Mã Trường

Mã Trường

Hướng Nghiệp

Hồ Trung Dũng "bật mí" bí quyết học thi

Cập nhật 11/03/2014 - 09:13:29 AM (GMT+7)

 Những ai hâm mộ tiếng hát Hồ Trung Dũng hẳn đã biết anh là giảng viên Khoa tiếng Đức Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM).

Nhưng ít ai biết rằng chàng ca sĩ này ngày trước từng thi đậu ba trường đại học, á khoa thi tuyển vào Trường ĐH Văn Lang và chưa từng mơ làm ca sĩ.

Hãy nghe Hồ Trung Dũng chia sẻ về thời “nhất quỷ nhì ma” cùng bí quyết học ngoại ngữ của anh.

Khi học cấp II, Dũng theo học lớp chuyên toán và luôn mơ ước sẽ trở thành kiến trúc sư. Trong những giờ chuyển tiết, Dũng thường ngồi vẽ ra ngôi nhà mơ ước của mình.

Đến bây giờ, Dũng vẫn rất quan tâm về lĩnh vực thiết kế, thường xuyên đọc sách, tạp chí về kiến trúc, cách phối màu sắc.

Nhờ vậy, Dũng đã tự tay vẽ ra ngôi nhà riêng đầu tiên của Dũng. Sở thích này cũng rất có ích cho Dũng khi có thể cùng với êkip thực hiện khâu thiết kế cho các sản phẩm âm nhạc sau này.

"Phải lòng" tiếng Đức

Càng lớn, Dũng càng có thiên hướng thích các môn học về xã hội và nghệ thuật, đặc biệt là ngôn ngữ và âm nhạc. Vì vậy, khi lên cấp III, Dũng thi vào lớp chuyên Anh của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM) và được vào đội tuyển tiếng Anh và đội tuyển văn của trường.

Dũng học đều các môn, nhưng thích nhất vẫn là tiếng Anh, văn, hóa và sử. Cuối năm lớp 11, Dũng tình cờ có dịp tiếp xúc với tiếng Đức, và như một “duyên tiền định”, ngay lập tức Dũng đã “phải lòng” ngôn ngữ mà nhiều người cho là khô khan và nghe rất thô cứng này.

Dũng yêu tính logic trong tiếng Đức, không phải ngẫu nhiên mà tiếng Đức được xem như ngôn ngữ của triết học. Và cũng vì thế mà người Đức cũng nổi tiếng với khả năng tổ chức, sắp xếp và kỷ luật của họ.

Và ngay từ cuối năm lớp 11, Dũng đã quyết định sẽ thi vào Trường ĐH KHXH&NV để được học sâu hơn về tiếng Đức.

Lúc đó, mong muốn này của Dũng không được ba ủng hộ vì ông cho rằng ngành học này không có tương lai. Nhưng má của Dũng đã nói một câu mà đến giờ đã trở thành phương châm sống của anh: “Không quan trọng con học ngành gì, miễn là con học thật giỏi và học hết mình, má tin là chắc chắn con sẽ thành công”.

Ca sĩ Hồ Trung Dũng của hôm nay cũng khiến nhiều bạn bè thời phổ thông bất ngờ. Bởi lúc còn là học sinh phổ thông, Dũng chỉ đệm đàn keyboard cho các bạn trong lớp hát và… hát bè cho các bạn trong các kỳ thi văn nghệ trong trường chứ chưa bao giờ nghĩ rằng mình biết hát và càng không bao giờ hình dung được một ngày nào đó sẽ theo đuổi nghiệp ca hát.

Hơn nữa, trong quan niệm của mình, Dũng thích những cách hát tự nhiên, không trường lớp hơn, vì không quá thiên về xử lý kỹ thuật mà nhấn mạnh yếu tố cảm xúc.

Do đó, việc thi vào nhạc việc chưa bao giờ thoáng qua đầu Dũng. Vậy nên khi đăng ký thi đại học, Dũng đã chọn thi Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Văn Lang và Trường ĐH KHXH&NV. Tất cả đều là khoa tiếng Anh.

Dũng may mắn đậu cả ba trường. Và dù là á khoa tuyển sinh của Trường ĐH Văn Lang nhưng Dũng đã chọn ĐH KHXH&NV vì chỉ ở đó mới có khoa tiếng Đức.

Một kỷ niệm mà Dũng nhớ nhất chính là vào thời điểm đó khoa ngữ văn Đức vẫn chưa tuyển sinh trực tiếp, mà tuyển những thí sinh thi vào khoa ngữ văn Anh nhưng bị thiếu 0,5-1 điểm, có nghĩa là những sinh viên vào học khoa ngữ văn Đức là vì không đậu được khoa ngữ văn Anh, chỉ học khoa ngữ văn Đức một cách miễn cưỡng.

Dũng là trường hợp đầu tiên “làm chuyện ngược đời”, đậu vào khoa ngữ văn Anh nhưng cầm giấy nhập học lên phòng đào tạo xin được chuyển sang khoa ngữ văn Đức.

Lúc Dũng báo với gia đình mình đậu ba trường, ai cũng ngạc nhiên. Gia đình Dũng ai cũng nói chưa bao giờ thấy ai học thi mà… "thảnh thơi như thằng Dũng".

Sáng 9g mới thức dậy, ăn sáng, học được hai tiếng rồi nghỉ ăn trưa, xem phim đến 4-5g chiều mới học bài. Ăn tối xong lại coi tivi rồi học một tiếng trước khi đi ngủ. Chưa có đêm nào Dũng học bài quá 21g30.

Nhưng mọi người không biết rằng trước khi bắt đầu học bài thi thì Dũng đã tự soạn lại tất cả các câu trả lời theo cách riêng của mình, từ nội dung cho đến cách trình bày sao cho “hợp” với cách học của Dũng nhất, dễ nhớ và nhớ lâu nhất.

Đến thật tình cờ

 

Hồ Trung Dũng sẵn sàng chia sẻ với các bạn những bí quyết và kinh nghiệm học thi khác. Hãy gửi những thắc mắc, gút mắc, âu lo, thậm chí những kiến thức mà bạn còn mơ hồ về tiếng Anh và tiếng Đức về hộp thư Tuổi Trẻ(tuyensinh@tuoitre.vn), Hồ Trung Dũng sẽ có những tư vấn cho bạn.

 

Nghề giáo hay nghề hát đều đến với Dũng thật tình cờ nhưng chắc chắn để trụ lại với bất cứ nghề nào, Dũng cũng tập trung và nỗ lực rất nhiều.

Dũng nhớ khi đang học năm thứ ba đại học thì khoa ngỏ lời mời Dũng ở lại giảng dạy sau khi tốt nghiệp và sắp xếp cho đi dạy ở những lớp tiếng Đức cấp tốc do khoa tổ chức mà thông thường chỉ có giảng viên chính thức của khoa mới được đứng lớp.

Mỗi lần học viên hỏi tuổi, Dũng đều phải né tránh câu hỏi vì không muốn nói dối nhưng cũng không muốn cho biết là mình chỉ bằng tuổi… học viên nhỏ tuổi nhất lớp.

Suốt thới gian đó, Dũng tham gia nhóm bè Cadillac để nuôi giữ tình yêu văn nghệ, ca hát của mình. Sau khi đi dạy 5 năm - cũng là 5 năm tham gia nhóm bè Cadillac - thì niềm đam mê âm nhạc, niềm khát khao được thể hiện tự do một ca khúc, điều mà một ca sĩ hát bè không thể làm được, ngày càng lớn lên.

Hơn nữa, những gì Dũng học hỏi được từ năm năm hát bè cũng giúp Dũng tự tin hơn rất nhiều.

Vậy nên giữa năm 2009, Dũng quyết định tách ra hát solo và tạm ngừng công việc giảng dạy, không quan tâm nhiều đến việc tách ra solo khi đã 27 tuổi có quá trễ hay không, không quan tâm đến khả năng thành công có cao hay không, một phần vì Dũng là người không sợ mạo hiểm, một phần vì nghĩ rằng cho dù thất bại thì cũng không có gì phải hối tiếc.

Điều hối tiếc nhất sẽ là không dám thử sức mình với niềm đam mê lớn nhất cuộc đời.

Cho dù thất bại, Dũng vẫn có thể ngẩng cao đầu nói với mọi người - và quan trọng hơn với chính mình - rằng “Tôi đã dám làm những điều mình muốn”.

Bây giờ, khi việc đi hát đã vào guồng, Dũng đã quay trở lại trường giảng dạy với vai trò thỉnh giảng. Và đó là niềm vui, niềm vinh dự rất lớn của riêng Dũng.

Điều mà Dũng rút ra được từ con đường mình đã đi và cũng là điều mà Dũng luôn nhắn nhủ đến những sinh viên của mình chính là: Chúng ta không thể nào chọn được một công việc cho cả cuộc đời.

Chúng ta chỉ có thể biết được điều gì mình muốn thực hiện nhất tại một thời điểm nào đó. Đừng quá bận tâm đến việc công việc đó sẽ đi với chúng ta bao lâu hoặc nó sẽ mang lại lợi ích gì cho chúng ta. Hãy cứ làm nó bằng tất cả trái tim và sức lực của mình.

Những cánh cửa mới sẽ luôn luôn mở ra, và những gì chúng ta đã bỏ ra sẽ không bao giờ mất đi mà ngược lại chính là điều kiện (ngay cả khi chúng ta không ý thức được điều đó) và hành trang để chúng ta bước vào những cánh cửa mới đó.

 

 

Kinh nghiệm học ngoại ngữ của Hồ Trung Dũng

Gói gọn trong ba chữ: “HỌC CHỦ ĐỘNG”

Chủ động tiếp xúc, chủ động lắng nghe, chủ động sử dụng. Đây là những điều rất cần thiết nhưng vẫn chưa đủ, sự chủ động không dừng lại ở đó, mà còn:

Chủ động tìm hiểu cách học phù hợp nhất với bản thân

Chủ động lắng nghe, quan sát và học từ người khác

Chủ động tạo ra càng nhiều dịp buộc mình phải sử dụng ngoại ngữ càng tốt

Chủ động dùng những mẫu câu, từ ngữ khó hơn

Chủ động đặt ra các giả thiết và kiểm chứng nó

 

QUỲNH NGUYỄN

 

 

Giao lưu kinh nghiệm học tập cùng các ngôi sao trênhttp://tuoitre.vn/Tuyen-sinh

“Sao” học tập thế nào, sắp xếp thời gian ra sao, làm thế nào để vừa đảm bảo kết quả học tập vừa tham gia biểu diễn nghệ thuật…

Chuyên mục “Học cùng sao” trên chuyên trang tuyển sinh của Tuổi Trẻ Online(http://tuoitre.vn/Tuyen-sinh) sẽ là cầu nối để các bạn học sinh có thể giao lưu, chia sẻ cùng các ca sĩ, diễn viên về vấn đề học tập, cách theo đuổi và thực hiện ước mơ của mình.

Để giao lưu với ca sĩ, diễn viên mà mình yêu thích, các bạn hãy gửi mail về địa chỉ:tuyensinh@tuoitre.com.vn. Chúng tôi sẽ chuyển câu hỏi cũng như chia sẻ của các bạn đến ca sĩ, diễn viên mà bạn quan tâm. Những phản hồi, giao lưu của ca sĩ, diễn viên sẽ được chúng tôi cập nhật mỗi tuần một lần trên chuyên trang tuyển sinh, mục "Học cùng sao". 

Ở tuần đầu tiên, mời bạn đọc cùng giao lưu với ca sĩ Hồ Trung Dũng.

Bên cạnh đó, nếu có thắc mắc về vấn đề chọn ngành nghề, cần tư vấn về các ngành học cụ thể, điều kiện dự thi… các bạn cũng có thể gửi mail về địa chỉtuyensinh@tuoitre.com.vn.

Các thắc mắc sẽ được chúng tôi chuyển đến các thầy cô thành viên ban tư vấn và phần trả lời sẽ được cập nhật liên tục tại mục Tư vấn 24/7 trên chuyên trang tuyển sinh củaTuổi Trẻ Online.

Gửi câu hỏi giao lưu tại ĐÂY

TUỔI TRẺ


Giới Thiệu STU