Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

Đã đến lúc phải cương quyết chọn đường cho giáo dục Việt Nam

Cập nhật 04/10/2012 - 09:45:50 AM (GMT+7)

Nền giáo dục của chúng ta hiện nay không phải là lạc hậu (đi đúng hướng nhưng đi chậm) mà là lạc đường - GS Chu Hảo phát biểu tại hội nghị về đổi mới giáo dục diễn ra hôm 29.9.

Sáng ngày 29.9, những nhà giáo nhân dân, giáo sư đầu ngành như nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình, GS Hoàng Tụy, GS Hoàng Xuân Sính, GS Chu Hảo, GS Nguyễn Lân Dũng, GS Phạm Minh Hạc, GS Nguyễn Xuân Hãn... đã hội tụ để có ý kiến phản biện và kiến nghị về nhiều vấn đề của giáo dục trong bối cảnh Bộ Giáo dục Đào tạo và Ban Tuyên giáo Trung ương đang xây dựng đề án “Đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện”.


Tuy nhiên, đáng tiếc là, dù đã có lời mời nhưng không có một đại diện nào của Bộ GDĐT tham gia cuộc hội thảo này.

Bức tranh tối màu

Nhận định thẳng thắn về tình hình giáo dục hiện tại, GS Chu Hảo cho rằng: Nền giáo dục của chúng ta hiện nay không phải là lạc hậu (đi đúng hướng nhưng đi chậm) mà là lạc đường. Những yếu kém, bất cập và lạc hậu đã dẫn đến tình trạng khủng hoảng trong nền giáo dục quốc dân của chúng ta đã tồn tại từ nhiều năm nay ngày càng trầm trọng. Hậu quả của nó không chỉ là không đáp ứng được nguồn nhân  lực cho công cuộc CNH-HĐH và hội nhập quốc tế, mà quan trọng hơn là góp phần làm suy yếu thêm nền tảng văn hóa - đạo đức xã hội.

GS Hoàng Xuân Sính “vẽ” cụ thể một bức tranh trải ra trước mắt: Hệ phổ thông với thầy và trò suốt ngày dạy thêm học thêm; hệ ĐH với những sinh viên chỉ muốn xả hơi sau 12 năm gò lưng trên bàn học, đến mùa thi thì đi thầy để có bảng điểm tốt; và một danh sách dài những gia đình chán ngán giáo dục nước nhà, tìm cách cho con ra nước ngoài học... Có thể nói trong 12 năm từ tiểu học đến hết THPT - giáo dục của Việt Nam chỉ làm được việc dạy kiến thức, còn việc dạy người thì chưa làm được gì. 

GS Hoàng Tụy khẩn thiết: Sau mấy chục năm giáo dục chìm đắm trong khủng hoảng triền miên bởi các ràng buộc ý thức hệ cứng nhắc, đã đến lúc phải có lựa chọn: Hoặc là tiếp tục con đường cũ, tiếp tục giam hãm đất nước trong nền giáo dục ngày càng tụt hậu so với thế giới; hoặc là cương quyết thay đổi tư duy - thực hiện bước ngoặt cơ bản, mở đường cho một giai đoạn giáo dục khai phóng phát triển.

Mối lo về nhân lực

Nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình bày tỏ sự lo ngại về vấn đề chất lượng giáo viên đang đi xuống. Theo kết quả điều tra mới nhất, một tỉ lệ khá lớn giáo viên phổ thông đang không đủ sức đáp ứng các yêu cầu của chương trình hiện hành. Tới đây, chất lượng giáo viên mới vào nghề còn thấp hơn nữa vì phần lớn sinh viên đang học các trường sư phạm vốn chỉ là học sinh trung bình, phương pháp đào tạo lại quá lạc hậu. 

Theo bà Nguyễn Thị Bình, trở ngại lớn nhất trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông chính là họ không còn động lực hoạt động nghề nghiệp vì thu nhập từ lương và phụ cấp nhà nước trả không đủ bảo đảm cho họ có một cuộc sống tươm tất. Để tự cứu mình, nhiều giáo viên phải dạy thêm dẫn đến dạy thêm tràn lan, sự xuống cấp về đạo đức cũng khiến giáo viên bị lây nhiễm và vì thế, vị thế của nghề giáo, người thầy bị hạ thấp trong thang giá trị xã hội... 

Bà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh yêu cầu “cần phải tập trung sửa đổi chính sách đối với nhà giáo và cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên”. Bà cũng cho rằng phải có chính sách thu hút người giỏi vào sư phạm.

GS Nguyễn Xuân Hãn nhận định: “Lương giáo viên hiện nay quá thấp là một nguyên do khiến giáo viên không yên tâm với nghề và người giỏi không chọn ngành sư phạm”. Nhìn ở khía cạnh khác hơn, PGS Khổng Doãn Điền lại cho rằng: “Giáo viên không gắn bó với nghề không hẳn do đãi ngộ mà là “đãi ngộ như thế đã công bằng chưa?”.

GS Vũ Hoan - Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Hà Nội, kiến nghị cần tách lương giáo viên ra khỏi hệ thống lương hành chính sự nghiệp trong việc cải cách lương sắp tới. Trước mắt, phải cho giáo viên nghỉ hưu trước ngày 1.1.1994 đến 1.5.2011 được hưởng phụ cấp thâm niên để công bằng.

Viết SGK mới: Nên để các nhóm tác giả cạnh tranh

Dù đề xuất cần sớm tiến hành viết lại sách giáo khoa nhưng các trí thức thủ đô cho rằng, hãy để cho các nhà xuất bản và các nhóm tác giả cạnh tranh nhau qua chất lượng các bộ sách. Là một trong những người đầu tiên tham gia Ban Tu thư của Bộ Giáo dục, Nhà giáo Nhân dân Lê Hải Châu cho rằng, ngành giáo dục đã đến lúc phải làm lại chương trình các môn học, mạnh dạn bỏ những nội dung ôm đồm, không thiết thực, xa rời thực tiễn, không phục vụ cuộc sống, thiếu hệ thống trong từng cấp và giữa các cấp, giữa các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. 

Để viết sách giáo khoa mới, theo GS Nguyễn Lân Dũng (Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam), nên dựa vào các hội khoa học chuyên ngành để lựa chọn những chuyên gia giỏi, kết hợp với thầy cô giáo có kinh nghiệm lâu năm biên soạn ngay một chương trình mới. Việc in SGK nên để cho từng nhóm tác giả và từng nhà xuất bản làm. 

Còn việc lựa chọn bộ sách nào để giảng dạy, để học là tùy thầy cô và học sinh. Chỉ có cạnh tranh khoa học lành mạnh như vậy mới mong sớm có được những bộ sách giáo khoa tốt.

 

6 kiến nghị của Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Hà Nội: Mọi nghị quyết của Đảng liên quan đến sự nghiệp GD-ĐT, cần nghiên cứu kỹ, có sự tham gia của các tầng lớp xã hội; xem xét lại và chấn chỉnh hệ thống GD quốc dân theo hướng gắn kết GD phổ thông - GD nghề nghiệp - GD ĐH và GD dạy nghề, khắc phục những lệch lạc có tính hệ thống hiện tại; tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề bất cập của chương trình - SGK, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để phát triển GD ngang bằng với các nước; đề nghị tách hệ thống lương giáo viên ra khỏi hệ thống lương hành chính sự nghiệp trong việc cải cách lương sắp tới; thành lập uỷ ban GDĐT Quốc gia giúp Đảng và Chính phủ điều phối toàn bộ công tác đổi mới căn bản toàn diện nền GD Việt Nam; mạnh dạn cải cách cơ chế tuyển chọn và sử dụng trí thức hiện nay, đổi mới tư duy về công tác lựa chọn, đào tạo và sử dụng những người đủ tâm, đủ tầm cho phát triển GD.

Theo GS Chu Hảo, cần tổ chức tiến hành cuộc tổng điều tra giáo dục trong năm 2013. Tổ chức soạn thảo đề án tổng thể về cải cách giáo dục trong năm 2014 để Chính phủ trình Quốc hội thông qua và tổ chức thực hiện từ năm 2015. Từ nay đến khi có đề án tổng thể về cải cách giáo dục, không tiến hành bất cứ một đề án đổi mới hoặc dự luật giáo dục mới nào do Bộ GDĐT đề xuất. 

(Theo laodong.com.vn)


Giới Thiệu STU