Mẹ tôi là giáo viên dạy văn. Từ nhỏ, tôi đã thích đọc sách, làm thơ. Ba tôi thì bảo: “Văn chương chỉ làm con thêm ủy mị, mơ mộng viển vông, con nên cố gắng học giỏi những môn tự nhiên”. Tuy tôi học khá mấy môn tự nhiên nhưng lại không có chút hứng thú với nó, ngược lại, văn chương làm tôi mê mẩn và hào hứng.
Lúc chuẩn bị làm hồ sơ thi đại học, tôi dự định sẽ thuyết phục ba cho tôi thi vào ngành xã hội. Mơ ước của tôi là sẽ trở thành biên tập viên hoặc cô giáo dạy văn. Tôi vừa mở miệng, ba tôi đã kịch liệt phản đối, bảo: “Con phải thi vào kinh tế để sau này kế thừa truyền thống kinh doanh của nhà nội”. Câu nói chắc như đinh đóng cột của ba làm tôi buồn não nề. Ngày nộp hồ sơ dự thi đã gần kề mà tâm trạng tôi cứ rối bời. Tôi tâm sự với cô giáo, cô khuyên: “Ba chỉ muốn tốt cho em, em nên chọn ngành kinh tế để sau này dễ xin việc”. Ủng hộ ý kiến của ba, mẹ nói: “Học ngành xã hội khổ lắm con à. Lương của mẹ thấp, may mà có ba con gánh vác mọi thứ”. Ai cũng xem việc tôi chọn ngành xã hội là điên rồ, là không thức thời, là đồng nghĩa với tương lai bi thảm. Tôi bị bao vây tứ phía không còn đường thoát.
Lúc đi thi, tôi nản lòng muốn bỏ mặc mọi thứ. Nhưng rồi nghĩ đến hậu quả khủng khiếp của việc thi rớt, tôi ráng sức làm bài. Kết quả là tôi đã đậu vào ngành kinh tế như ba mẹ tôi mong ước. Ba mẹ tôi rất sung sướng và hãnh diện, trong khi tôi ngao ngán khi nghĩ đến việc phải đối diện với những ngày sắp tới. Hành trình bốn năm đại học của tôi giống như một cuộc leo dốc, mà vừa đặt chân lên mức khởi động, tôi đã quá nản lòng vì biết mình không có hứng để leo lên. Những con số khô khan cứ lăm le tra tấn tôi.
Kỳ thi đại học vừa rồi, có bạn sinh viên đã bỏ ngành dược đang học để thi lại vào ngành công nghệ thông tin mà bạn ấy yêu thích, tôi rất khâm phục vì bạn thật mạnh mẽ và can đảm. Điều tôi khâm phục hơn là ba mẹ bạn đã để bạn tự do làm những gì mình thích. Dường như vẫn chưa có nhiều bậc cha mẹ “thông thoáng” như thế. Ba mẹ nào cũng tuyên bố làm bạn với con, đồng hành cùng con, nhưng đứng trước những quyết định trọng đại, ai cũng lui về vị trí làm cha mẹ để áp đặt, ra lệnh, bỏ quên tâm tư nguyện vọng và cả năng lực của con mình. Ba mẹ nào cũng từng là một đứa trẻ, sao không ai đứng về phía con cái để nghĩ xem con mong ước điều gì?