Năm vừa qua là năm các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) trên cả nước tuyển sinh khó khăn và đạt tỷ lệ thấp so với các năm trước. Và dự báo năm 2013 việc tuyển sinh của các trường này sẽ còn khó khăn hơn.
Nhân Buổi họp Bàn về Công tác Giáo dục chuyên nghiệp trên địa bàn TP.HCM năm 2013 tại Trường CĐ Phú Lâm (TP.HCM) ngày 28.2 do Bộ GD-ĐT tổ chức, ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), đã có những nhận xét về tình hình tuyển sinh trong năm 2013.
Theo ông Hoàng Ngọc Vinh, việc tuyển sinh của các trường TCCN trong năm 2013 sẽ gặp nhiều thách thức và chắc chắn sẽ giảm số lượng thí sinh, một phần vì quy mô, số lượng học sinh THPT đang có chiều hướng giảm.
Theo số liệu tuyển sinh năm 2012, số lượng thí sinh chọn học TCCN ở TP.HCM đã giảm hơn 6.000 thí sinh so với mọi năm.
Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết các năm trước số thí sinh tuyển vào hệ này đều tăng từ vài ngàn, những năm gần đây tăng khoảng vài trăm, nhưng năm vừa qua lại giảm quá mạnh.
Số liệu thống kê cả nước cho thấy hằng năm hệ này tuyển được hơn 330.000 thí sinh thì năm 2012 các trường chỉ tuyển được khoảng 60% so với các năm trước.
Giờ học thực hành của học viên Trường CĐ Phú Lâm
Nguyên nhân dẫn đến việc tuyển sinh hệ TCCN khó khăn được các đại biểu lý giải là do tổng cung vượt cầu, số học sinh THPT đang giảm dần, trường ĐH, CĐ được thành lập nhiều đã thu hút học sinh…
Ông Lương Quang Ngọc, Hiệu trưởng Trường trung cấp Bến Thành, cho rằng với thông tư 55 quy định về điều kiện liên thông phải có 36 tháng làm việc hoặc phải thi ĐH, CĐ các môn văn hóa chung với học sinh phổ thông, sẽ khiến việc tuyển sinh hệ TCCN năm 2013 cực kỳ khó khăn khi liên thông bị siết chặt.
“Đây cũng là nguyên nhân chặn lại việc tuyển sinh vào hệ trung cấp. Tôi phải nói rằng các trường TCCN đang có xu hướng cầm cự để tồn tại”, ông Ngọc cho biết.
Trả lời về vấn đề này, ông Vinh cho rằng mục tiêu của giáo dục là phục vụ xã hội chứ không phải bằng cấp. Việc quy định học viên tốt nghiệp trung cấp phải có 36 tháng đi làm để các em có đủ thời gian trải nghiệm cuộc sống, có thêm kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn.
“Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT không khuyến khích số lượng lớn học sinh ồ ạt vào học đại học”, ông Vinh nhấn mạnh.
Ông Vinh cho rằng việc các trường TCCN khó tuyển sinh là điều ông đã cảnh báo vì xu hướng học sinh lựa chọn học hệ TCCN ở các địa phương thay vì thành phố. Điều các trường có thể làm bây giờ là linh động tuyển sinh và khẳng định bằng chất lượng của mình.
Triển khai dạy tiếng Anh tăng cường ở 3 ngành trọng điểm |
(Theo Báo Thanh Niên)