Mã Trường

Mã Trường

Học - Thi -Tuyển sinh

Ôn thi tiếng Anh tốt nghiệp THPT: 4 tình huống dễ gây lỗi sai, mất điểm.

Cập nhật 22/04/2021 - 09:32:48 AM (GMT+7)

Với môn thi tiếng Anh, trong quá trình làm bài thi, nếu thí sinh không đọc kĩ câu hỏi, hay nhìn các phương án không cẩn trọng đều rất dễ gây ra lỗi sai.

Đó là chia sẻ của cô Hương Fiona, giáo viên Tiếng Anh tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI. Theo cô Hương Fiona, ở thời điểm này, học sinh vừa cần tổng ôn tập kiến thức, vừa kết hợp luyện giải đề để thấy được những điểm mạnh và yếu của bản thân, cũng như nhìn ra được năng lực hiện tại và mục tiêu đặt ra.

Phương pháp học tập hiệu quả nhất với môn Tiếng Anh vẫn luôn là sự chăm chỉ, nhẫn nại và bền bỉ.

 

Cô Hương Fiona, giáo viên Tiếng Anh tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI

 

Tập trung ôn luyện ngữ pháp, từ vựng kết hợp luyện đề

Đề thi Tiếng Anh bao gồm kiến thức về Ngữ pháp và Từ vựng, vì vậy hàng ngày các em cần đảm bảo ôn luyện song song cả 2 phần trên.

Với Ngữ pháp, các em nên xem lại phần tổng kết những kiến thức trọng tâm, những lưu ý và các trường hợp đặc biệt ở các chuyên đề. Đối với những chuyên đề mà các em còn yếu về kiến thức, hãy cố gắng học lại lí thuyết và luyện bài tập nhiều hơn ở các phần này.

Với phần Từ vựng, trước tiên các em phải nắm thật chắc các từ, cụm từ trong sách giáo khoa từ lớp 10, 11 và 12. Số lượng các từ và cụm từ này khá lớn, tuy nhiên nếu đã học qua rồi thì các em hoàn toàn tự tin là khi học lại sẽ dễ nhớ hơn.

Bên cạnh đó, trong quá trình học, các em có thể chọn lọc và ghi chép một số từ hoặc cụm từ đặc biệt, xem lại hàng ngày và cần học thật tập trung các từ hay cụm từ chưa nhớ rõ.

Ngoài việc ôn luyện tốt kiến thức, các em nên trau dồi thêm kĩ năng luyện đề để học được cách tiếp cận với từng dạng bài cụ thể và có chiến lược quản lí thời gian rõ ràng.

Với những bạn có mục tiêu từ 8 điểm trở lên thì hãy tập trung ở các bài đọc hiểu, đọc điền. Đây là những bài khó, các em nên phân bổ một nửa thời gian làm bài của mình dành cho các phần này để có thể đọc được một cách bình tĩnh, tìm đủ thông tin và đưa ra được đáp án đúng nhất. Các bạn có mục tiêu thấp hơn thì nên tập trung vào các câu hỏi dễ hơn.

Khi luyện đề, các em cần làm nghiêm túc và tưởng tượng như đang làm bài thi thật. Sau mỗi lần luyện đề, hãy tự mình kiểm tra đáp án hoặc nhờ thầy cô sửa giúp, các em sẽ tự mình kiểm tra được năng lực của bản thân và học hỏi, rút kinh nghiệm để tránh mắc phải sai lầm khi làm bài thi thật.

So đề tham khảo 2021 với đề thi thật 2020, có thể thấy đề thi phủ khá đầy đủ các chủ đề ngữ pháp và từ vựng mà các em đã được học. Bên cạnh một số chuyên đề đã xuất hiện trong các kì thi trước, các em nên ôn tập thật kĩ các chuyên đề xuất hiện trong đề tham khảo năm nay như: Các thì trong Tiếng Anh, câu hỏi đuôi, liên từ, mệnh đề trạng ngữ, giới từ, rút gọn chủ ngữ thì có thêm câu bị động, câu so sánh, trật tự tính từ…

Những phần kiến thức khó, có khả năng phân loại thí sinh là các dạng bài đọc hiểu, đọc điền, các câu hỏi liên quan đến Từ vựng: từ cùng trường nghĩa, các từ hay gây nhầm lẫn, ngữ động từ và thành ngữ.

Lưu ý để tránh mất điểm "oan"

Trong quá trình làm bài thi, nếu thí sinh không đọc kĩ câu hỏi, hay nhìn các phương án không cẩn trọng đều rất dễ gây ra lỗi sai. Vì vậy để tránh những lỗi sai không đáng có, các em chú ý một số tình huống dễ mất điểm như:

1. Đọc không kĩ yêu cầu của đề bài. Ví dụ nhiều thí sinh thường hay làm sai yêu cầu của bài "Tìm từ trái nghĩa". Do tâm lí phòng thi và sự thiếu cẩn thận nên sau khi luận ra được nghĩa của từ được gạch chân trong câu hỏi, các em chọn ngay đáp án có nghĩa giống nhất, trong khi đề bài yêu cầu tìm trái nghĩa.

2. Trả lời sai các câu tìm chủ đề của bài văn, do dạng câu hỏi này không dễ và có nhiều bẫy đưa ra. Đáp án chính xác phải là ý làm nổi bật được nội dung của toàn bài, chứ không chỉ xuất hiện đâu đó nhỏ lẻ ở các đoạn văn nhỏ. Để tìm được đúng chủ đề, học sinh nên làm câu hỏi này cuối cùng và cố gắng liên kết được mạch ý của cả bài.

3. Các câu tìm câu đồng nghĩa hay nối câu, tuy không phải là dạng khó, nhưng vì các phương án được viết tương đối giống nhau, và có nhiều chi tiết cần đọc cẩn thận. Nên nếu làm nhanh, ẩu và không phân tích đúng trọng tâm, học sinh cũng có thể dễ mất điểm.

4. Các câu hỏi về ngữ pháp; các câu hỏi về trọng âm, phát âm hay tình huống giao tiếp vốn là những câu dễ giành điểm, nhưng nếu không biết cách tiếp cận đúng, phân tích kĩ càng các yếu tố ảnh hưởng đến chỗ trống cần điền thì cũng dễ gây ra nhầm lẫn cho phần lựa chọn…

Cô Hương Fiona nhấn mạnh, thời gian tới kì thi chính thức không còn nhiều, do đó đây chính là lúc các em học sinh bắt buộc phải tăng tốc và về đích. Mỗi ngày, các em nên dành ít nhất 2-3 tiếng để học từ vựng, ôn ngữ pháp, làm đề và chữa đề. Khoảng thời gian sáng sớm rất thích hợp cho việc ôn từ vựng, và xem lại kiến thức trọng tâm. Bên cạnh đó, các em hãy tạo cho mình thói quen học tập nghiêm túc, tránh trường hợp vừa học vừa bị xao nhãng bởi các yếu tố khác, làm ảnh hưởng đến kết quả ôn luyện.

(Theo Báo điện tử Dân Trí).


Giới Thiệu STU