Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

Khoảng trống tuyển sinh

Cập nhật 09/05/2011 - 09:01:20 AM (GMT+7)
Nhìn vào số lượng hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm nay có thể thấy sự mất cân đối nghiêm trọng giữa các ngành nghề và khối thi. Theo thống kê của các sở GD-ĐT, đa phần thí sinh (TS) vẫn chọn khối ngành kinh tế và công nghệ, trong khi các ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và khối ngành kỹ thuật giảm đi thấy rõ.
Theo các chuyên gia về giáo dục, đây là hiện tượng vừa khủng hoảng thừa vừa khủng hoảng thiếu trong một số lĩnh vực nhất định của giáo dục ĐH hiện nay khi nó được dẫn dắt bởi những tác động của kinh tế thị trường. TS chen chân vào các ngành ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính… bởi đây là những ngành được coi là dễ xin việc, thu nhập cao; các trường cũng đua nhau đào tạo đa ngành, trong đó có những trường lâu nay nổi tiếng với truyền thống đào tạo các ngành công nông cũng chuyển hướng mở thêm các ngành kinh tế. Trường trường mở ngành “hot” bởi TS ào ào đăng ký dự thi mà mức đầu tư cho những ngành học này lại thấp hơn nhiều so với các ngành kỹ thuật.
Trong khi đó, những ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật rất cần thiết được mở rộng để phát triển sản xuất và nâng cao mức tăng trưởng kinh tế thì các trường “ngán” đào tạo vì không thể dạy chay mà phải đầu tư phòng thí nghiệm đắt tiền, thiết bị giảng dạy, thực hành không quá hiện đại thì cũng phải tầm tầm bậc trung chứ không thể quá lạc hậu. Đầu tư lớn mà TS chẳng mặn mà gì, nhiều ngành ngậm ngùi đào tạo thiếu, lỗ, rồi đành phải đóng cửa.
Tiến sĩ Phạm Thị Ly, Trung tâm Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực, ĐH Quốc gia TPHCM, trong một hội thảo gần đây nhận định: “Nghiên cứu khoa học cơ bản là nền tảng cho sự phát triển tri thức quốc gia, nhưng nó không thể thu hồi vốn nhanh chóng, hơn nữa cái lợi mà nó mang lại nhiều khi không trực tiếp đến với người đã sáng tạo ra nó và cũng khó đong đếm trực tiếp. Tư nhân, trong bối cảnh được dắt dẫn bằng động cơ lợi nhuận sẽ không có hứng thú xây dựng những trường ĐH nghiên cứu thực thụ và dù có muốn cũng không đủ nguồn lực để thực hiện”. Đó chính là khoảng trống của giáo dục ĐH hiện nay.
Không chỉ vậy, những năm gần đây, các ngành khoa học xã hội có sự sụt giảm nghiêm trọng trong việc tuyển sinh. Nhiều ngành khoa học xã hội tuyển sinh khối C không đủ, đành phải tuyển cả TS khối… A, B. Như ĐH Quốc gia Hà Nội đã quyết định tuyển cả khối A cho 10 ngành học, hầu hết là các ngành khoa học xã hội - nhân văn. Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM cũng phải tuyển sinh thêm khối A và B ở một số ngành như triết học, xã hội học, thư viện thông tin, tâm lý học…
Ấy vậy mà TS vẫn thờ ơ cũng bởi tâm lý nghĩ rằng các ngành này khó xin việc, lương thấp, không phù hợp với thời kinh tế thị trường và trên thực tế cũng đã xảy ra hiện tượng bão hòa.

Sự mất cân đối trong bức tranh tuyển sinh cho thấy việc thi theo khối trong một kỳ thi quốc gia “ba chung” không còn phù hợp, cần phải đổi mới. Không chỉ phải nhanh chóng thay đổi cách thi theo hướng để các trường tự tuyển sinh đầu vào với những môn thi phù hợp với ngành nghề được đào tạo mà cần phải có sự can thiệp kịp thời để lấp đầy những khoảng trống trên, nằm bảo đảm cho sự phát triển cân đối và bền vững của đất nước.

(Theo NLD)

 


Giới Thiệu STU