Mã Trường

Mã Trường

Học - Thi -Tuyển sinh

Những lưu ý tránh mất điểm đề thi tham khảo môn Văn.

Cập nhật 14/06/2022 - 05:04:21 PM (GMT+7)

Thầy Phan Thế Hoài, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Bình Hưng Hòa, TP HCM, hướng dẫn cách chinh phục các dạng bài trong đề thi tham khảo môn Ngữ văn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề thi minh họa tốt nghiệp THPT năm 2022. Về cấu trúc, đề Văn tương tự năm ngoái, tuy vậy học sinh không chú ý các kĩ năng làm bài sẽ bị mất điểm ở cả phần đọc hiểu và làm văn.

Thứ nhất, phần đọc hiểu, cần nắm vững các thể thơ quen thuộc như: thơ Đường luật, thơ lục bát, song thất lục bát, thơ tự do và một số thể thơ khác (thơ năm chữ, bảy chữ, tám chữ). Phải nhận diện được thể thơ, không được suy đoán.

Bên cạnh đó, hiểu được các hình ảnh mang tính ẩn dụ để có cơ sở giải mã nội dung, nghệ thuật bài, đoạn thơ. Cụ thể, câu ba đề thi tham khảo có các hình ảnh: "trang thơ", "xóm thôn", "hoa trái", "ngôi nhà", "sắc áo", "màu cây", "tiếng Việt" - ẩn dụ cho những giá trị vật chất và tinh thần của người Việt.

Ngoài ra, học sinh phải rút ra được ý nghĩa cho bản thân từ nội dung các câu thơ được yêu cầu. Chẳng hạn, câu bốn có thể rút ra ý nghĩa: tuổi trẻ hãy kế thừa, tiếp nối và phát huy truyền thống để tạo nên những giá trị mới.

Một trong những lỗi học sinh thường mắc khi làm câu ba, câu bốn là diễn đạt không rõ ràng. Ở hai câu này có thể viết như sau: Qua những dòng thơ: "một con sông rì rầm sóng vỗ/ trong muôn vàn trang thơ/ làm nên xóm thôn, hoa trái, những ngôi nhà/ tạo sắc áo, màu cây, và tiếng Việt" ta thấy sông Hồng có vai trò quan trọng đối với đời sống con người Việt Nam...

Những dòng thơ: "Máu ta mang sắc đỏ sông Hồng/ nỗi khổ và niềm vui bất tận" có ý nghĩa nhắc nhở tuổi trẻ hôm nay...

Thứ hai, câu nghị luận xã hội, chỉ cần bàn luận một nội dung, khía cạnh mà đề yêu cầu. Với đề thi tham khảo này, trước hết cần giải thích giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc là gì (giá trị vật chất, tinh thần). Sau đó trả lời vì sao phải trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc (do cha ông gìn giữ, lưu truyền; làm nên bản sắc của con người Việt Nam...).

Học sinh viết đoạn văn thành bài văn thu nhỏ (có đủ bố cục ba phần, hoặc tách đoạn) dài hai ba trang giấy vừa mất thời gian vừa bị trừ ít nhất 0,25 điểm/2 điểm). Đoạn văn không có dẫn chứng hoặc không tích hợp một số nội dung được đề cập ở văn bản đọc hiểu sẽ không được chấm điểm tuyệt đối.

Kinh nghiệm cho thấy, học sinh nên viết đoạn văn theo kiểu tổng-phân-hợp - đoạn văn phối hợp diễn dịch với quy nạp, làm cho bài viết chặt chẽ. Câu mở đoạn nêu ý khái quát bậc một, các câu tiếp theo khai triển ý khái quát, câu kết đoạn là ý khái quát bậc hai mang tính chất nâng cao, mở rộng.

Những câu khai triển được thực hiện bằng thao tác giải thích, chứng minh, phân tích, bình luận, nhận xét hoặc nêu cảm tưởng, để từ đó đề xuất nhận định đối với chủ đề, tổng hợp lại, khẳng định thêm giá trị của vấn đề.

Thứ ba, câu nghị luận văn học, về hình thức có đủ mở bài, thân bài và kết bài. Trong đó, mở bài giới thiệu tác giả Kim Lân, hoàn cảnh sáng tác truyện ngắn "Vợ nhặt" và khát quát nội dung đoạn trích.

Về nội dung, phần thân bài, xác định được vấn đề cần nghị luận: tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ qua đoạn trích và nhận xét tư tưởng nhân đạo của nhà văn Kim Lân thể hiện trong đoạn trích (hẹp hơn tư tưởng nhân đạo trong tác phẩm).

Trước khi phân tích tâm trạng bà cụ Tứ trong đoạn trích, học sinh cần khát quát nhân vật Tràng từ phần đầu truyện đến lúc anh đem thị về giới thiệu với mẹ. Hiểu rõ và hiểu đúng về nhân vật bà cụ Tứ dựa trên các phương diện:

Thông tin về bà cụ Tứ được tác giả miêu tả trong đoạn trích qua hành động, ngôn ngữ.

Nắm được vai trò của bà cụ Tứ trong đoạn trích (nhân vật trung tâm, nhân vật chính...).

Mối quan hệ giữa bà cụ Tứ với các nhân vật thị, Tràng trong đoạn trích.

Nêu ý nghĩa của nhân vật bà cụ Tứ đối với tác phẩm (nhân vật có vai trò gì trong việc thể hiện nội dung, nghệ thuật và tư tưởng, quan điểm của tác giả...).

Trong quá trình phân tích, chú ý đặt nhân vật vào bối cảnh chung của câu chuyện để làm cho bài văn thêm sâu sắc. Học sinh thường quên phân tích nghệ thuật, cũng bị mất điểm ở nội dung này.

Phần kết bài, đánh giá vai trò của nhân vật bà cụ Tứ đối với sự thành công của tác phẩm, cùng thông điệp mà tác giả muốn hướng tới. Có thể nêu cảm nhận của bản thân về nhân vật bà cụ Tứ, tránh kết bài chung chung, không có điểm nhấn.

Điểm sáng tạo cho câu nghị luận văn học là 0,5 điểm/5 điểm. Học sinh hành văn mạch lạc, sử dụng từ ngữ hay, có góc nhìn mới, đưa lý luận văn học vào bài làm... là một trong những điểm cộng.

(Theo VnExpress).


Giới Thiệu STU