Mã Trường

Mã Trường

Học - Thi -Tuyển sinh

'Đừng học thuộc lòng nếu muốn điểm cao môn Sinh'.

Cập nhật 22/05/2021 - 10:05:18 AM (GMT+7)

Thầy Thành Công, giáo viên Sinh học trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, khuyên sĩ tử đừng học thuộc lòng, cần đọc hiểu, ghi từ khóa để ôn tập.

Những thí sinh chọn môn Sinh với mục tiêu xét tuyển khối B00 (Toán, Hóa, Sinh) thường đã xác định cho mình mục tiêu điểm số nên cũng tìm được phương pháp học và ôn tập phù hợp. Trong khi đó, những em chỉ chọn tổ hợp khoa học tự nhiên để xét tốt nghiệp thường chờ đến thời điểm bế giảng năm học hoặc trước kỳ thi một tháng mới bắt đầu ôn. Lúc này, các em quan tâm đến các kỹ thuật học nhanh, hiệu quả để đạt mục tiêu "vượt liệt" hay" trên trung bình" là được.

Nhiều học sinh tranh thủ thời gian rảnh sau khi học xong các môn thi đại học, quay lại đọc ra rả theo kiểu học thuộc lòng các phần tổng kết cuối bài trong sách giáo khoa Sinh học. Tuy nhiên, thường thì sau một vài bài, các bạn sẽ lại quên kiến thức đã học thuộc trước đó.

Sinh học là môn khoa học tự nhiên nhưng lý thuyết lại rất nhiều. Nếu học từ từ, tích lũy dần giống các bạn thi môn Sinh xét tuyển đại học thì dễ dàng hơn so với học cấp tập trong thời gian ngắn.

Một điểm quan trọng học sinh cần chú ý, môn Sinh học hệ thống lý thuyết dài nhưng có tính logic rất cao, phải hiểu từ gốc đến ngọn mới có thể ghi nhớ kiến thức lâu dài. Nếu chỉ học thuộc lòng, khi gặp áp lực phòng thi, học sinh rất dễ quên, không còn gì trong đầu.

Vậy, thí sinh cần học như thế nào?

Như đã nói, các em cần xác định mục tiêu điểm số và lượng kiến thức cần ôn tập, tập trung vào các phần dễ hiểu và gần gũi với đời sống. Dựa trên công thức xác suất điểm đạt được của bài thi = 0,25a + (40-a)/16, trong đó a là số lượng câu hỏi mà sau khi đọc, làm thí sinh chắc chắn đúng, khi đó ta có bảng sau:

Mục tiêu mong muốn 4 điểm 5 điểm 6 điểm 7 điểm 8 điểm 9 điểm 10 điểm
Giá trị a (câu) 8 13 19 24 29 35 40

Khi đọc sách giáo khoa theo từng bài, học sinh dùng bút đánh dấu các từ khóa quan trọng nhất của mỗi đoạn, sau đó ghi vào vở học. Việc cầm sách hoặc nằm trên giường để đọc gây cảm giác ức chế, dễ ngủ và khó học. Do vậy, các em cần ngồi vào bàn học, có bút đánh dấu, vở ghi chứ không lướt như đọc truyện.

 

Thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên môn Sinh học, trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội.

 

Nhóm kiến thức thí sinh đặt mục tiêu 4-6 điểm cần tập trung là chuyển hóa vật chất và năng lượng ở động, thực vật; cơ chế di truyền và biến dị, tiến hóa và sinh thái. Nếu còn thời gian thì mở rộng thêm các vấn đề khác. Các phần này chủ yếu là lý thuyết, mức độ nhận thức nằm trong các vùng nhận biết, thông hiểu và vận dụng (trừ một số câu hỏi vận dụng cao thuộc cơ chế di truyền và biến dị) nên không quá khó với thí sinh đã học.

Lượng kiến thức trong nội dung kể trên cũng dài nên không thể học thuộc lòng. Các em nên dùng cách học tốt hơn theo trình tự: đọc hiểu, đánh dấu, ghi từ khóa, tái hiện kiến thức, vận dụng làm trắc nghiệm và vá hổng kiến thức. Cụ thể gồm:

- Dựa trên các từ khóa ghi ra vở, các em hệ thống lại logic kiến thức theo sơ đồ phân nhánh đơn giản, rõ nét và dễ đọc. Nhiều học sinh sa đà vào việc trang trí sơ đồ tư duy quá cầu kỳ, dùng bút chuyên dụng để "sketch note" vừa mất thời gian mà chỉ được giai đoạn đầu rồi sẽ sớm chán.

- Dùng sơ đồ tư duy vừa xây dựng, tự tái hiện nội dung kiến thức mình đã lĩnh hội được, tự dạy lại cho mình giống như một người thuyết trình hay giáo viên dạy bài cho học sinh. Chỗ nào còn chưa rõ, học sinh có thể xem lại sách để bổ sung kiến thức.

- Vận dụng kiến thức học được, tìm kiếm các bộ câu hỏi trắc nghiệm liên quan đến vấn đề, cụm vấn đề vừa học để rèn luyện. Sau đó, các em so sánh với đáp án xem lượng điểm mình đạt được và lượng kiến thức mình đã có là bao nhiêu, chỗ nào còn sai, còn hiểu chưa đúng thì đọc lại để vá hổng kiến thức.

Nếu vận dụng nhuần nhuyễn các bước này, toàn bộ lượng kiến thức ở nội dung nêu ở trên có thể được học trong thời gian ngắn. Thí sinh chỉ cần tập trung học và làm bài trong thời gian rảnh ngoài thời gian học các môn thi đại học có thể tự tin với mục tiêu của mình.

Ngoài ra, điều không thể thiếu trong chu trình ôn tập của học sinh là luyện đề. Việc này giúp các em đánh giá lượng kiến thức đã có, tốc độ làm đề và cả sự may mắn ở quá trình đó.

Học sinh nên chọn đề thi tốt nghiệp THPT của ba năm trở lại đây, tập trung làm những câu ở đầu của đề thuộc mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng nhẹ, cố gắng làm được càng nhiều câu thuộc nhóm "a" càng tốt. Trong phần nhóm "a" đó, các em xác định xem tỷ lệ xuất hiện của đáp án nào thấp nhất. Ở phần còn lại, nếu không làm được, thí sinh nên chọn phương án có tỷ lệ thấp đó vì trong khâu soạn đề có bước trộn đề bằng máy tính, tỷ lệ phân bổ đáp án thường đồng đều cho bốn lựa chọn A, B, C, D.

Cuối cùng, mỗi học sinh nên chủ động học, tự tìm tòi cho mình phương pháp hiệu quả nhất vì chẳng có phương pháp nào là vạn năng cho tất cả. Tôi chỉ đưa ra một gợi ý về phương pháp cho học sinh có thể tham khảo, các em có thể vận dụng, có thể biến đổi sao cho phù hợp với mục tiêu của mình. Trong sinh học có kiến thức về chọn lọc tự nhiên, và tôi tâm đắc nhất với một câu nói "thích nghi là chìa khóa của chọn lọc" - để được chọn lọc vào vị trí mong muốn, các em phải tự tạo giá trị thích nghi cho riêng mình.

(Theo Vnexpress).


Giới Thiệu STU