Trước thực trạng ngày càng nhiều học sinh đi học nước ngoài trong khi các trường trong nước không tuyển đủ sinh viên, đại biểu Phan Văn Tường đặt câu hỏi phải chăng do chất lượng giáo dục đại học yếu kém?
Cùng chung bức xúc, đại biểu Lê Nam cho rằng đầu vào đại học khá dễ và cứ vào "tất yếu đến hẹn lại ra" với tỷ lệ bằng khá giỏi nhiều. "Chất lượng đào tạo thấp, nhiều trường cung cấp hàng giả, hàng nhái. Vậy Bộ trưởng có biện pháp gì?", ông Nam đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định càng ngày Bộ càng thắt chặt việc mở mới các trường đại học. Việc không tuyển đủ sinh viên không phải chỉ năm nay. Nguyên nhân là một số ngành học đầu ra không đảm bảo nên khó tuyển, ví dụ: sư phạm, nông lâm... Nhà đầu tư của một số trường, nhất là trường mới thành lập không thực hiện nghiêm việc đảm bảo chất lượng, thiếu thầy cô, trường lớp.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành giáo dục cũng phải thừa nhận: "So với nhu cầu hiện đại hóa đất nước, chất lượng giáo dục đại học còn yếu kém. Chính vì vậy Đảng ra chỉ thị phải đổi mới căn bản và toàn diện bậc học này".
Bộ trưởng Luận cho hay, Bộ đang nghiên cứu đổi mới 2 kỳ thi tốt nghiệp và đại học, đồng thời chỉ đạo các đại học quốc gia, đại học vùng, đại học trọng điểm và đại học đặc thù (mỹ thuật, kiến trúc...) đề xuất phương án tự chủ tuyển sinh. Sau khi các trường trình phương án, Bộ sẽ quyết định.
Không thỏa mãn với phần trả lời của Bộ trưởng Luận, 3 đại biểu chất vấn trước đó tiếp tục hỏi lại. Ví von việc học trong nước và nước ngoài như một cửa hàng vắng khách và một cửa hàng đông khách, đại biểu Phan Văn Tường chất vấn: "Nhiều người đang chờ sự cải cách đột phá của ông chủ cửa hàng ít khách. Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp?".
Đáp lại câu hỏi này, Bộ trưởng Luận cho hay, Bộ đã kiểm tra 5 trường, nhiều trường chưa thực hiện cam kết, do vậy đến cuối năm sẽ tiếp tục kiểm tra 20 trường. Bộ sẽ kiên trì điều chỉnh để hạ tỷ lệ sinh viên trên giảng viên, xây dựng đội ngũ giáo viên đầu đàn, tạo liên kết để các trường trong cùng hệ thống có sự hỗ trợ lẫn nhau.
Băn khoăn trước tình trạng các trường không đảm bảo chất lượng đào tạo nhưng vẫn được tuyển sinh, đại biểu Nguyễn Thành Tâm đề nghị Bộ trưởng đưa ra biện pháp xử lý vi phạm. Còn đại biểu Trần Du Lịch thẳng thắn: "Dường như Bộ trưởng chưa thừa nhận đầu ra thấp của giáo dục đại học? So với mặt bằng thế giới và khu vực, chất lượng giáo dục đại học của ta thấp. Là Bộ trưởng mới, ông có ý tưởng gì, đột phá từ đâu để giải quyết căn bản và toàn diện?".
Đại biểu Lê Thanh Vân chất vấn thêm: "Trước thực trạng nền giáo dục nước nhà, Bộ trưởng có ý định xây dựng đề án tái cấu trúc nền giáo dục?". Đại biểu Phạm Xuân Thường lập luận, trong khi tuyển sinh đại học chính quy khó khăn thì đầu vào tại chức, từ xa đa phần tuyển học sinh không đủ điểm sàn, và ông chất vấn: "Theo Bộ trưởng, sản phẩm đào tạo nào tốt hơn? Là người tuyển dụng, ông sẽ chọn sản phẩm nào trong 2 loại hình trên?".
Trả lời cho nhóm vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực còn thấp so với nhu cầu, chưa đáp ứng được mong mỏi của nhân dân và đánh giá chung là vẫn còn bất cập, khiếm khuyết. Bộ đang phối hợp với Ban tuyên giáo Trung ương thành lập ban nghiên cứu đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo. Sắp tới, Trung ương sẽ thảo luận về vấn đề này và sẽ ra nghị quyết.
Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Luận. Ảnh: Hoàng Hà. |
"Bản thân tại chức không có lỗi, nhiều nhà quản lý, lãnh đạo đi lên từ bậc học này. Chất lượng từ xa, tại chức yếu là do quản lý, tác động tiêu cực chạy theo bằng cấp. Bộ sẽ xem xét thận trọng và có giải pháp chấn chỉnh, quản lý để đảm bảo chất lượng", người đứng đầu ngành giáo dục chia sẻ.
Theo ông Luận, đến thời điểm này các trường được thành lập mới đều nằm trong quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt. Theo quy hoạch, số lượng trường chưa đủ "nhưng thừa các trường chất lượng chưa cao và thiếu trường chất lượng cao". "Bộ sẽ xem xét, tính toán bổ sung quy hoạch cho phù hợp, đồng thời chấn chỉnh để các trường không đảm bảo sẽ phải dừng tuyển sinh hoặc đóng cửa", ông nói.
Dù khẳng định quan điểm của Bộ là không phân biệt giữa công lập và ngoài công lập, giữa hệ tập trung và tại chức, nhưng Bộ trưởng Luận cũng thừa nhận việc một số tỉnh từ chối tuyển sinh viên ngoài công lập "là tiếng chuông cảnh báo đối với những nhà làm giáo dục để xem lại chất lượng trường ngoài công lập".
Trước thực trạng tỷ lệ tốt nghiệp THPT rất cao, sau 4 năm tăng từ 66% lên 99%, nhiều trường đỗ 100%, trong khi chất lượng môn Lịch sử quá thấp, đại biểu Trần Minh Diệu lo lắng: "Nguyên nhân do thi cử, kiểm định chưa được nói đến. Nhiều ý kiến cho rằng đề thi và đáp án có vấn đề. Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến?".
Ông Luận thừa nhận: "Bản thân chúng tôi cũng đặt câu hỏi. Trong tổng kết của ngành, Thủ tướng cũng đề nghị kiểm tra, thanh tra xem có gì bất thường. Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương kiểm tra, kết quả thi tốt nghiệp năm 2011 về cơ bản là phù hợp với kết quả bài thi, quá trình dạy học nghiêm túc hơn những năm trước".
Cũng theo Bộ trưởng, sau khi nhận được thông tin từ báo chí về môn Lịch sử, Bộ kiểm tra nhưng "về cơ bản đề thi không có gì". Vừa rồi, ngành đã phải thay đổi cách học, giảm dần việc nhớ sự kiện, đẩy mạnh ý thức của học sinh thông qua môn này nhưng có thể các em chưa quen.
Bộ trưởng trao đổi với đại biểu trong giờ giải lao. Ảnh: Hoàng Hà. |
Phần trả lời của ông Luận bị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cắt ngang và yêu cầu "đi thẳng vào vấn đề". "Chất lượng học Lịch sử thấp thì phải có nguyên nhân. Bộ trưởng phải khẳng định thì mới đổi mới căn bản được", vị chủ tọa nói.
Bị "nhắc nhở", Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: "Chấm thi tốt nghiệp phản ánh đúng chất lượng. Hầu như các trường tốt nghiệp 100% là trường điểm, trường tốt. Kiểm tra các trường có tỷ lệ thi tốt nghiệp tăng đột biến cũng không có vấn đề gì. Và đây là kết quả của việc đầu tư nhiều, kiên cố hóa trường học...",
Chưa hài lòng với câu trả lời, đại biểu Trần Minh Diệu tiếp tục: "Bộ cần nhìn thẳng vào thực tế nhiều trung tâm bổ túc văn hóa tốt nghiệp 100%. Thêm nữa, học sinh không đến nỗi học kém Lịch sử nhưng thi tốt nghiệp thì điểm thấp. "Đề thi và đáp án có vấn đề, đáp án không khớp với đề ra. Nếu có tình trạng này thì đề nghị Bộ trưởng xử lý ban ra đề".
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay sẽ xử lý việc đại biểu phản ánh.
Đánh giá về phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, các ý kiến đưa ra thẳng thắn, phong phú thể hiện sự quan tâm của đại biểu. Giáo dục đào tạo trong những năm vừa qua có chuyển biến từ số lượng tới chất lượng.
"Tuy nhiên, lại một lần nữa Quốc hội, Bộ trưởng và Phó thủ tướng thừa nhận giáo dục nhân lực còn là điểm nghẽn của phát triển đất nước. So với các nước trong khu vực, giáo dục của chúng ta còn ở mức thấp. Chúng ta phải tiếp tục đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo. Có làm vậy giáo dục và đào tạo mới trở thành quốc sách", ông Hùng nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nguyên nhân của tình trạng yếu kém chất lượng là trách nhiệm quản lý nhà nước nói chung, từ Chính phủ cho tới chính quyền các cấp.
Hỗ trợ Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho hay, đổi mới giáo dục là vấn đề cấp bách và được nhiều nước đặt ra trong vòng 10 năm trở lại đây. Ở Việt Nam, một thời gian dài hệ thống giáo dục đại học đào tạo theo khả năng, chưa có chuẩn. Vừa qua, Bộ yêu cầu các trường phải công bố chuẩn đầu ra nhưng hiện còn hơn 40% các trường chưa thực hiện. "Muốn nâng cao chất lượng, phải nâng cao chuẩn đầu vào, đảm bảo diện tích theo đầu sinh viên bởi nhiều trường diện tích đầu sinh viên chưa đến 1m2. Đa số giáo viên phổ thông đạt chuẩn nhưng giáo viên đại học thì chưa", vị cựu Bộ trưởng Giáo dục nhấn mạnh. Cũng theo ông Nhận, quản lý chính là khâu đột phá của hệ thống giáo dục. Bên cạnh đó, phải hoàn chỉnh lại quy hoạch giáo dục đại học, phân cấp quản lý, hoàn chỉnh quy chế, đẩy mạnh tự chủ của các trường, nâng cao chất lượng đội ngũ hiệu trưởng của hơn 3 vạn trường phổ thông và hơn 400 trường ĐH, CĐ. "Cần có chính sách hợp lý đối với đầu tư cho giáo dục. Phổ cập tiểu học phải mất 25 năm, phổ cập THCS mất 10 năm và phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi phải làm mất 5 năm. Năm 2000, cứ 100 em tốt nghiệp THPT có 16 em được vào đại học nhưng vừa qua cứ 100 em tốt nghiệp có 55 em vào đại học", ông Nhân chia sẻ. Theo Phó thủ tướng, tháng 7 vừa qua, Chính phủ đã ký quyết định quy hoạch nhân lực cho cả nước. Trong 10 năm qua, tỷ lệ người được đào tạo nghề nghiệp được nâng từ 16% lên 40%. |
Ngoài ra, còn có lý do mở ngành tràn lan, giống nhau nên trường nào cũng có ngành kế toán, tài chính ngân hàng làm phân tán nhu cầu học. Việc thực hiện 3 công khai giúp người học tìm hiểu rõ chất lượng của trường nên nhiều người từ chối những trường không đảm bảo chất lượng. "Đi học nước ngoài không phải giờ mới có mà từ nhiều năm trước. Khi mở cửa, việc đưa con cháu đi học nước ngoài cũng là dấu hiệu đáng mừng", ông Luận khẳng định.
Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Nam, ông Luận cho hay, xếp hạng sinh viên là việc của các trường nhưng phải theo quy định của Bộ. Để giải quyết chất lượng đầu ra thấp, Bộ sẽ chú ý tăng cường kiểm tra, đưa kiểm định chất lượng vào các trường. Việc gắn thương hiệu, uy tín của trường với văn bằng mà trường phát ra sẽ giúp giải quyết tình trạng này.
(Theo Vnexpress)