Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

Quay lưng với Dân lập là giết chết nhiều tri thức chân chính

Cập nhật 27/10/2011 - 11:29:35 AM (GMT+7)
Việc xoay lưng lại với hệ dân lập là giết chết nhu cầu học tập, mong muốn nâng cao trình độ của bộ phận không nhỏ tri thức chân chính.
Dường như hiện nay chúng ta đang có một phong trào, mặc dù chưa định hình định dạng, xoay lưng lại với một bộ phận của hệ thống giáo dục quốc dân: đào tạo đại học ở các trường dân lập và đại học hệ tại chức. Vấn đề nóng hổi của xã hội nói chung, của giáo dục nói riêng xin được xới xáo lại lần nữa. 

Có lẽ không ai nghi ngờ về kỳ vọng của người cầm cân nảy mực ở tỉnh H (xin nêu như vậy) khi ra quyết định khoanh vùng đối tượng tuyển dụng công chức chỉ trong phạm vi hệ đào tạo công lập trong thực trạng nguồn nhân lực hiện nay tương đối dồi dào về số lượng, và đa dạng, phức tạp về chất lượng.

 Với việc khoanh vùng đối tượng tuyển  chọn là những người tốt nghiệp ĐH hệ công lập chắc hẳn nhà tuyển dụng  muốn dựa trên cơ sở “đầu vào” và cơ sở đào tạo nguồn nhân lực này ở hệ  công lập có độ tin cậy cao.

Và như vậy, việc căn cứ trên bằng cấp là một điểm tựa những mong tìm kiếm được người có chất lượng tương xứng với bằng cấp đó. Tuy nhiên mong muốn chính đáng này liệu có vững bền trong một xã hội mở, có quá nhiều cách để người ta trang bị bằng cấp cho bản thân?; trong một xã hội có không ít người thành danh, thành đạt, thậm chí trở thành tên tuổi lớn của nhân loại mà không phải xuất thân từ một trường lớp quy chuẩn, chính quy nào.

Cách nhìn nhận của người tuyển dụng nhân lực ở đây có lẽ đã quá chú trọng vào bằng cấp theo nhiều ý kiến nhận định, vô hình chung đã đánh đồng rất nhiều những cá nhân ở chung một hệ đào tạo vào cùng một một “kiểu”, một “loại” giống nhau. Đó là cách nhìn thấy “rừng” mà không thấy “cây”.

Và hậu quả, tất nhiên, anh sẽ không thể khai thác được những cây gỗ quý ... vốn dĩ không sẵn có ở trước mặt hay sẵn nhiều cho sự lựa chọn. Cái khó của nhà tuyển dụng, làm thế nào để phát hiện ra tài năng trong những người ít tài năng, nói cách khác, “tìm ngọc trong cát” là đây.
 

Một căn cứ khác của người tuyển dụng cán  bộ công chức khi đưa ra quyết định khoanh vùng đối tượng lựa chọn là do  chất lượng một bộ phận cán bộ công chức trên thực tế quá yếu, mà phần  nhiều (chắc chắn không thể là con số tuyệt đối) là những người từ hệ đào  tạo không chính quy.

Xin lạm bàn một chút, cán bộ nhân viên làm việc không hiệu quả cần thiết phải xem lại tổ chức, quản lý của người lãnh đạo. Phải chăng đã lãnh đạo không tốt hay không biết cách lãnh đạo? Người lãnh đạo giỏi sẽ biết cách dùng người phù hợp, biết tạo ra người tài; còn nếu chỉ đòi hỏi được trợ thủ, cấp dưới tài giỏi thì vị trí lãnh đạo có lẽ không còn nguyên ý nghĩa.

Cũng như vậy, một suy nghĩ hết sức phi  lý khác lại đổ lỗi cho người học các hệ ngoài công lập đều “giỏi quan  hệ” cho nên mới có khả năng tiến thân, dường như họ đang “cướp” công  việc, vị trí đáng lẽ ra phải thuộc về người học công lập.... hình như họ  quên mất rằng khả năng thích ứng trong xã hội, khả năng giao tế, tạo  dựng hoặc sử dụng các mối quan hệ... hiện nay được coi là một trong  những chỉ số đánh giá năng lực của một người. 

Xã hội ở lĩnh vực nào cũng cần có sự cạnh tranh, miễn đừng làm trái pháp luật. Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã quá quen với lối tư duy bao cấp: ăn, học, công việc... cho đến khi phải tự bươn trải, phải cạnh tranh với người khác đã trở nên hụt hơi, không thích nghi được với thực tế.

 Lại nói về nhu cầu tuyển dụng người tài,  nếu thực sự ở hệ thống giáo dục chính quy đáp ứng được đầy đủ, thiết  nghĩ nơi đầu tiên nghĩ đến khoanh vùng đối tượng tuyển dụng phải là các  doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Bởi làm như vậy sẽ đáp ứng được mục tiêu tuyển dụng nhân tài mà lại không mất nhiều thời gian cho việc lựa chọn những hồ sơ loại thải. Nhưng tại sao họ không làm vậy? Phải chăng họ sẵn sàng tốn thời gian, công sức thậm chí cả chi phí tiền bạc để tìm được những người lao động có chất lượng thực sự trong số rất nhiều hồ sơ không có may mắn được gán mác chính quy kia!

 Và hẳn nhiên là họ cũng sẽ không phân  biệt hệ chính quy hay không chính quy trong tuyển dụng nhân lực, vì nó  đi ngược với chủ trương “xã hội hoá giáo dục” của nhà nước, xem thường  nhu cầu học tập có thực của đông đảo nhân dân, người lao động do những  khó khăn, hạn chế nào đó mà không theo được trường lớp chính quy. Phân  biệt đối xử đối với các hệ đào tạo là đã vi phạm Luật giáo dục, điều này  không thể viện lý do để hợp thức hoá việc làm của mình.

 Một điều dễ thấy đối với việc xoay lưng  lại với hệ đào tạo tại chức và các trường ĐH dân lập là sẽ giết chết nhu  cầu học tập, mong muốn nâng cao trình độ của bộ phận không nhỏ tri thức  chân chính. Thậm chí, những trường THPT dân lập cũng sẽ bị ảnh hưởng  một cách mạnh mẽ khi tâm lý các bậc phụ huynh, tâm lý các em học sinh  trở nên chung chiêng, rơi vào sự hoài nghi.

 Trong khi đó hệ thống giáo dục phổ thông công lập của ta hiện nay không thể đáp ứng được đầy đủ nhu cầu học tập của con em nhân dân. Một bộ phận không nhỏ học sinh không vào được trường công lập, họ có còn hứng thú tin tưởng vào các trường THPT dân lập? Các em sẽ đi đâu về đâu? Trường nghề có phải là lối rẽ cho tất cả các em?

 Chúng ta có thể dùng nhiều cách hợp tình  và cả hợp lý để lựa chọn tuyển dụng được nhân tài; cách hay nhiều nơi  đã sử dụng và nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo dư luận. Nên  chăng việc tuyển dụng nhân lực theo kiểu “vơ đũa cả nắm”, phân biệt hệ  này hệ nọ để bỏ qua những khác biệt cá nhân, để quên “ngọc” trong “cát”,  cần phải được cân nhắc nghiêm chỉnh, từ nhiều khía cạnh, không thể dựa  trên một lối tư duy duy ý chí, hay trên những lợi ích cũng chưa thật rõ  ràng.

(Theo Giáo Dục việt Nam)


Giới Thiệu STU