Mã Trường

Mã Trường

Học - Thi -Tuyển sinh

Bí quyết ôn luyện môn Ngữ văn: Cách viết bài nghị luận xã hội

Cập nhật 19/04/2016 - 05:34:28 PM (GMT+7)

Để làm tốt câu hỏi dạng bài văn nghị luận xã hội, học sinh trước hết phải nắm được những vấn đề lí thuyết về văn nghị luận. Những kiến thức này đã có đầy đủ trong các bài học của sách giáo khoa, học sinh chỉ cần bỏ một chút thời gian để ôn luyện lại.

Nhà giáo Trần Hinh, khoa Văn học – Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội – ĐH QGHN hướng dẫn giúp thí sinh một số kiến thức chính cần phải nhớ ở dạng bài Nghị luận xã hội (phần 1):

Khái lược về văn nghị luận

“Nghị luận là một thể loại văn học đặc biệt, dùng lí lẽ, phán đoán, chứng cứ để bàn luận về một vấn đề nào đó (chính trị, xã hội, văn học nghệ thuật, triết học, đạo đức). Vấn đề được nêu ra như một câu hỏi cần giải đáp, làm sáng tỏ. Luận là bàn về đúng, sai, phải, trái, khẳng định điều này, bác bỏ điều kia, để người ta nhận ra chân lí, đồng tình với mình, chia sẻ quan điểm và niềm tin của mình. Sức mạnh của văn nghị luận là ở sự sâu sắc của tư tưởng, tình cảm, tính mạch lạc, chặt chẽ của suy nghĩ và trình bày, sự thuyết phục của lập luận. Vận dụng các thao tác như giải thích, phân tích, chứng minh, bác bỏ, so sánh…” (Sách giáo khoa Ngữ Văn 11, tập 2).

Nghị luận xã hội là những bài văn bàn về xã hội, chính trị, đời sống. Đề tài của dạng bài nghị luận xã hội cũng hết sức rộng mở. Nó gồm tất cả những vấn đề về tư tưởng, đạo lí, một lối sống đẹp, một hiện tượng tích cực hoặc tiêu cực trong cuộc sống hàng ngày, vấn đề thiên nhiên môi trường, vấn đề hội nhập, toàn cầu hoá…Nghĩa là, ngoài những tác phẩm nghị luận văn học (lấy tác phẩm văn học, nhà văn làm đối tượng), tất cả các dạng văn bản viết khác đều có khả năng được xếp vào dạng nghị luận xã hội, chính trị.

Các dạng câu hỏi

Do đây là loại câu hỏi bắt buộc trong chương trình thi, nhưng lại không có những bài học sẵn như nghị luận văn học, để làm tốt câu hỏi này, thí sinh cần phải nắm vững các vấn đề sau:

+ Phải biết phát huy mọi loại kiến thức, trong nhà trường cũng như trong cuộc sống để so sánh, phát triển, vận dụng vào bài viết sao cho phong phú, sâu sắc, đầy đủ, cô đúc nhất.

+ Phải chủ động, mạnh dạn trong khi viết bài, vì không giống với nghị luận văn học, nói chung người viết có thể dựa vào bài học có sẵn, hoặc được thầy cô giáo hướng dẫn, bài nghị luận xã hội hoàn toàn buộc người viết phải chủ động đề xuất chính kiến của mình, có thể đúng hay chưa đúng, được số đông chấp nhận hay không chấp nhận, miễn là nó thuyết phục được người đọc bằng những lí lẽ xác đáng.

+ Dạng câu hỏi nghị luận xã hội chỉ được cho tối đa 3 điểm, nên dung lượng bài viết cũng không nên quá dài. Trong yêu cầu cụ thể, đề thi có thể ghi rõ bài viết không vượt quá 600 từ, nghĩa là với khổ giấy thi được sử dụng chính thức như hiện nay, chỉ cần không quá 2 trang, viết ngắn quả là khó hơn viết dài, thí sinh cần phải chú ý thời gian để không bị phân tán tư tưởng, tránh ảnh hưởng đến phần bài làm khác. Để giúp học sinh làm quen với dạng đề thi này, chúng tôi xin dẫn dưới đây một số câu hỏi tiêu biểu (mặc dù với dạng đề thi này, ở trường, học sinh đã được dành thời gian và luyện tập nhiều).

Trước tiên, chúng ta phải làm quen với các dạng câu hỏi. Đây là một số ví dụ tiêu biểu:

1. “Như một thứ a xít vô hình, thói vô trách nhiệm ở mỗi cá nhân có thể ăn mòn cả một xã hội”. Từ ý kiến trên, hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ về tinh thần trách nhiệm và thói vô trách nhiệm của con người trong cuộc sống hiện nay (đề thi ĐH khối C, năm 2010)

2. “Đạo đức giả là một căn bệnh chết người luôn nấp sau bộ mặt hào nhoáng”. Từ ý kiến trên, hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ về sự nguy hại của đạo đức giả đối với cuộc sống con người (đề thi ĐH, khối D, năm 2010)

3. Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ về ý kiến sau: “Một người đã đánh mất niềm tin vào bản thân thì chắc chắn sẽ còn đánh mất thêm nhiều thứ quý giá khác nữa (đề thi ĐH, khối D, năm 2009)

4. Phải chăng “cái chết không phải là điều mất mát lớn nhất trong cuộc đời. Sự mất mát lớn nhất là bạn để cho tâm hồn tàn lụi ngay khi còn sống” (Norman Kusin). Hãy giải thích và bình luận ý kiến trên.

5. Anh/ Chị hãy bình luận ca từ sau đây trong một bản nhạc của Trịnh Công Sơn: “Sống trên đời cần có một tấm lòng/ Để làm gì em biết không?”.

6. Trong một lần trả lời con gái thế nào là hạnh phúc, Mác nói: “Hạnh phúc là đấu tranh”. Anh/chị hiểu câu nói trên như thế nào?

7. “Mọi lí thuyết đều màu xám, chỉ cây đời là mãi mãi xanh tươi” (Gớt). Anh/chị hiểu câu nói trên như thế nào”?

8. Anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về “bệnh vô cảm” trong xã hội hiện nay.

9. Viết bài tham gia cuộc vận động tìm giải pháp bảo đảm an toàn giao thông hiện nay.

10. Anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về bệnh thành tích – một căn bệnh gây tác hại không nhỏ đối với sự phát triển của xã hội ta hiện nay. Có thể so sánh liên hệ với trường và lớp anh/ chị đang theo học.

11. “Sách mở rộng trước mắt tôi những chân trời mới” (M. Gorki). Suy nghĩ của anh/chị về vấn đề trên.

12. Nhà văn Nga Lev Tolstoi nói “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”. Hãy nêu ý kiến của anh/chị về vấn đề trên.

13. “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình” (Tố Hữu). Dựa vào câu thơ trên, hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ riêng của anh/ chị..

Những câu hỏi nghị luận xã hội như đã nêu ở trên, khá rộng mở. Chúng ta không thể có cách học nào tốt hơn là rèn luyện thật nhiều kĩ năng đọc hiểu văn bản, phải nắm vững và làm chủ được nhiều loại kiến thức, và phải biết phát huy tính chủ động trong suy nghĩ của mình.

Trong hạn chế chương trình với dạng đề này, học sinh lại phải nắm được hai dạng chính đã được hạn chế:

+ Một là loại bài nghị luận về một tư tưởng đạo lí (chẳng hạn câu ca từ của Trịnh Công Sơn, câu trả lời của Mác với con gái, câu nói của Gớt về vai trò quan trọng của thực tiễn so với lí thuyết…)

+ Hai là loại bài nghị luận về một hiện tượng đời sống (về căn bệnh vô cảm, bệnh thành tích, về thói quen sinh hoạt hàng ngày, về thái độ thi cử thiếu trung thực…).

Cấu trúc của bài nghị luận

Một bài nghị luận xã hội dù dung lượng không dài cũng vẫn phải đảm bảo cấu trúc của một bài làm văn, nghĩa là vẫn phải có mở đầu, thân bài và kết luận. Phần mở bài cần phải nêu được vấn đề trọng tâm mà đề ra yêu cầu. Phần thân bài, phải triển khai tiếp các luận điểm đã được nêu ra ở phần một, và cuối cùng, phần kết luận, người viết phải đưa ra tổng kết của cá nhân mình về vấn đề đã nêu, đúng hay sai? Bài học nào được rút ra cho cá nhân người viết? Tóm lại, với một bài nghị luận xã hội, bố cục chung của bài làm nên lần lượt triển khai theo các bước sau đây:

• Ý 1: Nêu và giải thích ý kiến câu hỏi đề thi.

• Ý 2: Bàn luận mở rộng về ý kiến câu hỏi đề thi.

• Ý 3: Rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân và cho mọi người.

Để giúp các bạn có thể dễ dàng giải quyết các bài làm cụ thể của mình, chúng tôi xin dẫn ra dưới đây ví dụ cụ thể: một đáp án sơ lược, một đáp án chi tiết và một bài viết hoàn chỉnh.

Ví dụ 1. Trình bày suy nghĩ về ý kiến: Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn tạo nên thành tựu (đề thi ĐH, khối C, 2012).

Đáp án sơ lược

1. Giải thích ý kiến

– Kẻ cơ hội là người lợi dụng thời cơ để mưu cầu lợi ích trước mắt, bất kể việc làm đúng hay sai; người chân chính là người luôn biết sống đúng với thực chất và phù hợp với những giá trị xã hội; thành tích là những kết quả được đánh giá tốt; thành tựu là những thành quả có ý nghĩa lớn, thường chỉ đạt được sau một thời kì phấn đấu lâu dài.

– Về nội dung, đây là ý kiến chỉ ra sự đối lập về lối sống và cách hành xử trong công việc giữa loại người cơ hội và chân chính.

2. Bàn luận về ý kiến

* Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích

– Do thói vụ lợi, bất chấp đúng sai nên trong công việc, kẻ cơ hội không cầu kết quả tốt, mà chỉ cầu được đánh giá tốt. Kẻ nào càng vụ lợi thì lại càng nôn nóng có được thành tích. Bởi thế, loại người này thường chỉ tạo ra những thành tích giả.

– Về thực chất, cách hành xử ấy là lối sống giả dối khiến cho thật giả bất phân, làm băng hoại các giá trị về đạo đức; lối sống cơ hội này đã khiến bệnh thành tích lan tràn như hiện nay.

* Người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu

– Coi trọng chất lượng thật, kết quả thật là đức tính của người chân chính. Bởi thế loại người này thường kiên nhẫn trong mọi công việc để tạo nên những kết quả thực sự, những thành quả có ý nghĩa lớn. Đối với họ chỉ có những thành quả thực sự mới tạo nên giá trị thực của con người, dù có khi phải trả giá đắt.

– Về thực chất, cách hành xử ấy thuộc về lối sống chân thực, biểu hiện của những phẩm chất cao quý; giúp tạo nên những thành quả thực, những giá trị đích thực cho mình và cộng đồng, góp phần thúc đẩy xã hội tiến lên.

3. Bài học về nhận thức và hành động

– Cần nhận thức rõ đây là hai kiểu người đối lập nhau về nhân cách: một loại người tiêu cực thấp hèn cần phê phán, một mẫu người tích cực cao cả cần trân trọng.

– Cần noi theo lối sống của những người chân chính, luôn coi trọng những kết quả thật và kiên nhẫn phấn đấu để lập nên những thành tựu; đồng thời lên án lối sống cơ hội, nôn nóng chạy theo thành tích giả.

Thí sinh xem thêm ví dụ Tại đây

Nhà giáo Trần Hinh, khoa Văn học – Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội

(nguồn Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH QGHN)


Giới Thiệu STU