Thầy Phan Thế Hoài, giáo viên Văn trường THPT Bình Hưng Hòa, TP HCM lưu ý, thí sinh diễn xuôi khi phân tích bài thơ, đoạn thơ sẽ bị trừ điểm tùy theo mức độ.
Đề thi tốt nghiệp THPT nhiều năm qua thường yêu cầu thí sinh cảm nhận, phân tích về một đoạn thơ cho sẵn.
Cụ thể, đề năm 2017: Cảm nhận đoạn thơ: "Đất là nơi anh đến trường... Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ" trong đoạn trích Đất Nước, từ đó, bình luận quan niệm về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm.
Đề năm 2020: Phân tích tư tưởng Đất Nước của Nhân dân được nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thể hiện trong đoạn trích: "Em ơi em... Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại"; Phân tích cảnh hùng tráng của Việt Bắc trong kháng chiến được nhà thơ Tố Hữu thể hiện qua đoạn trích: "Nhớ khi giặc đến giặc lùng... Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng" (lần 2).
Đề thi năm 2021: Cảm nhận đoạn thơ: "Trước muôn trùng sóng bể... Cả trong mơ còn thức" trong bài thơ Sóng. Từ đó, nhận xét vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh (lần 1); trình bày cảm nhận đoạn thơ: "Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa... Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa" trong bài Tây Tiến, từ đó, nhận xét cảm hứng lãng mạn của Quang Dũng trong đoạn thơ (lần 2).
Thực tiễn cho thấy, thí sinh thường gặp nhiều khó khăn, trở ngại khi làm bài nghị luận về một đoạn trích thơ so với đoạn trích văn xuôi. Các em cần lưu ý một số điều sau đây để làm bài thi được tốt hơn.
Phân tích thơ là phân tích những từ ngữ, hình ảnh, nhịp điệu, giọng điệu, biện pháp tu từ... được sử dụng trong bài thơ để từ đó làm nổi bật những tư tưởng, tình cảm mà tác giả muốn gửi gắm qua tác phẩm.
Phương pháp phân tích hoặc cảm nhận giúp cho người đọc nhận ra cái hay, cái đẹp, cái đặc sắc về nội dung, nghệ thuật của bài thơ đó. Đồng thời thấy được tài năng, sự sáng tạo, độc đáo của tác giả trong việc lựa chọn những hình ảnh, từ ngữ có thể miêu tả một cách chính xác và sâu sắc những tư tưởng, tình cảm mà họ muốn gửi gắm.
Dàn ý bài văn phân tích một đoạn thơ cơ bản như sau:
* Mở bài: Giới thiệu tác giả dẫn vào bài thơ và trích dẫn đoạn thơ.
* Thân bài:
- Giới thiệu xuất xứ (bài thơ trích trong tập thơ nào?); hoàn cảnh sáng tác (sáng tác năm nào, gắn liền với sự kiện lịch sử gì nổi bật?); tóm tắt nội dung, bố cục bài thơ.
- Phân tích nội dung, nghệ thuật bài thơ: Lần lượt làm rõ nội dung, nghệ thuật đoạn thơ. Chia đoạn thơ thành từng đoạn nhỏ (gồm những câu thơ có cùng nội dung hoặc liên quan với nhau về nội dung) rồi giới thiệu, trích thơ và phân tích dẫn chứng thơ.
+ Giới thiệu dẫn chứng: Giới thiệu vị trí dẫn chứng, giới thiệu nội dung chính của dẫn chứng, kết hợp nêu vị trí dẫn chứng với nội dung chính.
+ Trích dẫn dẫn chứng: Phải trích nguyên văn và đặt dẫn chứng trong ngoặc kép, viết dẫn chứng thành đoạn riêng.
+ Phân tích dẫn chứng: Dùng lời văn của mình để làm rõ nội dung (nói cái gì? nói như vậy là có ý gì?); nghệ thuật (biện pháp nghệ thuật gì?); ý nghĩa của dẫn chứng (có thể từ ngữ tiêu biểu hoặc cả câu thơ được trích dẫn).
Để phân tích được dẫn chứng phải hiểu nghĩa của từ ngữ, vận dụng những hiểu biết về tác giả, hoàn cảnh sáng tác bài thơ, những kiến thức đọc hiểu về văn bản, hiểu biết về văn học và đời sống; liên tưởng và tưởng tượng, nhận xét và suy luận (lưu ý: phân tích, cảm nhận chứ không diễn xuôi đoạn thơ, sẽ bị trừ điểm).
- Đánh giá chung thành công về nội dung và nghệ thuật của bài thơ.
- Giải quyết yêu cầu phụ (nếu có).
* Kết bài: Tóm lại, đoạn thơ nổi bật gì về nội dung và nghệ thuật? Gợi liên tưởng rộng hơn, sâu sắc hơn (thường nêu tác động của đoạn thơ đến tư tưởng, tình cảm của người đọc hay đóng góp của đoạn thơ với văn học, với đời sống. Có thể nêu ngắn gọn cảm nghĩ về tác giả, bài thơ, đoạn thơ.
Mời các em tham khảo đề thi thử dưới đây do thầy Phan Thế Hoài biên soạn:
Cảm nhận của anh/chị về đọan thơ sau trong bài thơ Đất Nước, từ đó, nhận xét ngắn gọn về hệ thống chất liệu văn hóa dân gian được Nguyễn Khoa Điềm sử dụng trong đoạn trích.
Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên
Con cóc, con gà quê hương cũng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi đất nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hoá núi sông ta.
(Trích Đất Nước, trường ca Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12, Tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam)
Gợi ý làm bài:
* Mở bài:
- Nguyễn Khoa Điềm (1943) thuộc thế hệ nhà thơ chống Mỹ cứu nước. Đất nước, Nhân dân, cách mạng luôn là nguồn cảm hứng phong phú của thơ ông.
- Đất Nước là một đọan trích thuộc chương V trong bản trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, sáng tác năm 1971, tại chiến trường Bình Trị Thiên.
- Đoạn thơ là sự khẳng định của nhà thơ về vai trò của nhân dân trong việc làm nên không gian địa lý - bức tranh văn hóa đất nước muôn màu muôn vẻ: "Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi vọng phu... Những cuộc đời đã hóa núi sông ta".
* Thân bài:
- Trước hết, tác giả nêu ra một cách nhìn mới mẻ, có chiều sâu địa lý về những danh lam thắng cảnh trên khắp các miền đất nước. Nhà thơ đã kể, liêt kê một loạt kỳ quan thiên nhiên trải dài trên lãnh thổ từ Bắc vào Nam như muốn phác thảo tấm bản đồ văn hóa đất nước.
+ Đây là những danh lam thắng cảnh do bàn tay tự nhiên kiến tạo nhưng từ bao đời nay, ông cha ta đã phủ cho nó tính cách, tâm hồn, lẽ sống của dân tộc. Những ngọn núi, những dòng sông kia chỉ trở thành thắng cảnh khi nó gắn liền với con người, được cảm thụ qua tâm hồn, qua lịch sử dân tộc.
+ Trong thực tế, bao thế hệ người Việt đã tạc vào núi sông vẻ đẹp tâm hồn yêu thương thủy chung để ta có những "núi Vọng Phu", những "hòn Trống mái" như những biểu tượng văn hóa. Hay vẻ đẹp lẽ sống anh hùng của dân tộc trong buổi đầu giữ nước để ta có những "ao đầm"... như những di tích lịch sử về quá trình dựng nước và giữ nước hào hùng...
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên
Con cóc, con gà quê hương cũng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
+ Nếu không có những người vợ mòn mỏi chờ chồng cả thời chinh chiến thì không có sự cảm nhận về núi Vọng Phu. Cũng như nếu không có truyền thuyết Hùng Vương dựng nước thì không thể có sự cảm nhận nét hùng vĩ của núi đồi quanh đền Hùng.
+ Nói cách khác, những núi Vọng Phu, hòn Trống Mái, núi Bút, non Nghiên không còn là những cảnh thiên nhiên thuần túy nữa, mà được cảm nhận thông qua những cảnh ngộ, số phận của Nhân dân, được nhìn nhận như là những đóng góp của Nhân dân, sự hóa thân của những con người không tên, không tuổi.
- Thiên nhiên đất nước, qua cái nhìn của Nguyễn Khoa Điềm, hiện lên như một phần tâm hồn, máu thịt của Nhân dân. Chính Nhân dân đã tạo dựng nên đất nước này, đã đặt tên, ghi dấu vết cuộc đời mình lên mỗi ngọn núi, dòng sông, tấc đất này. Từ những hình ảnh, những cảnh vật, hiện tượng cụ thể, nhà thơ đã "quy nạp" thành một khái quát sâu sắc:
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta...
+ Với cấu trúc quy nạp (đi từ liệt kê các hình ảnh, địa danh... đến khái quát mang tính triết lý), dường như nhà thơ không thể kể ra hết những danh lam thắng cảnh và những nét đẹp văn hóa dân tộc vô cùng phong phú, đa dạng trên khắp đất nước. Nên cuối cùng, nhà thơ đã khẳng định: trên không gian địa lý đất nước, mỗi địa danh đều là một địa chỉ văn hóa được làm nên bằng sự hóa thân của bao cuộc đời, bao tâm hồn người Việt.
- Nhận xét ngắn gọn về hệ thống chất liệu văn hóa dân gian trong đoạn trích
+ Chất liệu văn hoá dân gian trong đoạn trích gắn với ca dao, tục ngữ, ngạn ngữ của văn học dân gian.
+ Chất liệu văn hoá dân gian trong Đất Nước còn gắn với những thần thoại, truyền thuyết và truyện cổ tích, phong tục tập quán của người Việt Nam.
* Kết bài:
- Đoạn thơ thể hiện được đặc điểm tiêu biểu của trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm: chất chính luận hài hòa chất trữ tình, giọng thơ tự sự; ngôn từ, hình ảnh đẹp, giàu sức liên tưởng.
- Viết về đề tài đất nước - một đề tài quen thuộc, nhưng thơ Nguyễn Khoa Điềm vẫn mang những nét riêng, mới mẻ, sâu sắc. Những nhận thức mới mẻ về vai trò của Nhân dân trong việc làm nên vẻ đẹp của đất nước ở góc độ địa lý - văn hóa càng gợi lên lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm với đất nước cho mỗi người.
(Theo VnExpress).