Ôn thi đại học là thời gian vất vả nhất đối với các bạn học sinh chuẩn bị "vượt vũ môn", ai cũng muốn có những kết quả tốt nhất nhưng đâu là phương pháp ôn thi đại học hiệu quả?
Phần lớn các bạn học sinh đều chịu áp lực rất lớn cho việc thi đại học với khối lượng kiến thức phải tiếp thu và nắm vững để có thể vượt qua kỳ thi đại học không hề nhỏ. Áp lực thi cử là một “vấn nạn” không chỉ học sinh mà cả các bậc phụ huynh, nhà trường cũng như toàn xã hội hết sức quan tâm, muốn đạt kết quả tốt các bạn phải khắc phục được áp lưc cũng như chuẩn bị tốt về các mặt tâm lý và thể chất.
Sau đây là các kinh nghiệm để các sỹ tử có thể chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi đại học sắp tới cả về mặt tâm lý, sức khỏe, kiến thức:
- 1. Sức khỏe:
-Ngủ ít nhất 6 tiếng 1 ngày:
Thông thường, chúng ta hay học tập, làm việc một cách tùy nghi và ít khi có kế hoạch quản lý thời gian. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu và thực tế cho thấy không có thời gian biểu hợp lý dễ dẫn đến tình trạng căng thẳng (stress), mất cân bằng trong cuộc sống và luôn có cảm giác không đủ thời gian. Vì vậy, càng đến gần ngày thi, các bạn học sinh phải đưa ra thời gian biểu rõ ràng, sắp xếp lịch học bài, nghỉ ngơi và giải trí phù hợp. Việc cho rằng cả ngày học bài sẽ ôn tập được nhiều kiến thức là sai lầm, vì não bộ của chúng ta cần có thời gian nghỉ ngơi.
-Thực phẩm là người bạn đồng hành tuyệt vời của các “cú đêm”. Hãy nhờ mẹ để trong tủ lạnh thật nhiều trái cây, rau xanh và cá. Bánh mì hay sô-cô-la cũng là những đồ ăn vặt giàu năng lượng để các bạn có sức “cày khuya”.
-Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Dân gian có câu “có thực mới vực được đạo” và điều này càng đúng hơn với những thí sinh chuẩn bị thi đại học. Để có sức khỏe tốt, thí sinh cần đảm bảo ăn đúng giờ, đủ bữa và đầy đủ dưỡng chất. Những dưỡng chất cần chú ý trong mùa thi là: nhóm Gluco có nhiều trong cơm, bánh mì, bún, gạo, khoai…; nhóm chất béo thiết yếu có trong cá basa, cá thu, cá trích và các loại quả hạt như bí đỏ, hướng dương; nhóm đạm có nhiều trong thịt, cá, trứng,..; nhóm vitamin và khoáng chất có nhiều trong rau xanh, hoa củ quả và nhóm sắt.
-Không bao giờ dùng đến loại thuốc lá, các thuốc kích thích để làm tỉnh táo, nhưng có thể sử dụng cafe hoặc nước trà. Tuy nhiên, bạn cũng không nên lạm dụng chúng thái quá, nhất là không nên thường xuyên sử dụng.
-Nên vận động
Vận động không có nghĩa là bạn phải dành 1 tiếng hoặc 45 phút để ra sân vận động hoặc tập thể dục. Bất cứ động tác nào khiến tay chân bạn phải vận động đều có lợi cho sức khoẻ của bạn, thậm chí còn giúp bạn giảm stress để ôn thị đại học hiệu quả.
-Tránh ô nhiễm
Tránh xa những căn phòng có khói thuốc, những khu vực giao thông đông đúc. Tránh tập thể dục gần những khu vực giao thông đông đúc. Bạn có thể tập thể dục trong nhà nếu chất lượng không khí tốt.
- 2. Tâm lý:
Các bạn phải chuẩn bị tâm lý thoải mái, tự tin cho mình trước kỳ thi đại học. Với những bạn thí sinh lần đầu bước vào kỳ thi quan trọng như đại học thường cảm thấy áp lực, không tự tin khi nghĩ đến tương lai phụ thuộc vào 03 giờ làm bài. Rất nhiều bạn rơi vào tình trạng lo lắng, run rẩy.
Để tránh tình trạng cơ thể rơi vào trạng thái mỏi mệt hoặc căng thẳng quá mức, thí sinh phải có kế hoạch nghỉ ngơi, giải trí hợp lý. Đôi khi cũng cần phá lệ, hội họp bạn bè hay đi chơi cùng gia đình sẽ giúp bạn giải phóng bộ não khỏi sự tù túng. Trong quá trình học, các bài tập thể dục tại chỗ nhẹ nhàng cũng giảm bớt sức ép thi cử đối với tâm lý của bạn. Đại học — bước ngoặt của cuộc đời. Điều đó thật quan trọng nhưng nó cũng chỉ là một kỳ thi, nếu chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng, cố gắng hết mức thì hãy tự tin vào chính mình
- 3. Kiến thức:
-Chú ý đến những kiến thức cơ bản nhất: Các bạn khi ôn thi đại học không nên chỉ vùi đầu vào các kiến thức cao siêu khi mà kiến thức cơ bản mình chưa thực sự nắm chắc, hãy chú đến quyển sách giáo khoa ngay bên cạnh bạn.
-Chọn ra phương pháp học khiến bạn phát huy tối đa năng lực của mình. Đừng cố tự học nếu bạn vốn lười nhác, thụ động. Trong trường hợp này, lò luyện và các nhóm ôn thi là một lựa chọn thông minh để bạn có động lực tích kiến thức. Ngược lại, nếu sở hữu khả năng tập trung và tự học tuyệt vời thì bạn đừng đua theo phong trào, phung phí thời gian và tiền bạc vào những lớp học thêm chật chội.
-Ôn thi đến đâu chắc đến đó: Phần nào, bài tập nào sức mình làm được thì ôn thật kĩ, để khi đi thi chắc chắn sẽ có điểm. Có ôn như vậy, khi đi thi sẽ giúp “sỹ tử” cảm thấy tự tin và khi thi xong cũng không lo lắng sai phần này hoặc phần kia.
-Học cách tập trung: Gạt bỏ những suy nghĩ lung tung đi bằng cách chỉ nghĩ đến bài cần học và phải ý thức được tầm quan trọng của bài học. Khi bạn biết lo lắng cho bài vở, cho trình độ học của mình, bạn ắt sẽ tập trung học được.
Tìm một chỗ tuyệt đối yên tĩnh. Tránh xa cái ĐTDĐ và cả điện thoại bàn ra. Treo một cái bảng gì đó tựa như “Không làm phiền” hay đại loại như thế. Nếu bạn muốn nghe nhạc, OK thôi, nhưng đừng nghe nếu như nó sẽ làm bạn xao lãng việc học
-Duy trì việc học vào mỗi buổi sáng, chiều và tối đừng quá dày đặc và không nên cắt ngang buổi học đó. Ví dụ buổi sáng học 2 tiếng, buổi chiều học 2 tiếng, buổi tối học 2 tiếng, trong khi học nên tập trung, tất nhiên nên có thời gian nghỉ ngơi giữa buổi học từ 5 - 10 phút.
-Nên chọn và phân bổ thời gian ôn thi hợp lý nhằm giúp quá trình tự ôn thi đạt hiệu quả cao và làm cho trí óc bớt căng thẳng. Nếu bạn thi khối A hãy phân bố thời gian ôn thi cho cả 3 môn toán, lý, hóa cho hợp lý, vì đạt điểm khá 3 môn không khó bằng việc 1 môn đạt điểm giỏi trong khi 2 môn kia lại đạt điểm trung bình.
-Ghi những kiến thức mà bạn hay nhầm lẫn vào 1 mảnh giấy, bỏ vào 1 hộp. Nhớ là tổng hợp hết tất cả các môn học nhé. Mỗi lần đi qua lấy 1 tờ rồi mở ra xem và trả lời. Như vậy sẽ giúp bạn nhớ đều và có thể trả lời khi bất ngờ đối diện với kiến thức.
-Không cần thiết phải học nhóm: Khi học nhóm bạn có thể dễ dàng phát hiện ra một số điều mà bạn đã nhầm lẫn từ lâu. Khi thảo luận sẽ làm người ta nhớ lâu nhưng học nhóm cũng có thể dẫn tới tình trang không tập trung, bạn nên nhìn nhận đánh giá để sao cho có hiệu quả nhất.
-Luyện thi với các cấu trúc dạng để năm trước để biết khả năng của mình đến đâu. Ngoài ra mình cũng ủng hộ các bạn việc thi thử tại các trung tâm uy tín.
-Học những môn khó vào giờ mà bạn thấy mình minh mẫn nhất, và ngược lại. Đa số học sinh đều học những môn khó vào buổi tối, khi họ mệt mỏi sau một ngày dài, và thế là họ càng khó tập trung học hơn. Hãy đi ngược lại thói quen đó.
- 4. Kinh nghiệm thi trắc nghiệm:
-Khi nhận phiếu trả lời trắc nghiệm phải khai báo đầy đủ thông tin trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Để khai báo đầy đủ, bên cạnh sự hướng dẫn của cán bộ coi thi, học sinh phải đọc kỹ từng mục (cụ thể 10 mục), mục nào cần ghi bằng bút mực, mục nào ghi bằng bút chì.
-Làm các câu lí thuyết trước rồi mới làm các câu bài tập, câu dễ làm trước, câu khó làm sau (nhớ coi chừng bỏ sót). Một bài thi trắc nghiệm tuyển sinh ĐH, CĐ có 70 - 100 câu. Thời gian làm bài là 90 phút. Như vậy, thí sinh có khoảng chưa đầy một phút để trả lời một câu hỏi.
-Sắp hết giờ, mà bài vẫn chưa xong, để có cơ hội giành điểm cao nhất, nhất thiết học sinh phải tô các phương án trả lời theo phương châm: Thà tô nhầm còn hơn bỏ sót. Không nên để trống một câu nào.
-Nên mua các loại bút chì đen mềm từ 2B đến 6B ( nhớ gọt sẵn vài cây để dự trữ) để làm bài thi. Không nên gọt đầu bút chì quá nhọn, mà nên dẹt, phẳng để nhanh chóng tô đen các ô trả lời. Ngoài 10 mục cần ghi trên phiếu bằng bút mực và tô các câu trả lời bằng bút chì, bài thi phải viết rõ ràng, tuyệt đối không viết gì thêm hoặc để lại dấu hiệu riêng trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Bài thi có dấu riêng sẽ bị phạm vi và không được chấm điểm.
Bài viết trên tôi đã tổng hợp các kinh nghiệm ôn thi đại hoc cho các bạn chuẩn bị "vượt vũ môn". Chúc các bạn thành công!