"Trong khi trên thế giới rất chú trọng đào tạo kỹ sư thực hành (kỹ sư nghề) thì với quyết định 37 đào tạo nghề nước ta chỉ dừng ở mức cao đẳng. Phải chăng trường nghề teo tóp vì học nghề ra trường chỉ có làm công nhân, con đường tiến thân của những “cử nhân nghề” cũng chỉ quanh quẩn trong nhà máy, xí nghiệp, mấy người trong số đó bước chân được vào các “phòng lạnh” để mà hoạch định phương hướng, chính sách...". TS Dương Xuân Thành đánh giá.
Trong thư gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2013 – 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Ngành Giáo dục cần đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, chương trình, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập; quan tâm phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đẩy mạnh thi đua “Dạy tốt - Học tốt” để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các cấp học”.
Ảnh minh họa |
Có thể thấy qua bức thư này của Chủ tịch nước, những định hướng cơ bản của chiến lược cải cách giáo dục (CCGD) Việt Nam là:
1- Công tác quản lý, chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo, hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả;
2- Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục;
3- Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các cấp học.
Vấn đề thứ ba liên quan đến “tất cả các cấp học” là vấn đề rộng, không chỉ bó hẹp trong phạm vi học sinh sinh viên mà còn liên quan đến nhận thức chung của toàn xã hội.
Chất lượng giáo dục phụ thuộc vào cả hai phía: đối tượng giáo dục và công cụ giáo dục.
Thứ nhất: đối tượng giáo dục. Có hai loại đối tượng giáo dục là đối tượng giáo dục tự nguyện và đối tượng giáo dục cưỡng bức. Bài viết này không đề cập đến loại đối tượng thứ hai.
Đối tượng của giáo dục tự nguyện gồm học sinh phổ thông, trung cấp, sinh viên cao đẳng, đại học (CĐ-ĐH) và những người có nguyện vọng nâng cao trình độ bản thân. Những người này “tự nguyện” tiếp nhận sự giáo dục nhằm đạt mục đích gì?
Trả lời câu hỏi này cần tìm hiểu truyền thống lịch sử. Người xưa dạy thế hệ trẻ “có chí làm quan, có gan làm giàu”, “một người làm quan, cả họ được nhờ”. Thi đỗ các kỳ thi Hương, thị Hội, thi Đình dù chưa biết có cống hiến gì cho dân, cho nước các ông Nghè, ông Cống đã được cả dòng họ, cả xã, cả tổng vinh danh.
Đỗ một cái là chắc một xuất quan huyện, quan tổng hoặc quan trong triều. Cho đến tận bây giờ, chuyện vinh quy bái tổ của các tân khoa vẫn còn được ca ngợi trong các loại hình nghệ thuật hiện đại và truyền thống. Mục đích học tập duy nhất, thậm chí là suốt đời của các sĩ tử là để đi thi, để được làm quan.
Ngày nay tâm lý thường trực từ trẻ em đến người lớn cũng vẫn là lo cho các kỳ thi: khởi đầu là thi vào lớp 1, rồi thi vào trung học phổ thông, thi đại học, thi công chức, viên chức, thi chuyên viên và cuối cùng là thi… làm quan.
Kỳ thi cuối cùng này nhiều người ngại nói ra, song ai cũng biết nếu không có tấm bằng mà kỳ thi này cung cấp thì chắc chắn không được bổ nhiệm vào chức vụ mong muốn!
Đương nhiên không thể vơ đũa cả nắm, vẫn còn những người xem việc học tập là để nâng cao năng lực làm việc, học để nắm bắt tri thức của nhân loại, vấn đề là họ không chiếm số đông. Minh chứng cho điều này có thể thấy rõ qua việc đào tạo trình độ đại học.
Những năm qua số lượng sinh viên theo học các ngành Kinh tế, Tài chính, Ngân hàng, Quản trị kinh doanh chiếm số lượng lớn. Dù biết rằng ra trường có thể không tìm được việc làm họ vẫn lao vào học, miễn là có tấm bằng đại học cho “yên tâm” sau đó làm việc gì không quan trọng. Ngay cả những người ở vào “bước đường cùng” là học sư phạm họ cũng thừa biết, như tiêu đề bài báo trên Vietnamnet: “Sinh viên sư phạm 'thất nghiệp đổ đi không hết', muốn xin được việc làm “Miền Bắc trên dưới 150 triệu. Miền Nam trên dưới 100 triêu!” [1].
Biểu hiện rõ nét nhất là những người học cao học, có lớp đào tạo thạc sĩ ở một trường ĐH NCL gần như toàn bộ học viên không đúng chuyên ngành, rõ ràng họ chỉ cần tấm bằng chứ không phải kiến thức, đơn giản vì những kiến thức mà họ tiếp thu trong qua trình học tập đó hoàn toàn không phục vụ cho công việc hiện tại.
Tấm bằng thạc sĩ chỉ có tác dụng như cây cầu để họ bước vào hàng ngũ quan chức. Thực trạng không còn chỉ là ở mức báo động mà đã thành thảm họa đến mức giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (ĐH New South Walel, Úc) nhận định: "Việt Nam có khoảng 24.000 tiến sĩ và 9.000 giáo sư – phó giáo sư nhưng 70% không làm nghiên cứu khoa học mà chỉ làm các chức vụ hành chính và quản lý” [2].
Số liệu chính xác được nêu trong một bài viết là trong số 9649 GS, PGS (tính đến đầu năm 2013) số người làm công tác đào tạo là 2295 người, chỉ chiếm 23.8%, 76.2% còn lại chỉ có một số ít làm việc trong các viện nghiên cứu [3].
TS. Nguyễn Khắc Hùng (nguyên Chuyên viên đối ngoại, Học viện Hành chính Quốc gia) thống kê cho thấy “các chức vụ tương đương từ Thứ trưởng trở lên có trình độ tiến sĩ ở Việt Nam nhiều gấp 5 lần Nhật Bản [4].
GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã phải nhận định: “ hiện nay chúng ta đang để trường nghề “teo tóp” đi nhiều, đó là một sai lầm” [5].
Ngay trong văn bản mới nhất, quyết định 37/2013/QĐ-TTg (QĐ37) điểm g, mục 3 “Nội dung Quy hoạch” cũng đã thể hiện phần nào quan điểm về đào tạo nghề. (g) Mạng lưới các trường đại học, cao đẳng bao gồm:
- Các đại học, trường đại học, học viện đào tạo theo định hướng nghiên cứu;
- Các đại học, trường đại học, học viện đào tạo theo định hướng ứng dụng;
- Các trường cao đẳng đào tạo theo định hướng nghề nghiệp.
Trong khi trên thế giới rất chú trọng đào tạo kỹ sư thực hành (kỹ sư nghề) thì với quyết định 37 đào tạo nghề nước ta chỉ dừng ở mức cao đẳng. Phải chăng trường nghề teo tóp vì học nghề ra trường chỉ có làm công nhân, con đường tiến thân của những “cử nhân nghề” cũng chỉ quanh quẩn trong nhà máy, xí nghiệp, mấy người trong số đó bước chân được vào các “phòng lạnh” để mà hoạch định phương hướng, chính sách.
Các nước liên minh châu Âu ký kết hiệp định Bologna về đào tạo đại học theo ba cấp Cử nhân – Thạc sĩ – Tiến sĩ, tuy nhiên các kỹ sư thực hành đào tạo 5 năm được đánh giá tương đương thạc sĩ. Không phải ngẫu nhiên mà ở Sec (Tiệp Khắc cũ) học vị kỹ sư (Ing.) được viết trước học vị tiến sĩ (DrSc.).
Nhận thức lệch lạc về mục tiêu học tập dẫn tới các thủ đoạn đối phó trong quá trình giáo dục “tự nguyện”. Trẻ con lười biếng, chậm tiếp thu thì cha mẹ lo tìm các lớp học thêm, phương án để có cuốn “học bạ đẹp” là chạy điểm.
Người lớn không có khả năng tiếp thu kiến thức thì đã có đội ngũ đệ tử “đóng thế”, cùng lắm thì mua bằng, kể cả mua bằng “rởm”. Ngay từ năm 2001 Bộ GD& ĐT đã tiến hành thanh tra bằng giả, kết quả sau 04 năm đã phát hiện khoảng... một vạn bằng giả [6].
Sử dụng bằng cấp giả có hai loại: bằng thật mà chất lượng giả và bằng “rởm” 100%. Từ năm 2005 đến nay Bộ GD&ĐT chưa có những cuộc thanh tra lớn về bằng giả, nhưng những gì mà đợt kiểm tra nêu trên cho thấy những người dùng bằng giả đã hình thành một đội ngũ đông đào hàng vạn người từ cấp phường, xã đến cấp tỉnh, bộ. Chính cái nhóm “lợi ích bằng rởm” này đã có tiếng nói không nhỏ trong việc “vận động hành lang” khiến cho đến tận bây giờ việc xử lý hình sự kẻ dùng bằng “rởm” vẫn dẫm chân tại chỗ.
Dung túng cho kẻ dùng bằng “rởm” chính là khuyến khích sự lười biếng, dối trá. Bằng rởm đẻ ra quan chức rởm, quan chức rởm đẻ ra tham nhũng thật đó là con đường tất yếu làm băng hoại xã hội. Cũng chính nạn bằng giả biến một xã hội học tập thành một xã hội “chổng ngược’ cả về đạo đức lẫn tâm thức. Chính nó là một trong những nguyên nhân khiến cho thế hệ trẻ, “tương lai của đất nước” thờ ơ với việc học tập.
Câu chuyện cô bé người Mỹ gốc Việt Diane Trần, bị tòa án phạt giam 24 giờ vì “nghỉ học nhiều ngày” mặc dù em là một học sinh giỏi và phải lao động cật lực giúp đỡ gia đình cho thấy nước Mỹ, nơi tự do cá nhân và quyền con người được triệt để tôn trọng, lười biếng, cụ thể là lười học bị xem là tội và có thể bị bỏ tù. Liệu đến bao giờ ngành giáo dục và pháp luật nước ta mới có chế tài đủ mạnh đối với nạn lười biếng của học sinh, sinh viên như hiện nay?
Còn nữa...
(Theo GDVN)