Tờ Princeton Review mới đây đã tiến hành cuộc khảo sát về các ngành học bậc đại học và cho thấy sinh viên đại học ngày nay thường lựa chọn những chuyên ngành kinh doanh, tâm lý, giáo dục hơn là kiến trúc hay cơ khí. Sau đây là 10 chuyên ngành phổ biến nhất
1. Quản trị và Quản lý kinh doanh
Đây là nấc thang bước lên vị trí quản lý hay điều hành một công ty. Học viên được đào tạo nghiệp vụ kế toán, tài chính, thị trường, kinh tế học, nhân sự, học cách dự thảo ngân sách, tổ chức, lập kế hoạch, thuê nhân công, định hướng kinh doanh, kiểm soát và quản lý một cơ cấu tổ chức. Và cơ hội sẽ rộng mở hơn sau khi hoàn thành cấp học Thạc sỹ quản trị kinh doanh (MBA).
2. Tâm lý học
Tâm lý học nghiên cứu về cách con người và động vật giao tiếp phản ứng lại với môi trường, đặc biệt là hành vi và suy nghĩ tạo ra những phản ứng đó. Người học có thể khám phá rất nhiều điều về gia đình, bè bạn và môi trường xung quanh. Điểm hạn chế là kể cả sau khi đã tốt nghiệp đại học, học viên vẫn cần thêm 5-7 năm nghiên cứu và học lên tiến sỹ hoặc nhà tâm lý học trước khi có thể tự mình làm việc hiệu quả.
3. Giáo dục tiểu học
Chuyên ngành này cung cấp những hướng dẫn chung về các môn học cốt lõi như đọc, viết, khoa học thường thức, nghiên cứu xã hội và những cơ sở giáo dục về sức khoẻ và thể chất... Một số trường đại học yêu cầu học viên phải có một chuyên môn nhất định như ngôn ngữ, toán học trước khi tham gia khoá học.
4. Sinh học
Toàn bộ thế giới sống đều là trọng tâm của sinh học. Các lớp học về vi sinh vật, tế bào, gien, tiến hoá, thể chất và hoá học cơ bản giúp học viên trở thành bác sỹ thú y, nhà sinh thái học, nhà sinh hoá, nhà môi trường học…
5. Y tá
Một y tá đòi hỏi những tố chất đặc biệt, người giúp mọi người đáp ứng được những nhu cầu về chăm sóc sức khoẻ cơ bản, thích nghi với việc thay đổi thể chất, hồi phục sau khi bị bệnh và ra đi trong thanh thản.
6. Giáo dục
Mặc dù nghề giáo viên không có nhiều lợi lộc ngoài kỳ nghỉ hè, mức lương thấp nhưng các khoá đào tạo sư phạm mẫu giáo, tiểu học, trung học vẫn thu hút rất nhiều học viên. Ngoài công việc dạy học, học viên có thể lựa chọn cho mình nghề quản lý tại trường học.
7. Tiếng Anh
Đây là ngành học dành như những nghề nghiệp mang tính truyền thông như nhà văn, nhà báo, nhân viên quảng cáo hay quan hệ cộng đồng, giáo viên, đạo diễn phim, chính trị gia, diễn viên… Học viên luôn phải sẵn sàng đọc, nghĩ, viết, thảo luận và sau đó đọc nhiều hơn rất nhiều.
8. Truyền thông
Với chương trình truyền thông, học viên sẽ được lý giải làm thế nào một số thông điệp có thể tác động sâu sắc tới hành vi của một cá nhân hay nhóm người, phản ứng của họ trước những giá trị xã hội… Ngoài ra, học viên cũng sẽ học nhiều cách nói và viết khác nhau để truyền tải thông điệp tới người nghe, nghiên cứu những bài phát biểu vĩ đại, phong trào xã hội cấp tiến hay xu hướng phát triển của báo chí.
9. Khoa học máy tính
Ngành này nghiên cứu phương thức áp dụng công nghệ máy tính vào rất nhiều lĩnh vực. Ngoài ra các môn học còn giải quyết câu hỏi làm thế nào để phát triển những ứng dụng trong kinh doanh và trình bày phân tích về hệ thống cũng như thiết kế, lập trình và kiểm định phần mềm, ứng dụng robot, chương trình định dạng ngôn ngữ tự nhiên, ngôn ngữ lập trình và phân tích số hoá. Kiến thức thu được từ ngành khoa học máy tính liên quan trực tiếp tới thế giới thực và nghề nghiệp thực sự của bạn.
10. Khoa học chính trị
Ngành học này khám phá tất cả từ những đảng phái chính trị tới việc bầu cử, chính sách xã hội và các cuộc cách mạng trên toàn thế giới. Chuyên ngành này đòi hỏi học viên phải dành nhiều thời gian đọc, viết và phân tích thống kê. Rất nhiều trường yêu cầu học viên phải lựa chọn nội dung tập trung.