Mã Trường

Mã Trường

Học - Thi -Tuyển sinh

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc chia sẻ phương pháp ôn thi tốt nghiệp THPT môn Hóa.

Cập nhật 23/04/2021 - 09:33:03 AM (GMT+7)

Với môn thi trắc nghiệm như Hóa học, việc luyện đề thường xuyên là cách tốt nhất để rèn kĩ năng và tốc độ làm bài.

Thầy Vũ Khắc Ngọc - Giáo viên môn Hóa học tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI hướng dẫn học sinh phương pháp ôn luyện chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp THPT 2021 sắp tới. Theo đó, trong giai đoạn ôn thi nước rút, các sĩ tử cần lập được cho mình kế hoạch ôn thi phù hợp để đạt kết quả tốt nhất.

Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên Hóa học tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI

 

Kiến thức đề thi tập trung vào 3 nhóm vấn đề

Nhận định về cấu trúc đề minh họa môn Hóa Tốt nghiệp THPT năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc cho biết: Về cơ bản để năm nay giữ nguyên tinh thần của đề minh họa và đề chính thức trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2020, cả về phạm vi kiến thức và mức độ phân hóa.

"Nhìn chung các câu hỏi và bài tập đều tập trung vào các chủ đề của chương trình Hóa học 12. Những phần nội dung giảm tải đều không đưa vào trong đề thi. Các kiến thức lớp 11 được đưa vào rất ít và đều đơn giản, tập trung vào 3 nhóm vấn đề: Dung dịch/Sự điện li - Các phi kim (N-P-C và hợp chất) - Hidrocacbon", thầy Ngọc phân tích.

Với phần chương trình lớp 12, đáng lưu ý là trong nhóm bài tập Vận dụng - Vận dụng cao có thêm một số bài tập thuộc phần Vô cơ (câu 71, 75 và 77 trong đề minh họa). Đây là điểm khác biệt so với đề thi năm trước. Trong đó dạng bài tập về kim loại tác dụng với dung dịch chứa H+ và NO3- (câu 77) luôn là bài tập khó từ trước tới nay.

Phần Hữu cơ tiếp tục dành bài tập khó nhất cho các chủ đề: Biện luận cấu tạo chất hữu cơ, lý thuyết về thực hành các thí nghiệm Hóa học, bài tập hỗn hợp este (có thể với axit và ancol), chất béo và hợp chất chứa nitơ.

Phương pháp ôn luyện trong giai đoạn nước rút

Theo thầy Ngọc, trong giai đoạn này các em học sinh nên kết hợp song song với việc luyện đề và học/ôn tập để hoàn thiện kiến thức. Việc luyện đề là quan trọng vì giúp các em rà soát được một cách tổng thể các kiến thức và phương pháp giải toán cần thiết để giải quyết các vấn đề trong đề thi, biết được mức điểm mình đang đạt được là bao nhiêu và còn thiếu hoặc yếu ở những phần nào, dạng bài nào.

Qua mỗi lần luyện đề như vậy, các em học sinh nên thiết lập không gian và thời gian làm bài nghiêm túc như thi thật. Sau đó, các em so sánh đáp án, liệt kê các câu chưa đúng và tìm nguyên nhân xem vì sao mình không làm được hoặc làm sai. Từ đó, lên danh sách các bài cần phải học bổ sung để khắc phục lỗi sai hoặc hạn chế đó.

"Đối với một môn thi trắc nghiệm như môn Hóa, việc luyện đề cũng giúp các em làm quen với áp lực, tính toán và phân bổ hợp lý thời gian làm bài, tích lũy kinh nghiệm và hình thành kỹ năng, phản xạ, nâng cao tốc độ làm bài", thầy Ngọc chia sẻ.

Một số lưu ý để tránh mất điểm "oan"

Theo thầy Ngọc,với cấu trúc đề thi như hiện nay, tới 75% số câu hỏi là ở mức rất cơ bản (mức nhận biết và thông hiểu). Đây là những câu hỏi chủ yếu phục vụ cho mục tiêu xét Tốt nghiệp. Vì vậy, các bạn thí sinh đều thấy cần phải trả lời thật nhanh những câu hỏi này để dành thời gian cho những câu hỏi,bài tập khó hơn, phân hóa hơn ở phía cuối đề.

Tuy nhiên, nhanh mà không được ẩu, khẩn trương nhưng phải chính xác. Bởi lẽ, chính sự nhanh nhảu, vội vàng, đôi khi tới mức cẩu thả khi làm những câu hỏi rất dễ này lại có thể khiến các bạn học sinh bị nhầm lẫn và mất điểm đáng tiếc.

"Cần phải nhớ rằng mỗi câu hỏi, bài tập trong đề thi đều có mức điểm ngang bằng nhau. Do đó, làm sai 1 câu dễ sẽ phải bù lại bằng 1 câu khó, vất vả hơn nhiều", thầy Ngọc nhấn mạnh.

Ngoài ra, trong nhóm các câu hỏi khó ở cuối đề thi, cũng cần chú ý tới các câu hỏi có dạng Đếm số phát biểu đúng/sai, Đếm số chất, Đếm số phản ứng thỏa mãn điều kiện nào đó (tạo kết tủa, tạo chất khí, thuộc loại oxi hóa - khử, có sự tạo thành kim loại, …). Đây là những câu hỏi dễ bị thừa hoặc thiếu dẫn tới mất điểm.

Bên cạnh đó, câu hỏi về thực hành thí nghiệm cũng là câu hỏi hay khiến các em mắc sai sót do thiếu thực tiễn thực hành.

"Điều quan trọng nhất lúc này là mỗi bạn cần hiểu rõ được mục tiêu và năng lực của mình để từ đó lập ra được kế hoạch hành động tương ứng cho phù hợp trong 2 tháng cuối này. Kế hoạch càng chi tiết thì mục tiêu càng dễ đạt được", thầy Ngọc nhắn nhủ các bạn học sinh

Không chỉ lưu ý các bạn thì sinh về vấn đề ôn luyện, thầy Ngọc cũng dành lời khuyên đến các sĩ tử nên đảm bảo chế độ dinh dưỡng và giữ sức khỏe để có tâm thế tốt nhất chuẩn bị cho quá trình ôn luyện và kì thi sắp tới.

(Theo Báo điện tử Dân Trí).


Giới Thiệu STU