Mã Trường

Mã Trường

Học - Thi -Tuyển sinh

Bí quyết đạt điểm cao môn Sinh: 4 bước để làm tốt phần Công nghệ tế bào, lai tạo.

Cập nhật 03/07/2021 - 02:44:03 PM (GMT+7)

GD&TĐ - Sinh học là môn khoa học tự nhiên có một hệ thống lý thuyết rất lớn.

 

Giờ Sinh học tại Trường THPT Quang Trung – Gò Dầu – Tây Ninh do ThS Lê Hồng Thái giảng dạy. Ảnh: NTCCGiờ Sinh học tại Trường THPT Quang Trung – Gò Dầu – Tây Ninh do ThS Lê Hồng Thái giảng dạy.

 

Với thí sinh đặt mục tiêu chọn Sinh học là môn chính trong tổ hợp khối B để xét tuyển vào các trường y, công nghệ sinh học… thì việc ôn tập phải thực sự bài bản mới mong đạt kết quả tốt. Với chủ đề Chọn giống, Công nghệ tế bào, lai tạo… ThS Lê Hồng Thái, giáo viên Trường THPT Quang Trung – Gò Dầu – Tây Ninh có những lưu ý thí sinh trong việc ôn tập.

Qua thực tế nhiều năm giảng dạy ThS Lê Hồng Thái chia sẻ đến học sinh cách ôn tập chủ đề Chọn giống một cách thiết thực và hiệu quả với 4 bước như sau:

Bước 1: Học sinh cần hệ thống lại chủ đề Chọn giống gồm các phương pháp: Lai giống, gây đột biến, công nghệ tế bào, công nghệ gen.

Bước 2: Đi vào từng phương pháp chọn giống, học sinh cần lưu ý các kiến thức sau:

Lai giống: Tạo biến dị tổ hợp (BDTH) và tạo ưu thế lai. Tạo giống dựa trên BDTH: Là phương pháp được thực hiện phổ biến, dễ thực hiện. Thành tựu nổi bật trong tạo các giống lúa mới và cây ăn trái. Tạo ưu thế lai: F1 dị hợp các cặp gen, yêu cầu học sinh xác định phép lai tạo ưu thế lai và kiểu gen nào biểu hiện ưu thế lai.

Tạo giống gây đột biến: Chủ động tạo nguồn biến dị di truyền để chọn giống; thành tựu nổi bật tạo các thực vật 3n như dâu tằm, dưa hấu, nho, chuối (không hạt).

Tạo giống bằng công nghệ tế bào: Công nghệ tế bào thực vật và công nghệ tế bào động vật. Công nghệ tế bào thực vật gồm: Nuôi cấy mô, nuôi cấy hạt phấn và lai tế bào xôma.

Nuôi cấy mô: Tạo ra các cây trồng đồng nhất về kiểu gen; thành tựu nổi bật như nhân giống lan Hồ điệp, chuối, hoa lily, hoa loa kèn.

Nuôi cấy hạt phấn: Tạo các cây trồng đồng hợp các cặp gen; thành tựu nổi bật như tạo giống lúa.

Lai tế bào xôma: Nhằm tạo cây lai mang bộ nhiễm sắc thể lưỡng bội các loài, thành tựu nổi bật tạo cây pomato tổ hợp từ loài cà chua và loài khoai tây.

Công nghệ tế bào động vật gồm: Nhân bản vô tính, cấy truyền phôi. Nhân bản vô tính là tạo ra động vật giống con cho nhân, thành tựu nổi bật nhân bản vô tính ở cừu Đôly. Cấy truyền phôi là tạo ra các động vật có cùng kiểu gen giống kiểu gen của phôi, thành tựu tạo ra hàng loạt bò sữa bằng công nghệ phôi.

Tạo giống công nghệ gen: Tạo ra sinh vật mang gen các loài khác nhau; thành tựu nổi bật như vi khuẩn E. coli mang gen insulin của người, giống lúa hạt vàng mang gen β-carôten ở cà chua, cừu cho sữa mang protein huyết thanh của người.

Bước 3: Sau khi liệt kê các kiến thức cốt lõi, học sinh tiến hành xây dựng sơ đồ tư duy kiến thức về chủ đề chọn giống:

Bước 4: Vận dụng làm các bài tập trắc nghiệm tương ứng mức độ thông hiểu như sau:

Câu 1: Giống cây trồng nào sau đây đã được tạo ra dựa trên nguồn BDTH?

A. Giống lúa IR22.    B. Giống lúa “gạo vàng” có khả năng tổng hợp β- carôten.

C. Giống dâu tằm tam bội.    D. Giống dưa hấu tam bội.

Trả lời: Takudan x IR8  IR22 (chọn A).

Câu 2: Tạo giống đột biến đã đạt được thành tựu nào sau đây?

A. Tạo ra giống dâu tằm tam bội có năng suất lá cao.

B. Tạo ra giống lúa có khả năng tổng hợp β-carôten ở trong hạt.

C. Tạo ra cừu Đôly.

D. Tạo ra chủng vi khuẩn E. coli có khả năng sản xuất insulin của người.

Trả lời: Chọn A.

 

Học sinh Trường THPT Quang Trung – Tây Ninh trong giờ ôn tập thi tốt nghiệp. Ảnh: NTCC

 

Câu 3: Phương pháp nào sau đây có thể tạo ra giống cây trồng mới mang đặc điểm của hai loài?

A. Gây đột biến nhân tạo kết hợp với chọn lọc.

B. Dung hợp tế bào trần khác loài.

C. Nuôi cấy hạt phấn.

D. Nuôi cấy mô, tế bào.

Trả lời: Chọn B.

Câu 4: Dòng vi khuẩn E. coli mang gen mã hóa insulin của người được tạo ra nhờ áp dụng kĩ thuật nào sau đây?

A. Chuyển gen.     B. Gây đột biến.      C. Nhân bản vô tính.     D. Cấy truyền phôi.

Trả lời: Chọn A.

Câu 5: Từ phôi cừu có kiểu gen DdEe, bằng phương pháp cấy truyền phôi có thể tạo ra cừu con có kiểu gen?

A. DdEe.    B DDee.    C DDEE.    D ddee.

Trả lời: Chọn A.

Câu 6: Từ một cây hoa quý hiếm, bằng cách áp dụng kĩ thuật nào sau đây có thể nhanh chóng tạo ra nhiều cây có kiểu gen giống nhau và giống với cây hoa ban đầu?

A. Nuôi cấy hạt phấn.            B. Nuôi cấy mô.

C. Nuôi cấy noãn chưa được thụ tinh.

D. Lai hữu tính.

Trả lời: Chọn B.

Câu 7: Lai tế bào xôma của cây có kiểu gen Bb với tế bào xôma của cây có kiểu gen Dd, có thể tạo được tế bào lai có kiểu gen nào sau đây?

A.bbDd.     B.BBdd.    C.bbDD.    D. BbDd.

Trả lời: Chọn D.

Câu 8: Từ cây có kiểu gen aaBbDD, bằng phương pháp nuôi cấy hạt phấn trong ống nghiệm có thể tạo ra dòng cây đơn bội có kiểu gen nào sau đây?

A. aBD.    B. aBd.    C. Abd.    D. aaBB.

Trả lời: Chọn A

Câu 9: Nuôi cấy các hạt phấn có kiểu gen Ab trong ống nghiệm tạo nên các mô đơn bội, sau đó gây lượng bội hóa tạo được các cây có kiểu gen

A. AAbb.    B. AABB.    C. aabb.    D. aaBB.

Trả lời: Chọn A.

Câu 10: Theo giả thuyết siêu trội, phép lai nào sau đây cho đời con có ưu thế lai cao nhất?

A. AABB x AABB.    B. AAbb x aabb.

C. aabb x AABB.    D. aaBB x AABB.

Trả lời: Chọn C.

Theo ThS Lê Hồng Thái, qua ma trận đề tham khảo, phần kiến thức chủ đề chọn giống có 2 câu ở mức độ tư duy thông hiểu (mức độ 2), tức là học sinh chỉ qua 2 bước tư duy có thể trả lời được câu hỏi đề thi yêu cầu. Trên cơ sở phân tích mức độ tư duy, các tác giả ra đề để làm sao học sinh có thể nhận diện và đạt điểm tối đa trong phần kiến thức chọn giống. Kiến thức phần chọn giống là kiến thức sinh học hiện đại ứng dụng nhiều thành tựu của công nghệ sinh học. Tuy nhiên, cách ra câu hỏi phần này rơi vào mức độ dễ nên học sinh chỉ cần chú ý vào ý nghĩa và thành tựu của từng phương pháp chọn giống là đạt yêu cầu.

(Theo báo Giáo dục & Thời đại).


Giới Thiệu STU