chủ trì để xét tuyển ĐH, CĐ và xét tuyển dựa theo kết quả học tập ở bậc học THPT.
Bên cạnh đó, trường đưa ra nhóm các môn học sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia tại các cụm thi do các trường đại học chủ trì và kết quả học tập ở bậc THPT để xét tuyển: Các nhóm môn học dùng để xét tuyển được xây dựng dựa trên cơ sở các khối thi ĐH, CĐ của hình thức ba chung cũ. Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh có nhiều sự lựa chọn để xét tuyển, Trường ĐH Tây Đô xây dựng thêm các nhóm môn học khác, đảm bảo mỗi ngành xét tuyển không vượt quá 04 nhóm môn và trong mỗi nhóm phải có môn với kiến thức bắt buộc và môn kiến thức bổ trợ.
Trường ĐH Tây Đô cũng đưa ra 2 hình thức của phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập bậc THPT: Hình thức 1: Xét dựa vào kết quả học tập của cả năm học lớp 12 và kết quả tốt nghiệp THPT. Hình thức 2: Xét dựa vào kết quả học tập cả năm lớp 10, cả năm lớp 11, học kỳ I lớp 12 và kết quả tốt nghiệp THPT.
(Theo báo Dân Trí)