Đó là khẳng định của các chuyên gia tại chương trình tư vấn hướng nghiệp “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” lần 9 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Tất Thành sáng 22-10.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Tất Thành lắng nghe các chuyên gia tư vấn tại chương trình |
Nói về những điểm mới trong phương án thi THPT quốc gia 2017 của Bộ GD-ĐT, ông Trà Thanh Trung (Trưởng phòng ĐH, Ban Đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐHQG TP.HCM) cho biết: “Năm nay, các sở GD-ĐT tổ chức cụm thi chứ không phải là các trường ĐH. Đồng thời, trừ bài thi văn là tự luận thì các bài thi khác thí sinh phải làm trắc nghiệm”.
Đối với bài thi trắc nghiệm, ông Trung cho rằng: “Học sinh đã được làm quen với phương thức thi trắc nghiệm từ lớp 10, còn những bài thi thuộc tổ hợp môn như giáo dục công dân, lịch sử, địa lý thì chưa thực hiện. Tuy nhiên, dù kỹ thuật, phương thức thi thay đổi thế nào thì kiến thức nền tảng của các em cũng phải được trang bị vững vàng”.
Đồng tình với ý kiến này, ThS. tâm lý Đào Lê Hòa An chia sẻ: “Đề thi thay đổi bao nhiêu các em cũng không quyết định được, nếu đề thi khó thì cả nước khó chung, dễ thì dễ chung. Tuy nhiên, các em có thể quyết định được là ở tính cạnh tranh, nếu các em có phương pháp, có kỹ năng và năng lực học tập tốt thì sẽ làm tốt”.
Tại chương trình, nhiều học sinh còn quan tâm đến việc trang bị kinh nghiệm trước khi ra trường cũng như làm cách nào để ba mẹ đồng ý cho con theo đuổi đam mê.
Em Nguyễn Kim Ngân (lớp 12A11) hỏi: “Hiện sinh viên ra trường thất nghiệp rất nhiều, vậy em phải làm sao để khi ra trường có thể xin được việc làm vững chắc?”. Tương tự, em Hiếu Hân (lớp 12A7) cũng băn khoăn: “Hầu hết doanh nghiệp khi tuyển dụng đều yêu cầu người lao động phải có kinh nghiệm. Vậy sinh viên mới ra trường thì làm sao có kinh nghiệm được?”. Trả lời hai vấn đề trên, ông Phạm Doãn Nguyên (Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM) cho hay: “Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, hiện nhu cầu lao động trong nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ là 35%; kinh tế - tài chính - quản trị là 33%; dịch vụ và nhóm ngành khác là 32%. Tuy nhiên, nhu cầu nhân lực chưa phải là yếu tố quyết định đến việc làm của các em mà các em phải chọn ngành mình yêu thích, đúng với năng lực thì mới tích cực học tập và rèn luyện kỹ năng để có một công việc như mình mong muốn”.
Còn với việc trang bị kinh nghiệm trước khi ra trường, ông Nguyễn Thành Tâm (Giám đốc tuyển sinh Trường đào tạo Mỹ thuật đa phương tiện Arena Multimedia) khẳng định: “Hiện hầu hết các trường đều có bộ phận giới thiệu việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp. Đồng thời có mối quan hệ với doanh nghiệp để sinh viên vừa học, vừa cọ xát với việc làm tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, các em cần trang bị thêm kiến thức qua việc tìm hiểu, tăng cường tham gia các hoạt động bên ngoài nhà trường thì sẽ tích lũy được kinh nghiệm ngay khi còn ở trên ghế nhà trường”.
Trong khi nhiều học sinh băn khoăn về việc làm sau này thì em Ngọc Hân (lớp 12A4) lại lo lắng vì đến thời điểm này vẫn chưa thuyết phục được ba mẹ cho mình theo đuổi ngành nghề đam mê. “Em thích thể thao, đặc biệt là bóng chuyền nên khi tốt nghiệp THPT em muốn theo đuổi sự nghiệp này. Tuy nhiên, ba mẹ lại cấm tuyệt đối nên em thường phải… lén đi đánh bóng chuyền”, Ngọc Hân tâm tư.
Chia sẻ bí quyết thuyết phục ba mẹ đồng hành cùng con khi chọn ngành nghề, ThS. tâm lý Đào Lê Hòa An cho biết: “Các em phải dành thời gian để tìm hiểu ngành nghề, tìm hiểu càng kỹ mới có đầy đủ dữ liệu để thuyết phục ba mẹ. Trước hết, các em nên xem thông tin trên Google để có cái nhìn khái quát về ngành nghề mà mình muốn theo đuổi. Sau đó tận dụng tất cả các mối quan hệ, đặc biệt là tìm những người đang làm trong lĩnh vực mà mình yêu thích chia sẻ thêm. Đồng thời dành thời gian trải nghiệm để xem tố chất của mình có phù hợp với nghề yêu thích hay không…”.
Theo Báo Giáo Dục Online