Mã Trường

Mã Trường

Học - Thi -Tuyển sinh

Tránh mất điểm câu nghị luận đoạn trích văn xuôi.

Cập nhật 05/05/2021 - 09:28:35 AM (GMT+7)

Thầy Phan Thế Hoài, giáo viên Ngữ văn trường THPT Bình Hưng Hòa, TP HCM, hướng dẫn cách làm bài chi tiết phân tích một đoạn văn xuôi ở câu nghị luận văn học.

Đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn có hai phần: Đọc hiểu và làm văn. Phần làm văn bao gồm câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Riêng câu nghị luận văn học chiếm số điểm cao nhất - 5.

Để làm tốt câu nghị luận văn học, học sinh cần lưu ý một số điểm để tránh mất điểm oan.

Thứ nhất, đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề nghị luận; thân bài triển khai được vấn đề; kết bài khái quát được vấn đề.

Thứ hai, xác định đúng vấn đề nghị luận. Học sinh cần xác định đúng vấn đề cần nghị luận để tránh lạc đề, phân tích đoạn văn xuôi cho sẵn để làm rõ một vấn đề nội dung của tác phẩm, từ đó nhận xét về một khía cạnh nội dung hoặc nghệ thuật tiêu biểu của tác phẩm.

Thứ ba, khi triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm, học sinh có thể làm theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng.

Các yêu cầu cần được đảm bảo: Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận (khái quát nội dung của đoạn trích văn xuôi); phân tích nội dung và nghệ thuật của đoạn văn xuôi; đánh giá chung (nội dung và nghệ thuật của đoạn trích, khẳng định vai trò, vị trí của tác giả, tác phẩm).

Học sinh cần tránh phân tích toàn bộ nội dung tác phẩm hoặc chỉ nội dung được yêu cầu. Nghĩa là học sinh cần đặt nội dung đoạn trích cho sẵn trong mối quan hệ với những phần khác trong tác phẩm để phát triển được ý. Sau đó, nhận xét về một khía cạnh nội dung hoặc nghệ thuật tiêu biểu của tác phẩm theo yêu cầu đề bài.

Thứ tư, cần đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt khi viết. Cuối cùng, cần thể hiện khả năng sáng tạo, suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, diễn đạt mới mẻ.

Ví dụ:

Vườn cây rung rinh ánh sáng. Ở một góc nhà đó, hiện lên cảnh tượng cu Tị đang ôm chầm lấy mẹ, chị Lụa cuống quýt vuốt ve con. Bà vợ Trương Ba xuất hiện ở phía trước sân khấu.

Vợ Trương Ba: Ông ở đâu? Ông ở đâu?

(Giữa màu xanh cây vườn, Trương Ba chập chờn xuất hiện).

Trương Ba: Tôi ở đây bà ạ. Tôi vẫn ở liền ngay bên bà đây, ngay trên bậc cửa nhà ta, trong ánh lửa bà nấu cơm, cầu ao bà vo gạo, trong cái cơi bà đựng trầu, con dao bà giẫy cỏ... Không phải mượn thân xác ai cả, tôi vẫn ở đây, trong vườn cây nhà ta, trong những điều tốt lành của cuộc đời, trong mỗi trái cây cái Gái nâng niu.

(Dưới một gốc cây, hiện lên cu Tị và cái Gái).

Cái Gái: (Tay cầm một trái na) Cây na này, ông nội tớ trồng đấy. Quả to mà ngon lắm. Ta ăn chung nhé!

(Bẻ quả na đưa cho cu Tị một nửa. Đôi trẻ ăn ngon lành. Cái Gái lấy những hạt na vùi xuống đất).

Cu Tị: Cậu làm gì thế?

Cái Gái: Cho nó mọc thành cây mới. Ông nội tớ bảo vậy. Những cây sẽ nối nhau mà lớn khôn. Mãi mãi...

(Trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Lưu Quang Vũ, Ngữ văn 12, tập 2, NXB Giáo dục, tr.153)

Phân tích nhân vật Trương Ba trong đoạn trích trên. Từ đó nêu lên ý nghĩa tư tưởng, triết lý và nhân sinh sâu sắc mà Lưu Quang Vũ gửi gắm trong vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt".

Hướng dẫn cách làm:

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Mở bài, thân bài, kết bài.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận:

Phân tích nhân vật Trương Ba trong đoạn trích. Nêu lên ý nghĩa tư tưởng, triết lý và nhân sinh sâu sắc mà Lưu Quang Vũ gửi gắm trong vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt".

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm:

Đảm bảo các yêu cầu sau:

- Giới thiệu khát quát tác giả Lưu Quang Vũ, cảnh VII "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" và đoạn trích.

- Phân tích nhân vật Trương Ba trong đoạn trích.

- Tóm tắt tác phẩm:

+ Trương Ba, gần 60 tuổi, là một người làm vườn tốt bụng, đặc biệt rất cao cờ. Do tắc trách, Nam Tào gạch bừa tên Trương Ba, khiến ông phải chết oan. Theo gợi ý của Đế Thích, để sửa sai, Nam Tào cho hồn Trương Ba nhập vào thể xác anh hàng thịt ở làng bên vừa mới chết, mới ngoài 30 tuổi, để được sống lại.

+ Trú nhờ thể xác anh hàng thịt, hồn Trương Ba gặp rất nhiều phiền toái: Lý trưởng sách nhiễu, chị hàng thịt đòi chồng; gia đình Trương Ba ngày càng lục đục. Trương Ba dần dà tiêm nhiễm một số thói xấu và những nhu cầu vốn xa lạ với ông. Không những vậy, những người thân trong gia đình cũng ngày càng xa lánh khiến ông rất đau khổ. Trước nghịch cảnh ấy, Trương Ba quyết định trả lại thân xác cho anh hàng thịt, cũng không chấp nhận nhập vào xác cu Tị, kiên quyết chọn cái chết.

- Kết thúc vở kịch, Trương Ba chết, nhưng hồn ông vẫn còn đó "giữa màu xanh cây vườn, Trương Ba chập chờn xuất hiện"; và ông đã nói với vợ mình những lời tâm huyết, hàm chứa ý nghĩa "Tôi đây bà ạ. Tôi ở liền ngay bên bà đây, ngay trên bậc cửa nhà ta... Không phải mượn thân ai cả, tôi vẫn ở đây, trong vườn cây nhà ta, trong những điều tốt lành của cuộc đời, trong mỗi trái cây cái Gái nâng niu...".

- Những lời nói của Trương Ba, phải chăng đó là sự bất tử của linh hồn trong sự sống, trong lòng người. Điều đó tô đậm thêm nhân cách cao thượng của Trương Ba và khắc sâu thêm tư tưởng nhân văn của tác phẩm.

- Cu Tị sống lại và đang cùng ngồi với cái Gái trong khu vườn. Cái Gái "Lấy hạt na vùi xuống đất..." cho nó mọc thành cây mới. Ông nội tớ bảo thế. Những cây sẽ nối nhau mà khôn lớn. Mãi mãi...".

- Hình ảnh cái Gái ăn quả Na rồi vùi hạt xuống đất:

+ Biểu tượng cho sự tiếp nối những truyền thống tốt đẹp (Ông nội tớ bảo vậy) là tâm hồn, là nhân cách Trương Ba.

+ Biểu tượng cho sự sống bất diệt của những giá trị tinh thần mang tính nhân văn cao đẹp (mãi mãi).

+ Khẳng định niềm tin vào sự chiến thắng của cái thiện và cái đẹp.

- Ý nghĩa của sự sống nhiều khi không phải ở sự tồn tại sinh học mà chính là sự hiện diện của người đã khuất trong tâm tưởng, nỗi nhớ, tình yêu của người còn sống. Vẻ đẹp tâm hồn sẽ trường tồn dài lâu, bất tử so với sự tồn tại của thể xác.

=> Đây là đoạn kết giàu chất thơ với ngôn từ tha thiết, thấm đẫm tình cảm và có dư ba bởi những hình ảnh tượng trưng về sự sống nảy nở. Đó là khúc ca trữ tình ca ngợi sự sống, ca ngợi những giá trị nhân văn mà con người luôn phải vươn tới và gìn giữ.

- Thông điệp vở kịch:

- Lưu Quang Vũ muốn phê phán một số biểu hiện tiêu cực trong lối sống lúc bấy giờ: Con người đang có nguy cơ chạy theo những ham muốn tầm thường về vật chất, chỉ thích hưởng thụ đến nỗi trở nên phàm phu thô thiển.

- Lấy cớ tâm hồn, quý đời sống tinh thần là đáng trọng mà chẳng chăm lo thích đáng đến sinh hoạt vật chất, không phấn đấu vì hạnh phúc toàn vẹn. Cả hai quan niệm cách sống trên đều cực đoan đáng phê phán.

- Tình trạng con người phải sống giả, không dám và cũng không được sống là bản thân mình. Đấy là nguy cơ đẩy con người đến chỗ bị tha hóa do danh và lợi.

(Theo Vnexpress).


Giới Thiệu STU