Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết như vậy tại cuộc họp báo về kết quả buổi làm việc giữa Bộ GD-ĐT với Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, chiều 5/3.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, tại cuộc họp, các ý kiến đã trao đổi thẳng thắn để tìm hướng tháo gỡ khó khăn mà các trường ngoài công lập (NCL) đang gặp phải. Theo đó, tập trung vào 2 vấn đề lớn là hỗ trợ như thế nào để các trường tuyển được sinh viên, đạt chỉ tiêu và cơ chế chính sách giúp các trường phát triển, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế đất đai, thuế, đầu tư, cơ sở hạ tầng…
Về vấn đề tuyển sinh, Hiệp hội đề xuất sát nhập 2 kỳ thi tốt nghiệp và đại học vào một. Bộ chỉ cần tổ chức tốt thi tốt nghiệp, các trường nghiêm túc thực hiện xét tuyển vào đại học vì 2 kỳ thi cách nhau 1 tháng rất tốn kém cho xã hội. Ngoài ra, nhiều trường NCL muốn Bộ giao cho các trường tuyển sinh riêng hoặc bộ bỏ điểm sàn, giao cho các trường tự xây dựng điểm sàn.
Cân nhắc kỹ lưỡng nếu muốn tuyển sinh riêng!
Thưa Thứ trưởng, trước kiến nghị về tuyển sinh riêng của các trường NCL như vậy, Bộ giải quyết thế nào?
Thực hiện nguyên tắc của Luật Giáo dục Đại học, Bộ ủng hộ các trường xây dựng phương án tuyển sinh riêng: thi, xét tuyển hoặc kết hợp thi tuyển và xét tuyển.
Nếu muốn thực hiện ngay, Hiệp hội phải gấp rút xây dựng đề án tuyển sinh báo cáo Bộ xem xét. Nếu đề án tốt Bộ cho phép tiến hành tuyển sinh ngay trong năm nay. Nhưng với xét tuyển kết quả phổ thông vào đại học cần lưu ý, hiện nay bộ mới đồng ý cho các trường khối nghệ thuật thi 2 môn năng khiếu và điều kiện, xã hội chưa thực sự đồng tình, có nhiều ý kiến cho rằng như vậy chất lượng không tốt.
Bộ có tiêu chí nào để các trường NCL tuyển sinh riêng?
Hiện nay tiêu chí để các trường tuyển sinh riêng thì Bộ chưa có tiêu chí cụ thể nhưng mà yêu cầu về tuyển sinh riêng thì Bộ đã đề cập đến rồi khi giao cho các trường trọng điểm và 2 Đại học Quốc gia tiến hành xây dựng đề án. Theo đó, đề án phải đảm bảo các yêu cầu đảm bảo: công bằng, không phát sinh khó khăn, căng thẳng mới cho xã hội, không để tái diễn tình trạng luyện thi và có cơ chế để xã hội kiểm tra, giám sát. Nếu xây dựng phương án chỉ xét tuyển thì phải chứng minh được xét tuyển tốt hơn thi tuyển… Phải chứng minh khi dùng phương án tuyển sinh khác chất lượng không suy giảm.
Năm nay, Bộ đồng ý cho 10 trường nghệ thuật tuyển sinh riêng nhưng đó đều là những trường đặc thù. Còn các trường NCL thì không đào tạo các ngành học đặc thù, nếu các trường NCL tuyển sinh riêng, Bộ có lo rằng sẽ có sự phân biệt bằng cấp và Bộ có khuyến cáo gì?
Bộ khuyến cáo các trường ngoài công lập khi xây dựng phương án tuyển sinh riêng hết sức cân nhắc. Vì phương án tuyển sinh riêng dễ dãi thì chỉ được lợi được một vài năm, sau đó hậu quả rất lớn. Người đào tạo ra không được xã hội chấp nhận thì sẽ ảnh hưởng lâu dài. Khó khăn này sẽ lặp lại và xử lí vấn đề tiếp theo sẽ càng khó khăn hơn gấp bội so với vấn đề hiện nay.
Việc có phương án tuyển sinh riêng chỉ xét tuyển mà không qua thi tuyển, đi theo một chiều hướng khác, đầu vào khác với phương án ba chung. Như vậy, xã hội ngay lập tức sẽ nhìn nhận vào chất lượng đầu vào và đầu ra sẽ không được như ba chung. Nhưng luật Giáo dục không cấm việc này. Cho nên, nếu các trường có phương án cụ thể, Bộ thấy hợp lí sẽ cho triển khai. Trong điều kiện hiện nay, nếu để các trường xét tuyển cả ba môn ở phổ thông sẽ được cân nhắc kĩ lưỡng trước khi có quyết định để tránh thiệt thòi cho các thí sinh về sau.
Ngăn chặn hạ điểm trúng tuyển!
Nhiều trường công lập cho rằng nguyên nhân các trường ngoài công lập không tuyển được sinh viên là do các trường công lập tuyển vét cả thí sinh điểm sàn. Năm nay bộ có biện pháp gì để giải quyết tình trạng này?
Hiệp hội có đề nghị sẽ có nhiều mức điểm sàn khác nhau, trường công lập có thể lấy điểm cao hơn trường NCL. Nhưng quan điểm của Bộ, khi chưa có nghị định phân tầng đại học theo tinh thần của Luật Giáo dục đại học thì chưa có cơ sở buộc các trường đại học lấy điểm tuyển sinh bao nhiêu cho vừa. Hiện Bộ đang xây dựng nghị định phân tầng và xếp hạng đại học. Khi đó sẽ có cơ chế để các trường muốn ở hạng cao thì có điểm đầu vào phải cao.
Nhưng tôi cho rằng hiện nay các trường công lập muốn bảo vệ uy tín không muốn lấy điểm thấp xuống. Chỉ có một số trường, ngành khó tuyển mới lấy mức bằng điểm sàn. Năm 2013, để tránh tình trạng các trường tăng quy mô lấy điểm trúng tuyển bằng điểm sàn, quy chế tuyển sinh đã quy định không cho tuyển nguyện vọng sau thấp hơn nguyện vọng trước. Cách xử lý này để ngăn chặn các trường công lập liên tục hạ điểm trúng tuyển khiến các trường NCL gặp khó khăn như năm vừa qua.
Về phía Bộ, trong Hội nghị tuyển sinh vừa qua có phản ánh của các trường nguồn tuyển không đủ. Mặc dù Bộ đã tính toán điểm sàn dôi dư lớn, nhưng sự dịch chuyển của thí sinh không tính toán được chính xác nên các trường khó khăn. Bộ đã thấy, và sẽ xây dựng điểm sàn làm sao các trường đủ nguồn tuyển.
Hiến kế xây dựng điểm sàn
Thưa Thứ trưởng, điểm sàn năm 2013 sẽ được xác định như thế nào?
Điểm sàn dựa trên hai thông số. Thứ nhất, điểm sàn là ngưỡng tối thiểu để thí sinh vào được cao đẳng và số lượng này nhiều hay ít là phụ thuộc vào chất lượng của thí sinh thi năm ấy. Thứ hai là chỉ tiêu. Hai cái đó phải tự cân đối nhưng tiêu chí chất lượng phải đặt lên đầu tiên.
Bộ căn cứ vào kết quả thi của thí sinh qua phổ điểm môn, trên đó mới phân tích và tổng hợp. Có nhiều cách tính điểm sàn khác nhau nhưng hiện nay đang trong quá trình lấy rộng rãi ý kiến góp ý vế lấy điểm sàn mới năm nay. Bộ sẽ lựa những phương án hay nhất áp dụng cho năm nay. Sẽ có thay đổi chứ không cứng nhắc như các năm trước.
Hiện, Bộ đang trong tiến trình nghiên cứu mức điểm sàn hợp lý. Báo Giáo dục thời đại và báo Dân trí đã mở diễn đàn hiến kế điểm sàn.
Nếu phương án đề xuất của các trường ngoài công lập không được chấp thuận sẽ có nhiều trường ngoài công lập tan rã, Bộ có cứu các trường này không?
Nguyên tắc là phải đảm bảo chất lượng, không vì bất cứ lí do gì mà hy sinh chất lượng. Không vì khó khăn trong tuyển sinh của các trường ngoài công lập mà giảm chất lượng toàn hệ thống. Chất lượng là vấn đề ưu tiên số 1 cho nên việc sắp tới tính điểm sàn chất lượng vẫn là cái được tính tới đầu tiên. Các trường ngoài công lập muốn phát triển phải tự nâng cao uy tín, thu hút được thí sinh. Không thể để một vài trường không tuyển sinh được mà ảnh hưởng tới điều này.
Tổng số thí sinh dự thi ĐH, CĐ hàng năm là khoảng 1,2 triệu em, trong đó có 900.000 thí sinh là học học mới tốt nghiệp THPT và 300 nghìn thí sinh là thi lại hoặc vãng lai. Trong khi đó chỉ tiêu tuyển mới ĐH, CĐ là 550.000, còn lại trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp. Thay đổi cách tính điểm, phương án tuyển sinh mới… để giúp các trường có thêm nguồn tuyển chỉ là biện pháp trước mắt. Để có thể thu hút được sinh viên về lâu dài các trường NCL chỉ còn cách nâng cao uy tín, chất lượng đào tạo.