Mã Trường

Mã Trường

Nghiên Cứu Khoa Học

Xã hội hóa KH - CN: Phải bắt đầu từ doanh nghiệp

Cập nhật 28/11/2012 - 09:37:07 AM (GMT+7)

Để KH-CN thực sự là động lực phát triển KT-XH cần phải tăng cuờng xã hội hoá hoạt động KH-CN, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động KH-CN.

Đặc biệt là hoạt động đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ công nghệ trong doanh nghiệp, thu hút lực luợng KH-CN tham gia vào các hoạt động nghiên cứu KH-CN và gắn nghiên cứu với thực tế sản xuất, kinh doanh.
Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, TS Trần Việt Hùng khẳng định như trên tại buổi giao lưu trực tuyến do Trung tâm NC&PT TT- Bộ khoa học và công nghệ (KH-CN) và Báo Đất Việt phối hợp tổ chức mới đây tại Hà Nội. Vấn đề này cũng đã được khẳng định trong Nghị quyết trung ương VI về phát triển KH-CN và Luật KH&CN (sửa đổi) tới đây sẽ tạo được nền tảng pháp lý nhằm giải quyết triệt để những bất cập, vướng mắc đang cản trở sự phát triển của KH-CN trong thời gian qua.

Doanh nghiệp chưa nhận thức đúng vai trò của KH-CN

Ông Phạm Thành Huy, Viện trưởng Viện Tiên tiến về KH-CN, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, hoạt động KH-CN là một vấn đề mới đối với doanh nghiệp Việt Nam, do đó cần được nhận thức một cách đúng đắn và yêu cầu sự thay đổi trong đội ngũ cán bộ, công nhân viên của doanh nghiệp từ lãnh đạo cao nhất đến từng công nhân lao động.

Cụ thể, cần xác định rõ con người – đội ngũ – nhân lực cho khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp. Việc tự xây dựng được một đội ngũ cán bộ nghiên cứu chuyên nghiệp, một phòng nghiên cứu phát triển và lớn hơn là các trung tâm R&D, Viện NC trong các doanh nghiệp đòi hỏi nhiều thời gian, cũng như được đầu tư một cách bài bản, trong khi nguồn lực, nguồn đầu tư lại chưa được xác định cụ thể, rõ ràng.

Việc đưa các sản phẩm KH-CN vào ứng dụng trong sản xuất, ông Huy khẳng định không chỉ thuần tuý là mua và bán, mà đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa người mua và người bán. Việc ứng dụng sản phẩm công nghệ thường xuất phát từ nhu cầu đổi mới, phát triển của doanh nghiệp, do đó việc đưa ra các chính sách giúp doanh nghiệp có thể chủ động sử dụng nguồn lực của mình đầu tư cho phát triển R&D, chủ động lựa chọn công nghệ để phát triển, đầu tư, mua là hết sức cần thiết.

Hiện nay chúng ta chưa tạo được một hợp tác hiệu quả giữa những người làm sản phẩm (nhà khoa học và đơn vị nghiên cứu trường đại học) và người mua sản phẩm. Việc phát triển KH-CN là một quá trình lâu dài, do đó các doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ phù hợp trên cơ sở các nguồn lực sẵn có của mình và khai thác sự hỗ trợ từ nhà nước, các tổ chức quốc tế và từ các doanh nghiệp bạn.

Cũng theo TS.Trần Việt Hùng thì rất nhiều các mặt hàng các doanh nghiệp Việt Nam bị thua ngay trên thị trường trong nước. Một số mặt hàng nông phẩm như cà phê, gạo đã đạt được mức xuất khẩu đứng nhất nhì thế giới, nhưng hiệu quả kinh tế không cao vì phần lớn được xuất khẩu ở dạng sản phẩm thô, chất lượng thấp. Một trong những nguyên nhân làm cho sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam yếu là do doanh nghiệp của chúng ta chưa chú ý hoặc chưa đủ sức đổi mới sản phẩm công nghệ, nâng cao trình độ công nghệ của mình. Mặt khác, theo các số liệu thống kê thì đầu tư cho KH-CN chủ yếu vẫn bằng nguồn tiền từ ngân sách nhà nước.

Cần cơ chế thông thoáng với DN

Lý giải nguyên nhân trên, Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ KH-CN PGS.TS Đoàn Năng cho rằng, để tập trung nhiều nguồn lực cho KH-CN, cần phải đổi mới cơ chế chính sách thông thoáng, nhất là đối với doanh nghiệp. Cụ thể, nhà nước cần tạo điều kiện và hỗ trợ kinh phí, dành cho doanh nghiệp các ưu đãi về thuế, đất đai khi doanh nghiệp đầu tư cho KH-CN, đặc biệt khi tổ chức KH-CN liên kết với doanh nghiệp trong việc giải quyết các vấn đề về đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ. Ngươc lại, doanh nghiệp cần phải trích một phần lợi nhuận trước thuế để lập quỹ phát triển KH&CN nhằm đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ.

Cùng quan điểm, TS. Trần Việt Hùng cho rằng, chính sách của Nhà nước cho đến nay cũng chưa cụ thể hóa nguồn lực cho phép doanh nghiệp chủ động đầu tư phát triển KH-CN, do đó việc đi mua công nghệ dễ dàng hơn nhiều so với việc đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ. Vì vậy, việc lựa chọn doanh nghiệp là trung tâm trong phát triển KH-CN cũng như đề xuất sử dụng 10% lợi nhuận trước thuế vào việc nghiên cứu, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp trong Luật KHCN (sửa đổi) có thể sẽ làm thay đổi tiếp cận của doanh nghiệp khi quyết định tự phát triển hay mua bản quyền công nghệ từ nước ngoài.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Đoàn Năng thì 90% doanh nghiệp của chúng ta thuộc loại vừa và nhỏ. Vì vậy  các doanh nghiệp này rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước đối với các dự án nâng cao trình độ, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

Chỉ ra những nguyên nhân hạn chế, theo TS. Trần Việt Hùng thì từ trước đến nay, một trong những khó khăn trong việc gắn nghiên cứu với sản xuất là việc tuyển chọn các đề tài nghiên cứu thì mang tính chất "thời vụ", (nghĩa là quy định trong một khoảng thời gian nhất định trong năm). Song, những dự án đầu tư đổi mới công nghệ của doanh nghiệp lại phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường. Vì vậy có hiện tượng các nhà nghiên cứu phải "đẻ" ra đề tài, dự án để đáp ứng nhu cầu về thời gian tuyển chọn. Trong khi đó, khi các doanh nghiệp có nhu cầu, đề xuất các nhiệm vụ KH-CN không đúng thời điểm tuyển chọn thì lại không được tuyển chọn nên không nhận được hỗ trợ kịp thời từ ngân sách cho những nghiên cứu đổi mới công nghệ của mình.

Vì vậy, ông Hùng cho rằng rằng cần thiết thực hiện các nhiệm vụ KH-CN được cấp kinh phí từ Quỹ phát triển KH-CN quốc gia thì việc tuyển chọn các nhiệm vụ KH-CN sẽ được thực hiện trong cả năm chứ không mang tính "thời vụ" như hiện nay.

Cũng theo PGS.TS. Huy thì để liên kết giữa Nhà khoa học, viện nghiên cứu và trường đại học với doanh nghiệp cần phải xây dựng được mối liên hệ chặt chẽ giữa các đơn vị trên với nhau. Thông qua mối liên hệ này các vấn đề, đề tài, dự án nghiên cứu sẽ được đặt ra cụ thể hơn, phù hợp với thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp, nhà sản xuất và sẽ giải quyết được những vấn đề thực tế.

(Theo Báo Dân Trí)


Giới Thiệu STU