Mã Trường

Mã Trường

Học - Thi -Tuyển sinh

Ôn thi môn Địa lí: Làm thế nào để lấy điểm tối đa?

Cập nhật 09/05/2021 - 09:38:13 AM (GMT+7)

GD&TĐ - Để đạt được điểm số cao ở môn Địa lí, giáo viên lưu ý học sinh cần rèn luyện thành thạo kĩ năng xem và trả lời câu hỏi Atlat. Bên cạnh đó, cố gắng lấy điểm ở câu hỏi nhận biết và thông hiểu.

Tô đậm những phần quan trọng

Thầy Hồ Ngọc Quang – Trường THPT DTNT huyện Đăk Hà (Kon Tum) cho biết, tổng thể sách giáo khoa Địa lí 12 được chia ra làm 4 phần: địa lí tự nhiên, địa lí dân cư, địa lí các ngành kinh tếđịa lí vùng kinh tế. Các phần này đều có mối liên hệ qua lại với nhau. Do đó, học sinh cần hệ thống kiến thức trong từng chủ đề, bài cụ thể.

Theo thầy Quang, sau khi đã hệ thống các bài học, có thể đi vào chi tiết từng bài. Đối với mỗi bài cũng có thể hệ thống lại xem có bao nhiêu nội dung chính, mỗi ý chính có bao nhiêu ý phụ...

 


Thầy Quang lưu ý học sinh kĩ năng Atlat chiếm tỉ lệ tương đối lớn trong bài thi.

 

Để ghi nhớ kiến thức được lâu và sâu, học sinh có thể dùng bút màu tô đậm những phần quan trọng hoặc gạch dưới những ý chính. Làm theo nguyên tắc từ tổng thể đến chi tiết, từ khái quát đến cụ thể. Đây cũng là cách để nhớ mà không nhất thiết phải cầm SGK học, vừa không gây cảm giác nặng nề mà còn giúp các em hệ thống lại bài học.

Dạng câu hỏi nhận biết và thông hiểu sẽ có ở tất cả ở các bài học của lớp 12. Đây là mức độ mà học sinh, đặc biệt là bạn có học lực trung bình cần chú trọng nhằm nắm chắc kiến thức. Bởi, khả năng lấy điểm đối với dạng câu hỏi này là khá lớn.

Với dạng câu hỏi vận dụng, vận dụng cao, thầy Quang lưu ý học sinh trong quá trình học tập cần chú ý đến việc rèn luyện các kĩ năng quan sát, nhận xét, phân tích, so sánh, đánh giá các sự vật, hiện tượng địa lí... Từ đó giúp hình thành các năng lực cần thiết để bước vào cuộc sống lao động và học tập sau này.

Theo thầy Quang, đề thi có thể xuất hiện một số câu hỏi yêu cầu học sinh phải biết vận dụng tri thức địa lí đã học được trong nhà trường để giải thích các hiện tượng, sự vật của thực tiễn cuộc sống về tự nhiên, dân cư và môi trường... phù hợp với khả năng của học sinh. Đây là những câu hỏi rất thực tiễn.

Kĩ năng Atlat chiếm tỉ lệ tương đối lớn

Theo thầy Quang, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, câu hỏi sử dụng kĩ năng Atlat Địa lí Việt Nam chiếm tỉ lệ tương đối lớn. Đây là số điểm tương đối lớn và khả năng lấy điểm dễ dàng đối với các sĩ tử.

Do đó, thầy Quang lưu ý đối với dạng câu hỏi này học sinh cần đọc kĩ ký hiệu theo yêu cầu. Bởi trong Atlat Địa lí Việt Nam có phần ký hiệu riêng cho từng trang. Chính vì vậy, học sinh phải nắm chắc các ký hiệu chung về khoáng sản, nông nghiệp, công nghiệp, lâm ngư nghiệp

Thầy Quang cũng nhắc nhở học sinh, tất cả những câu hỏi trắc nghiệm có yêu cầu trình bày về phân bố sản xuất hoặc yêu cầu nói rõ ngành đó ở đâu, vì sao ở đó... đều có thể dùng bản đồ của Atlat để trả lời. Các câu hỏi có yêu cầu trình bày tình hình phát triển sản xuất hoặc quá trình phát triển của ngành này hay ngành khác, học sinh cũng có thể tìm thấy một vài số liệu ở các biểu đồ trong Atlat.

Đối với các câu hỏi liên quan đến biểu đồ, thầy Quang cho hay, cũng có một số cách hỏi như chọn phương án đúng hoặc sai đối với 4 nhận xét đã có. Bên cạnh đó, sẽ có những câu hỏi xác định nội dung thể hiện, thực chất là tên của biểu đồ, hoặc xử lí số liệu từ biểu đồ.

Tương tự như làm việc với số liệu thống kê, để trả lời những câu hỏi dạng này, thầy Quang khuyên học sinh cần tiến hành quy trình chung với 3 bước.

Cụ thể, xem xét kĩ biểu đồ đã cho, như dạng biểu đồ, các số liệu … Sau đó, tìm ra mối liên hệ hoặc quy luật giữa các đối tượng Địa lí được thể hiện trên biểu đồ. Từ đó, học sinh nhớ lại những kiến thức đã học và trả lời theo yêu cầu của câu hỏi.

Thầy Quang khuyên các sĩ tử nên rèn luyện việc khai thác biểu đồ có trong bản đồ của Atlat. Theo đó, đối với địa lí ngành kinh tế, thông thường mỗi bản đồ đều có từ 1 đến 2 biểu đồ (cột, đường, tròn...). Bên cạnh thể hiện sự tăng, giảm về giá trị tổng sản lượng, về diện tích đối với các ngành nông-lâm nghiệp của các ngành kinh tế. Chính vì vậy, học sinh cần biết cách khai thác biểu đồ trong các bài có liên quan để đỡ phải nhớ nhiều số liệu.

Trước khi bước vào kì thi, thầy Quang khuyên các sĩ tử bình tĩnh, tự tin, cố gắng hoàn thành tốt bài thi của mình.

 


“Thay vì học tủ, học vẹt các em nên hệ thống hoá lại từng phần kiến thức từ tổng thể đến chi tiết. Bởi đối với địa lí vùng kinh tế thì khối lượng kiến thức là khá nhiều. Nếu học sinh không có phương pháp cụ thể sẽ khó khăn trong quá trình ghi nhớ và áp dụng vào bài thi”, thầy Quang chia sẻ.

Cũng theo thầy Quang, đối với bài thi trắc nghiệm, học sinh chỉ có điểm khi chọn được câu trả lời chính xác nhất. Do đó, khi làm bài các em cần bình tĩnh, chọn 1 đáp án chính xác duy nhất. Trong quá trình làm bài, các sĩ tử nên làm những câu hỏi dễ trước, câu khó sau.

(Theo báo Giáo dục & Thời đại).


Giới Thiệu STU