Nhóm nghiên cứu do giáo sư Henry Daniell thuộc Đại học Trung tâm Florida chủ trì đã phát triển thành công một phương pháp chế tạo ethanol từ các phế phẩm như vỏ cam và giấy báo. Phương pháp của nhóm “xanh”, ít tốn kém và tạo ra nhiên liệu sạch hơn cho các phương tiện vận tải. Các nhà khoa học tuyên bố mục tiêu của họ là biến xăng dầu thành nhiên liệu thứ yếu.
Thành quả nghiên cứu đột phá nói trên còn có thể được áp dụng cho một số sản phẩm phi thực phẩm như rỉ đường, cỏ switchgrass (giống như cỏ may ở VN) và rơm. “Đây có thể là một bước ngoặt, cho phép các phương tiện vận tải sử dụng nhiên liệu này như một tiêu chuẩn để bảo vệ không khí và môi trường cho các thế hệ tương lai của chúng ta”, giáo sư Daniell cho biết.
Công trình của nhóm sử dụng các hỗn hợp enzyme chiết xuất từ thực vật để phân hủy vỏ cam và các vật liệu phế thải khác thành đường, sau đó đường được lên men thành ethanol. Các chuyên gia Mỹ đã thành công với kỹ thuật kết hợp một số enzyme phân hủy vách tế bào ở thực vật bằng công nghệ chuyển gien lục lạp. Tùy thuộc vào loại phế phẩm được sử dụng, một sự kết hợp riêng biệt hoặc hỗn hợp của hơn 10 enzyme là cần thiết để biến đổi sinh khối thành đường và thậm chí là ethanol. Vỏ cam cần nhiều enzyme pectinase trong khi gỗ phế thải lại cần nhiều enzyme xylanase hơn. Tất cả các nzyme mà nhóm của giáo sư Daniell sử dụng đều được tìm thấy trong tự nhiên, do một loạt vi sinh gồm có vi khuẩn và nấm tạo ra.
Hiện tại, tinh bột ngô được lên men và chuyển hóa thành ethanol. Tuy nhiên, loại ethanol được chiết xuất từ ngô phát sinh nhiều khí thải nhà kính hơn xăng dầu. Loại ethanol được tạo ra bằng phương pháp của giáo sư Daniell sản sinh ít khí thải hơn nhiều so với xăng dầu hoặc điện. Đó là chưa kể việc công nghệ trên có thể sử dụng nhiều loại phế thải làm nguyên liệu mà không ảnh hưởng đến nguồn cung cấp lương thực hoặc làm tăng giá lương thực trên thế giới.
THPT (Theo Science Daily)