Trước kia khi công nghệ thông tin chưa phát triển thì quy trình làm hồ sơ ĐKDT bắt buộc phải thủ công như vậy. Nhưng hiện nay với sự phát triển của công nghệ và sự quan tâm của ngành giáo dục đối với thí sinh thì bạn không nhất thiết phải mua những quyển tài liệu như "Những điều cần biết...", Quy chế tuyển sinh... mà vẫn có đầy đủ thông tin để làm hồ sơ ĐKDT.
Để có những thông tin này, thí sinh chỉ cần khai thác cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT tại địa chỉ http://ts.edu.net.vn/. Với phương thức dùng các công cụ trợ giúp tối đa thì ngoài việc giúp hoàn thiện hồ sơ, thí sinh còn được đảm bảo về độ chính xác của từng mục ghi trong hồ sơ ĐKDT.
Tiến sỹ Quách Tuấn Ngọc, Giám đốc Cục công nghệ thông tin- Bộ GD-ĐT, đơn vị phụ trách quản lý cổng thông tin tuyển sinh cho biết: “Hiện tại dữ liệu tuyển sinh năm 2010 của cổng thông tin chưa hoàn thiện, các chuyên viên đang tích cực nhập dữ liệu và sẽ kiểm tra đối chiếu với cuốn “Những điều cần biết…” để ra soát. Toàn bộ dữ liệu sẽ hoàn thành ngay sau khi cuốn “Những điều cần biết…” được phát hành”
Trước khi bắt tay làm hồ sơ ĐKDT, bạn phải xác định được dự thi trường nào, ngành gì và khối thi ra sao. Để biết thông tin về mã trường, mã ngành và khối thi bạn tìm đến mục “Tra mã trường…”. Ở mục này có hai cấu trúc lựa chọn để bạn tìm kiếm: một là tìm kiếm theo mã (nếu bạn biết), hai là tìm theo tên bằng cách gõ vào.
Chẳng hạn như ở đây Dân trí muốn tìm thông tin của trường ĐH Bách khoa Hà Nội thì tại mục Tên trường chỉ cần gõ ĐH Bách khoa Hà Nội sau đó bấm “Tìm kiếm”. Kết quả hiển thị sẽ cho bạn danh sách của trường và bạn chỉ cần click chuột vào danh sách đó thì toàn bộ thông tin tuyển sinh của trường năm 2010 sẽ hiển thị ra.
Bước tiếp theo là bạn cần thông tin về khu vực và đối tượng ưu tiên. Việc này rất đơn giản, bạn tìm đến mục đối tượng, khu vực của cổng thông tin tuyển sinh sau đó click chuột vào đó.
Sau khi hiển thị thì bạn muốn biết mình thuộc khu vực nào chỉ cần click vào tỉnh mình đăng ký hộ khẩu thường trú. Kết quả sẽ hiển thị từng huyện/quận và sẽ chỉ rõ các huyện đó thuộc khu vực nào.
Sau đó bạn theo dõi xuống mục đối tượng ưu tiên. Ở mục này bạn hiểu đơn giản như sau kết quả hiển thị xếp theo quy định ưu tiên là đối tượng ưu tiên 01, 02, 03, 04, 05, 06, 07. Bạn xem mình thuộc đối tượng ưu tiên nào thì ghi ra ngoài giấy.
Như vậy là cơ bản bạn đã có đủ thông tin. Về vấn đề mã trường THPT, mã Huyện, Mã tỉnh, Mã đơn vị ĐKDT thì sẽ được tự động giải quyết ở mục “Điền hồ sơ ĐKDT” của cổng thông tin.
Bây giờ bạn click vào mục “Điền hồ sơ ĐKDT” sau đó thực hiện theo hướng dẫn. Việc làm này rất đơn giản vì bạn đã có mã trường, mã ngành, khối thi rồi.
Sau khi điền xong bạn bấm “Kiểm tra phiếu”, nếu có lỗi thì ngay lập tức phần mềm sẽ báo cho bạn điểm cần điều chỉnh. Sau khi nhận được thông báo hết lỗi bạn bấm in tờ bìa, tờ số 1, tờ số 2 (bạn chỉ cần nhìn trang hiện thị chứ không nhất thiết in ra). Kiểm tra lại thông tin lần cuối ở trang hiển thị này thì bạn chỉ còn một nhiệm vụ đó là nhìn và ghi vào hồ sơ ĐKDT thôi.
Bộ GD-ĐT cũng cho biết, nếu tờ số 1 và 2 trong hồ sơ ĐKDT bị sai thì bạn có thể in ở công thông tin này để thay thế chứ không nhất thiết phải mua một bộ hồ sơ mới.
THPT (Theo Dân Trí)