Mã Trường

Mã Trường

Học - Thi -Tuyển sinh

Chiến lược giải đề Vật lý tốt nghiệp THPT.

Cập nhật 18/05/2021 - 09:37:36 AM (GMT+7)

Thạc sĩ Lê Thịnh, giáo viên Vật lý trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM) gợi ý cho thí sinh chiến lược giải đề thi tốt nghiệp.

Trong thời điểm ôn tập nước rút cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, các em cần hệ thống lại kiến thức, đúc rút kinh nghiệm giải đề và chuẩn bị sẵn sàng tâm lý tốt nhất.

Thứ nhất, để hệ thống kiến thức và kỹ năng giải đề, học sinh cần lưu ý các bước sau:

- Luyện tập chăm chỉ đề thi thử có cấu trúc câu hỏi tương ứng với đề thi các năm trước về số lượng, mức độ khó và kiến thức trong nội dung chương trình theo ma trận đề.

- Học thuộc công thức và mẹo tính nhanh trong các chủ đề bài tập Vật lý ở các chương.

- Nắm vững sơ đồ liên hệ giữa vị trí, vận tốc, gia tốc và năng lượng (thế năng và động năng) trong dao động điều hòa.

- Lập bảng so sánh kiến thức và mối liên hệ của các phần, chương liên quan như: Sóng điện từ với Sóng cơ, Tia hồng ngoại với tia tử ngoại hoặc tia X...

- Sử dụng thành thạo máy tính trong các bài toán liên quan đến (số phức, lập bảng, giải hệ phương trình...) và tốc độ thực hiện thao tác bấm máy.

Thứ hai, trước ngày đi thi, các em cần chuẩn bị đầy đủ dụng cụ học tập cho buổi thi được phép sử dụng (bút bi, bút chì, thước, gom, compa, máy tính...); kiểm tra pin và hoạt động của máy tính; thư giãn và ngủ sớm tạo tâm lý thỏa mái trước ngày thi.

 


Thầy Lê Thịnh, giáo viên Vật lý, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.

 

Thứ ba, khi bước vào phòng thi, các em cần sử dụng đúng chiến lược và phương pháp giải đề. Đề Vật lý gồm 40 câu trong 50 phút ứng với 1,25 phút cho mỗi câu. Trong đó các câu có mức độ khó tăng dần từ 1 đến 32 theo các mức tương ứng: Mức 1 (nhận biết); mức 2 (thông hiểu), mức 3 (vận dụng); từ câu 33 đến 40 là thuộc mức 4 (vận dụng cao).

Khi giải đề, học sinh có học lực trung bình, trung bình khá nên đọc tuần tự các câu, những câu nào có khả năng giải thì thực hiện bài giải và tô ngay đáp án vào trong tờ giấy bài làm; những câu nào đọc không hiểu hoặc không có phương án giải thì đánh dấu trên đề để có thể thực hiện giải lại khi còn dư thời gian.

Các em không nên dành nhiều thời gian cho một câu quá 1,25 phút, làm ảnh hưởng đến các câu phía sau có khả năng dễ hơn và cố gắng làm càng nhiều thì điểm số đạt được càng cao.

Học sinh không nên chủ quan với các câu dễ để rơi vào "bẫy" của đề, thường rơi vào các câu lý thuyết. Hãy phân tích kỹ để tránh nhầm lẫn, chẳng hạn đề bài yêu cầu chọn câu trả lời sai nhưng thí sinh lại chọn câu trả lời đúng. Với câu trắc nghiệm bài tập, thí sinh thường hay quên đổi đơn vị của các đại lượng nên dễ đánh nhầm đáp án.

Ngoài ra, học sinh cần đọc kỹ từng đáp án, phân tích và chọn ra câu trả lời đúng nhất. Trong đề, có nhiều đáp án nửa câu đầu đúng nhưng phần sau là kiến thức sai, ví dụ: "Sóng điện từ là sóng ngang do phương dao động của thành phần điện và từ trùng với phương truyền sóng".

 

 

Với học sinh học lực khá, giỏi, thi tốt nghiệp THPT nhằm xét tuyển vào các trường đại học có tỷ lệ chọi cao, cần thực hiện tốt, chính xác và nhanh nhất có thể cho các câu từ 1 đến 32 để "ăn chắc" 8 điểm. Đây là những câu có mức độ vừa phải, phù hợp với học lực khá giỏi của các em nên cần lấy trọn điểm.

Từ câu 33 đến 40, độ khó tương đối cao nên các em nên lựa chọn câu có phương án và khả năng giải thành công để tăng dần điểm số.

Các em lưu ý, đáp án cần được tô ngay vào phiếu trả lời khi hoàn thành câu trắc nghiệm, bởi có nhiều em làm xong bài nhưng chưa tô đến gần hết giờ mới làm dẫn đến tô nhầm hoặc không kịp thời gian. Làm câu nào chắc câu đó, dành ít phút cuối để kiểm tra lại một lượt, sửa sai (nếu có), kiểm tra mã đề, số báo danh...

Mong rằng một số kinh nghiệm được chia sẻ ở trên sẽ giúp các em ôn tập và đạt được kết quả cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

(Theo Vnexpress).


Giới Thiệu STU