Chiều 19/9, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã gặp gỡ báo chí thông báo việc hoàn thành sửa đổi dự thảo Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển và Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Bùi Mạnh Nhị, thành viên ban soạn thảo đề án, tại buổi gặp gỡ báo chí. |
Bộ GD-ĐT khẳng định, dự thảo lần này thể hiện sự thẳng thắn, đúng mức hơn trong đánh giá thực trạng, nguyên nhân.
Dự thảo nêu ra 6 hạn chế, yếu kém như giáo dục còn nặng về thành tích, đánh giá thiếu thực chất, lạc hậu, chương trình giáo dục coi nhẹ thực hành, quản lý còn yếu kém, bất cập về số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên…
Đặc biệt, chương trình giáo dục mới xác định mục tiêu chuyển mạnh từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực người học, tập trung nâng cao chất lượng thay vào chỗ chú trọng phát triển số lượng, chuyển từ hệ thống cứng nhắc sang giáo dục mở...
Dự thảo sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương vào tháng 10/2013.
Dưới đây là trao đổi của ban soạn thảo với báo chí về đề án này.
Định hướng XHCN không mâu thuẫn với tự do học thuật
Ban soạn thảo Đề án có đề nghị TƯ cho chủ động tài chính, nhân sự. Điều này có phá vỡ các quy định về phân cấp không? Các ông muốn nắm theo chiều dọc hay chiều ngang?
Ông Bùi Mạnh Nhị, thành viên Ban soạn thảo Đề án: Hiện nay, theo tam giác người – việc – tiền thì ngành giáo dục chỉ nắm việc, tiền thuộc bên tài chính, người thuộc bên nội vụ.
Trước đây, bên giáo dục có được tham gia vào những vấn đề trên, nhưng chưa được chủ động.
Vì vậy mà Ban soạn thảo đề xuất TƯ cho ngành dục hết sức chủ động trong vấn đề nhân sự, tài chính.
Việc phân cấp quản lý vẫn theo quy định của Đảng, Nhà nước, nhưng ngành giáo dục phải được chủ động hơn.
Đề án đưa ra quan điểm đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trên thực tế thời gian vừa qua ngay trong ngành có một vài cá nhân đi ngược đường lối. Đề án có đưa ra giải pháp nào xiết lại kỷ cương?
Ông Bùi Mạnh Nhị: Việc giữ vững định hướng XHCN thể hiện ở nhiều chính sách như đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục, hỗ trợ con em nghèo… các giải pháp về chương trình, nội dung.
Đề án chỉ nêu khái quát. Còn việc giáo dục cốt lõi giá trị chủ nghĩa Mac – Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh… được đưa cụ thể trong chương trình từng môn học.
Đề ra định hướng XHCN có đồng nghĩa với ngăn cản tự do tư tưởng, tự do học thuật không, thưa ông? Sự tự do được mở ra ỏ mức độ nào, nhất là đối với các ngành khoa học xã hội?
Ông Bùi Mạnh Nhị: Tôn trọng tự do học thuật nhưng trong khuôn khổ quy định. Bất cứ giáo viên, sinh viên nào cũng không được đi trái đường lối của Đảng, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Đảm bảo lý tưởng độc lập dân tộc, xây dựng CNXH với tự do học thuật - giữa hai điều này không có sự mâu thuẫn.
Thay đổi chính sách để làm tốt hơn ở thế hệ sau
Một trong những nội dung trọng tâm của việc đổi mới là thay đổi chương trình và SGK. Ông có thể cho biết song song với việc hoàn chỉnh đề án thì tiến trình xây dựng chương trình và SGK mới được thực hiện như thế nào, khi nào thì áp dụng?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Về mặt lý mà nói, Đề án đổi mới toàn diện… phải đi trước, đề án đổi mới chương trình và SGK đi sau, tức là sẽ viết sau, ban hành sau.
Tuy nhiên, trên thực tế khâu chuẩn bị đang được xúc tiến. Ngành giáo dục đã và đang làm một số việc như mô hình trường học mới ở tiểu học, nghiên cứu khoa học ở bậc phổ thông, các chương trình kiểm tra đánh giá trên diện rộng, tham gia chương trình đánh giá học sinh quốc tế. Đây là những việc “chắc chắn đúng”, mà chương trình, SGK mới có ban hành lúc nào thì cũng được thực hiện. Tuy nhiên, những việc này chưa làm đại trà.
Học sinh Trường Tiểu học Nghĩa Tân (Hà Nội) trong lễ khai giảng năm học mới. |
Có môn học cụ thể đang thay đổi là ngoại ngữ. Bộ đã xây dựng chương trình, SGK ngoại ngữ mới và triển khai ở những nơi có đủ điều kiện.
Bộ GD-ĐTđã đề xuất về cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân 11 năm hay 12 năm?
Ông Bùi Mạnh Nhị: Ban soạn thảo đề án đã thống nhất kiến nghị duy trì hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm như trước. Trong đó, tiểu học và THCS là giai đoạn giáo dục cơ bản bắt buộc (9 năm), THPT là giai đoạn giáo dục nâng cao, phân hóa, định hướng nghề nghiệp.
Chúng tôi đã nghiên cứu hệ thống giáo dục của nhiều nước, phần lớn cũng 12 năm.
Theo khảo sát ở 21 nước, số giờ dạy học trung bình là 8.984 giờ, cao nhất là Hoa Kỳ 12.893 giờ.
Trong khi ở Việt Nam, do chỉ dạy học 1 buổi/ngày (chính khóa) nên số giờ dạy học chỉ có 7.924 giờ.
Nếu giảm xuống 11 năm, sẽ khó đảm bảo chất lượng. Những nghiên cứu khác cho thấy học sinh ở độ tuổi 17 chưa trưởng thành thực sự về tâm lý và nhân cách nếu như tốt nghiệp hệ phổ thông 11 năm.
Việc đổi mới thi cử thì sao, thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Đổi mới thi gắn với đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp kiểm tra đánh giá. Chương trình chưa thay đổi thì việc đổi mới thi cử chỉ có thể thay đổi trong phạm vi nhất định.
Theo chương trình mới thì việc thi tốt nghiệp THPT sẽ gọn nhẹ, hiệu quả hơn, phản ánh chính xác hơn, có thể sử dụng kết quả để tuyển sinh ĐH, CĐ.
Bên cạnh đó, các trường sẽ được tự chủ về tuyển sinh, xây dựng phương án tuyển sinh riêng.
Tuy nhiên, sẽ cố gắng sao cho kỳ thi tốt nghiệp THPT cung cấp được tư liệu cho các trường ĐH, CĐ, để nhẹ bớt công tác tuyển sinh.
Việc đổi mới chương trình và SGK xuất phát từ hạn chế, yếu kém hiện tại. Vậy những biện pháp Đề án đưa ra như đổi mới thi cử, dạy học tích hợp, phân hóa… sẽ giải quyết những yếu kém, bất cập hiện nay như thế nào, thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Dạy học tích hợp là tổ chức, hướng dẫn để học sinh biết huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng thuộc nhiều lĩnh vực nhằm giải quyết các nhiệm vụ trong học tập và trong cuộc sống. Xét về thiết kế chương trình giáo dục, việc tích hợp sẽ giúp cho việc giảm số môn học.
Dạy học phân hóa là tổ chức dạy học tùy theo đối tượng, phù hợp tâm sinh lý, khả năng, nhu cầy và hứng thú của người học nhằm phát triển tối đa tiềm năng vốn có của mỗi học sinh.
Sắp tới sẽ đẩy mạnh phân hóa, nhẹ bớt cho các em, học theo định hướng nghề nghiệp. Bên cạnh đó, việc dạy – học theo hướng tích hợp cũng sẽ giúp hạn chế quá tải. Số môn học ít đi, các nội dung kiến thức không chồng lấn.
Về việc kiểm tra đánh giá, theo quan niệm mới phải phát hiện nhân tố để phát triển, điều chỉnh phương pháp dạy học, nội dung giảng dạy để học sinh đạt kết quả tốt ngay trong quá trình học tập. Ngược lại, học sinh được tạo hứng thú học tập sẽ hướng đến một kết quả chắc chắn.
Có kiểu đánh giá chúng ta đã làm rồi nhưng ít được chú ý, là đánh giá trên diện rộng. Cách đánh giá này không nhằm vào đối tượng cụ thể, mà căn cứ vào kết quả học sinh làm được gì sẽ phân tích yếu tố ảnh hưởng đến kết quả giáo dục như đầu vào, SGK, công tác quản lý, dạy học… từ đó tìm mối tương quan, rồi tìm cách tác động vào các yếu tố đó (thay đổi chính sách) để làm tốt hơn ở thế hệ sau.
Xin cảm ơn các ông.
(Theo VnExpress.net)