GD&TĐ - Để nắm chắc kiến thức Địa lí về ngành kinh tế và vùng kinh tế, GV khuyên HS nên hệ thống nội dung thông qua sơ đồ tư duy.
Bên cạnh đó, HS muốn dễ hiểu, nhớ lâu và sâu kiến thức có thể hệ thống hóa lại các bài học bằng sơ đồ vết chân chim, sơ đồ hình cây, các bảng hệ thống kiến thức…
Hệ thống kiến thức
Thầy Nguyễn Thành Quang - GV Địa lí, Trường THPT Lê Duẩn (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho biết: “Để đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, HS cần tập trung ôn luyện từ phần kiến thức dễ đến khó”.
Theo thầy Quang, đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT năm 2021, môn Địa lí gồm 40 câu hỏi với 50 phút làm bài. Trong đó, 30 câu đầu của đề là nhận biết và thông hiểu, 10 câu sau gồm 6 câu vận dụng thấp và 4 câu vận dụng cao. Với đề thi này, 38 câu hỏi thuộc phần kiến thức lớp 12 và 2 câu còn lại là thực hành kĩ năng Địa lí lớp 11.
Riêng phần địa lí ngành kinh tế và vùng kinh tế gồm 16 câu hỏi. Cụ thể, địa lí ngành kinh tế có 4 câu thông hiểu, nhận biết 3 câu và 1 câu hỏi vận dụng thấp. Địa lí vùng kinh tế gồm 1 câu hỏi nhận biết, 1 thông hiểu và 4 câu hỏi vận dụng thấp, 2 vận dụng cao.
Kiến thức địa lí các ngành kinh tế gồm: Ngành kinh tế nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Do đó, học sinh cần ghi nhớ nội dung kiến thức cơ bản, sự phát triển và phân bố của 3 ngành kinh tế này.
Thầy Quang lưu ý: Để nắm vững nội dung từng phần, HS nên hệ thống kiến thức cơ bản qua sơ đồ tư duy. Bên cạnh đó, HS muốn dễ hiểu, nhớ lâu và sâu kiến thức có thể hệ thống hóa lại các bài học bằng sơ đồ vết chân chim, sơ đồ hình cây, các bảng hệ thống kiến thức… Trong khi làm sơ đồ, các em cần vạch ra các ý cụ thể từ tổng quát tới chi tiết (ví dụ từ A -> A’ -> A’’ -> A’’’ -> An…).
Sơ đồ tư duy địa lí ngành kinh tế sẽ giúp học sinh hệ thống lại kiến thức một cách dễ dàng, thuận lợi khi ôn tập.
Ghi nhớ thế mạnh từng vùng
Đối với địa lí vùng kinh tế, thầy Quang cho biết: Nước ta có 7 vùng kinh tế khác nhau. Cụ thể, Trung du và miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Với vùng kinh tế Trung du và miền núi Bắc Bộ, HS cần ghi nhớ thế mạnh của khu vực này là khai thác, chế biến khoáng sản, thuỷ điện. Bên cạnh đó có cây công nghiệp lâu năm, cây dược liệu, rau quả cận nhiệt và ôn đới… cũng phổ biến.
Khu vực Đồng bằng sông Hồng phát huy các thế mạnh về vị trí địa lí, tài nguyên thiên nhiên và kinh tế xã hội. Khu vực này có hạn chế là dân số đông, thường xuyên đối mặt với thiên tai. Còn khu vực Bắc Trung Bộ, HS lưu ý về hình thành cơ cấu nông – lâm – ngư nghiệp, công nghiệp và phát triển cơ sở hạ tầng đặc biệt là giao thông vận tải.
Với khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ có thế mạnh phát triển tổng hợp kinh tế biển, công nghiệp và cơ sở hạ tầng. Còn khu vực Tây Nguyên chủ yếu là cây công nghiệp lâu năm, như cà phê, hồ tiêu, cao su… Bên cạnh đó, khai thác và chế biến lâm sản, thuỷ năng kết hợp thuỷ lợi. Tuy nhiên, hạn chế là mùa khô kéo dài và thiếu nhân công lao động.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thầy Quang lưu ý HS khu vực này có thế mạnh là đất phù sa, khí hậu nóng ẩm, sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, rừng ngập mặn, vật liệu xây dựng và dầu khí. Tuy nhiên, nơi đây lại có nhiều diện tích nhiễm phèn, nhiễm mặn và ít khoáng sản.
Còn về vùng kinh tế Đông Nam Bộ, HS cần ghi nhớ thế mạnh về vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và kinh tế - xã hội.
Về phần địa lí vùng kinh tế, nội dung kiến thức khá dài với đặc trưng về các yếu tố tự nhiên, kinh tế - xã hội, chuyên môn hóa của từng vùng. Do đó, HS có thể áp dụng sơ đồ tư duy để hệ thống hóa các kiến thức cơ bản. Nhờ vậy, các em dễ học, nhớ và hiểu đặc điểm cơ bản của từng vùng kinh tế.
“Thay vì học tủ, học vẹt các em nên hệ thống hoá lại từng phần kiến thức từ tổng thể đến chi tiết. Bởi đối với địa lí vùng kinh tế, khối lượng kiến thức khá nhiều. Nếu HS không có phương pháp cụ thể, chi tiết sẽ khó khăn trong quá trình ghi nhớ và áp dụng vào bài thi”, thầy Quang chia sẻ.
Trong quá trình làm bài thi tốt nghiệp THPT 2021, việc nhận dạng biểu đồ vô cùng quan trọng. Biểu đồ gồm các dạng: Hình cột (cột đơn, ghép), hình tròn, biểu đồ miền, đường và biểu đồ kết hợp.
Theo thầy Quang, việc nhận dạng biểu đồ tuy đơn giản, nhưng dễ gây nhầm lẫn. Với dạng biểu đồ hình cột, câu hỏi chủ yếu đề cập tới phát triển, sự phát triển, so sánh các đối tượng theo thời gian…
Còn với biểu đồ tròn, chủ yếu thể hiện quy mô, cơ cấu đối tượng, sự chuyển dịch cơ cấu. Cũng thể hiện cơ cấu trong câu hỏi, tuy nhiên, từ 4 mốc năm trở lên của đối tượng phát triển thì được thể hiện bằng biểu đồ miền.
Với biểu đồ đường, câu hỏi chủ yếu đề cập đến tốc độ tăng trưởng, động thái phát triển… Riêng biểu đồ kết hợp, đối tượng nhận biết là 2 đơn vị hoàn toàn khác nhau như giá trị đơn vị diện tích và dân số.
Thầy Quang lưu ý: Với những câu hỏi nhận biết biểu đồ, HS cần đọc kĩ đề bài. Bên cạnh đó, dựa vào từ “khoá” mà từng dạng biểu đồ thể hiện để có thể chọn đáp án chính xác nhất.
Đối với bài thi trắc nghiệm, HS chỉ có điểm khi chọn được câu trả lời chính xác nhất. Do đó, khi làm bài thí sinh đọc kĩ đề. Nếu phân vân giữa các đáp án, thí sinh cần đọc kĩ lại yêu cầu của câu hỏi, sau đó loại trừ những đáp án sai.
Để đạt được kết quả tốt nhất đối với môn Địa lí, thầy Quang khuyên thí sinh cần giữ tinh thần thoải mái, bình tĩnh, tự tin. Trong quá trình làm bài, các em nên làm câu hỏi dễ trước, câu khó sau. Đặc biệt, thí sinh nên làm những câu hỏi phần Atlat trước vì nội dung này dễ lấy điểm, chiếm gần 50% tổng số điểm của bài thi.
(Theo báo Giáo dục & Thời đại).