Mã Trường

Mã Trường
photo-202

Tin Tức Các Báo

Hội nhập giáo dục Việt Nam – Hàn Quốc: còn nhiều thách thức!

Cập nhật 20/03/2014 - 05:33:58 PM (GMT+7)

“Nếu người lao động Việt Nam không được trang bị cho mình những bằng cấp có tính cạnh tranh cao, được công nhận trên toàn toàn thế giới, hoặc chí ít – trong khu vực, chúng ta sẽ bị thua ngay trên sân nhà – đó là điều ai cũng hiểu và trở nên quá cấp thiết đối với các trường nghề cũng như ĐH của Việt Nam.”

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc (1994 – 2012), tôi vinh dự được tham gia đoàn doanh nghiệp tháp tùng hai đoàn cấp cao của Chính Phủ Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu và đoàn của Nhà nước do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức đất nước tươi đẹp này.

Khi đó, có hơn 120.000 người Việt Nam đang sinh sống tại Hàn Quốc và ngược lại có hơn 150.000 người Hàn Quốc đang sinh sống và kinh doanh tại Việt Nam. Hàn Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn thứ hai tại Việt Nam, họ đã đưa vào Việt Nam rất nhiều các dự án đầu tư lớn và hai nước đã trở thành đối tác chiến lược về kinh tế.

Tôi được dặn: cố gắng để đưa sự hợp tác giữa hai nước trong giáo dục đi kịp với sự hợp tác về kinh tế. Trước khi đoàn sang, tôi đã tới thăm một số trường đại học (ĐH) và cao đẳng (CĐ) nghề tại nơi đây để bàn về cơ hội hợp tác với Việt Nam. Lúc đó các trường đều mong muốn có một sự hợp tác nào đó cụ thể, thiết thực với Việt Nam. Đặc biệt sau những thông tin trên báo chí về việc có một người con rơi của một người lính Hàn Quốc trong chiến tranh tại Việt Nam đã gom góp tiền đi sang Hàn Quốc để tìm cha và cuối cùng đã tìm thấy người cha già. Câu chuyện đã lay động biết bao trái tim người dân Hàn Quốc phải khóc. Khi gặp tôi, mấy thầy hiệu trưởng đều ngỏ ý nhờ tôi tìm kiếm ở Việt Nam có còn người con lai nào đang gặp khó khăn, họ sẵn sàng tài trợ để họ có cơ may được học hành và thay đổi cuộc đời.

Với một xứ mệnh day dứt, một mối quan hệ nhạy cảm giữa hai nước, tôi trăn trở và tìm cách …

Tìm kiếm hợp tác giáo dục

Trường đại học Seo Kyeong (SKU) – ngôi trường nằm ngay trung tâm Soeul – một ngôi trường rất hiện đại với nhiều khoa giảng dạy đứng đầu Hàn Quốc về lĩnh vực: công nghệ, truyền thông, du lịch, làm đẹp, nghệ thuật, đào tạo ngôi sao… Trường có 4 tầng nhà thư viện được trang bị hệ thống máy tính Apple để học sinh có thể đăng ký lấy sách hoặc đọc trên mạng tất cả các đầu sách, một sân trượt băng giữa khu trường, nằm trên đỉnh núi quả là một ấn tượng khó phai.

Ông hiệu trưởng của trường SKU nguyên là Phó thủ tướng của Hàn Quốc khi biết tin Thủ tướng Việt Nam sang thăm đã ngỏ ý xin tặng bằng tiến sỹ danh dự cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì những đóng góp cho sự hợp tác kinh tế hiệu quả giữa hai nước trong thời gian qua. Nhà trường đã kỳ công chuẩn bị cho việc này – may một bộ áo choàng, mũ vừa đúng vòng đầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để nhận học vị này. Đáng tiếc là chương trình của đoàn chính phủ quá dầy đặc các cuộc gặp gỡ với các tập đoàn lớn nên chương trình này đành tạm hoãn. Tuy nhiên họ cũng ngỏ ý trao tặng học bổng (HB) toàn phần cho học sinh Việt Nam. Sau khi tham vấn ý kiến của Thủ tướng, tôi đã xin trường mấy xuất HB chuyên nghành Nano học – một trong những thế mạnh của Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghệ.

Sau việc ký kết trao HB và hợp tác chặt chẽ với Việt Nam của một số trường ĐH Hàn Quốc trước sự chứng kiến của Thủ tướng và một số trường CĐ nghề trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước, các trường Hàn Quốc đã liên tiếp cử đoàn sang thăm các trường Việt Nam để tiến hành hợp tác sâu rộng trên rât nhiều lĩnh vực đào tạo.

Đặc biệt sau khi chính quyền của nữ Tổng thống Park Geun Hye lên, bà đã cho phép và khuyến khích các trường của Hàn Quốc xuất khẩu giáo dục – đưa các chương trình giảng dạy của Hàn Quốc ra nước ngoài, để hỗ trợ cho các ngành khác.

Trong chuyến công tác chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của bà sang Việt Nam vào tháng 8.2013, phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tham dự lễ ký kết giữa Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội và CĐ nghề TP.HCM với Trường ĐH An San chuyên ngành sửa chữa Ô tô; Trường ĐH Samhuk với Trường CĐ nghề công nghệ cao HN chuyên ngành Làm đẹp (beauty arts). Sau lễ ký kết, Trường ĐH An San cam kết sẽ gửi cho hai trường nghề nói trên hai chiếc xe mới tinh của hãng xe HyunDai để phục vụ cho việc giảng dạy đồng thời cử chuyên gia số một của họ – người chuyên đào tạo thành viên của đội tay nghề cao Hàn Quốc tham gia Olympic tay nghề thế giới sang Việt Nam để tổ chức lớp đào tạo cho 22 giáo viên của trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội.

Chỉ trong vòng hơn một năm, các trường ĐH và CĐ nghề của Hàn Quốc đã tìm ra được các đối tác của mình tại Việt Nam. Với sự hợp tác chặt chẽ của Tổng cục Dạy nghề Việt Nam, phía Hàn Quốc đã triển khai một số ngành nghề ưu tiên phát triển tại Việt Nam đồng thời cũng là thế mạnh của Hàn Quốc như: cơ khí, du lịch, điện, điện tử, sửa chữa ô tô, làm đẹp… Nhờ có chi phí rất hợp lý của các khóa này mà hầu hết các trường tham gia đều có mong muốn được kết hợp thêm nhiều lĩnh vực nữa, có những trường có 19 ngành nghề đào tạo thì đều muốn liên kết với Hàn Quốc cả 19 ngành, nhằm mau chóng theo kịp các chương trình giảng dạy của họ với thời đại.

Kể sơ qua đây, để thấy sự hợp tác giữa giáo dục hai nước đã rất phong phú và đa dạng: Trường ĐH Công nghệ TP.HCM – Hutech liên kết với trường ĐH SKU về một số lĩnh vực: quản trị kinh doanh, máy tính, điện, điện dân dụng, kiến trúc, cơ khí …; Trường ĐH Công nghệ Sài gòn –STU, Học viện Phụ nữ, CĐ nghề công nghệ cao HN hợp tác về chuyên ngành Beauty Arts ( nghệ thuật làm đẹp); Trường ĐH Công nghiệp HN hợp tác nghành thiết kế thời trang; Trường CĐ nghề Công nghiệp HN và CĐ nghề CN TP HCM liên doanh ngành sửa chữa ô tô; … ngoài ra còn rât nhiều  trường khác như ĐH FPT, ĐH Duy Tân, CĐ nghề CN Phúc yên, ….

Lễ ký kết hợp tác giữa hai trường ĐH Công nghiệp HN và ĐH SKU. Ảnh TL

Biết bao ngành nghề đào tạo tại Việt Nam đang phải hội nhập và cần cấp bách có được bằng cấp công nhận trên thị trường lao động quốc tế. Hợp tác liên doanh đào tạo là cách thức nhanh chóng nhất để giúp các trường thực hiện được việc này. Khi ra trường, học sinh có cùng một lúc hai bằng: một của Việt Nam, một của nước ngoài. Đây là một cách làm rất năng động và sáng tạo của các nhà giáo dục Hàn Quốc, mà ngay cả những người hàng xóm của họ như Nhật Bản hoặc Đài Loan, Trung Quốc còn chưa kịp nghĩ đến. Chỉ trong vòng vài năm nữa thôi, một lượng lớn học sinh Việt sẽ có trong tay hai tấm bằng tốt nghiệp Việt – Hàn, họ sẽ là nguồn nhân lực quan trọng thúc đẩy cho sự hợp tác về kinh tế giữa hai nước. Hiện đã có khoảng 2.000 học sinh các trường dự kiến sẽ tham gia các khóa liên doanh đào tạo này.

Tồn tại nhiều bất cập trong chính sách và quá trình thực thi

Về phía Việt Nam, chúng ta cũng đã và đang phải mở cửa hội nhập sau khi tham gia các hiệp định, WTO,  AFTA, TPP, … Nếu người lao động Việt Nam không được trang bị cho mình những bằng cấp có tính cạnh tranh cao, được công nhận trên toàn toàn thế giới, hoặc chí ít – trong khu vực, chúng ta sẽ bị thua ngay trên sân nhà – đó là điều ai cũng hiểu và trở nên quá cấp thiết đối với các trường nghề cũng như ĐH của Việt Nam.

Hiện nay, trào lưu hội nhập giáo dục đang rât sôi động trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và trên toàn cầu nói chung, nếu Việt Nam không xóa bỏ bớt các rào cản về thủ tục, giấy phép, để cho các trường tự chủ hơn nữa trong việc tìm kiếm các đối tác liên doanh đào tạo thì giáo dục Việt Nam sẽ bị tụt hậu.

Sinh viên tham dự Ngày hội chữ Hàn được tổ chức tại Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM. Ảnh TL

Trong Nghị định 73/2012 NĐCP được ban hành về Hợp tác đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đã quy định khá rõ ràng về điều kiện các trường cần có để tổ chức các khóa liên kết đào tạo về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị, chương trình, quy mô đào tạo…

Tuy nhiên, có vài điểm mà trong thực tế khi đưa các chương trình liên doanh vào sẽ gặp nhiều bất cập:

Thứ nhất: theo Nghị định này “ngôn ngữ giảng dạy trong liên kết đào tạo là ngoại ngữ, không giảng dạy bằng tiếng Việt hoặc thông qua phiên dịch”.

Trước đây, khi đưa chương trình liên kết giảng dạy để cấp bằng đúp của cả hai bên Việt Nam – Hàn Quốc, phía Hàn Quốc được luật pháp của họ cho phép các khóa này dạy bằng ngôn ngữ bản địa, có nghĩa là học sinh Việt Nam có thể học bằng tiếng Việt và phía Hàn Quốc có nhiệm vụ tuyển chọn và đào tạo giáo viên cho khóa liên doanh này.  Đây là một thuận lợi lớn cho học sinh Việt Nam khi chẳng ai biết  tiếng Hàn. Còn theo Nghị định mới này thì học sinh Việt phải học bằng tiếng Hàn hoặc tiếng Anh??

Nói rộng ra, trong quá trình hội nhập giáo dục nếu các trường Việt Nam muốn liên doanh đào tạo với các trường tại Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Đức, Pháp, Nga… thì bắt buộc học sinh phải học bằng ngôn ngữ của nước đó hoặc tiếng Anh. Đây chính là một điểm cần xem xét lại của nghị định này, bởi không phải học sinh nào cũng muốn học bằng ngôn ngữ không phổ biến đó, nó sẽ tạo cho con đường vòng cho các khóa LD đào tạo mà phía các trường đối tác đều góp ý nên thay đổi.

Thứ hai: là Nghị định này chưa khuyến khích được các trường trong việc đưa các ngành nghề mới vào giảng dạy tại Việt Nam. Các trường rất ngần ngại trong việc đưa các ngành nghề mới, còn tư tưởng đợi chờ nhau, xem đã có mã ngành chưa? Nếu chưa có thì chưa làm. Đối với những ngành mới mà nhu cầu xã hội đã rõ, các trường cần vào cuộc sớm để đào tạo ra nguồn nhân lực cho ngành đó. Chẳng hạn, Hàn Quốc rất mạnh về mảng Beauty Arts – Nghệ thuật làm đẹp. Trường nào cũng muốn mở nhưng hóa ra lại chưa có mã ngành, nên ai cũng chờ đợi người đi tiên phong. Cần có thêm quy định để khuyến khích các trường chủ động hơn trong việc đưa ngành nghề đào tạo mới vào Việt Nam.

Thứ ba: đòi hỏi quá nhiều giấy tờ trong việc xin giấy phép của Bộ GD – ĐT: trong phần 1.7: trình tự, thủ tục phê duyệt hồ sơ liên kết đào tạo có quy định làm 06 bộ hồ sơ nộp lên và sau 5 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận sẽ báo lại cho trường là hồ sơ có hợp lệ hay không? Rồi sau 30 ngày làm việc Cục đào tạo với nước ngoài sẽ thẩm định, lập báo cáo, trình các cấp liên quan. Rồi lại sau 5 ngày, các cấp có thẩm quyền phải có ý kiến trả lời. Như vậy sau tổng cộng 40 ngày giấy phép sẽ có.

Nhưng trong thực tế là : tập hồ sơ khổng lồ nặng khoảng … “chục cân” được trình lên, rồi không biết bao nhiêu lần bị đề nghị bổ sung hồ sơ với những yêu cầu rất oái oăm khiến các đối tác nước ngoài phát hoảng như giấy xác nhận của Bộ giáo dục nước ngoài và giấy xác nhận của sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc về danh phận của trường ĐH đó, danh sách giáo sư chuyên giảng dạy ngành nghề đó tại trường, … nói tóm lại bổ sung rất nhiều giấy tờ không hề có trong nghị định 73. Và thời gian:  có hồ sơ nộp vào đã ba tháng nhưng vẫn chưa  xong!

Thiết nghĩ, Cục Đào tạo với nước ngoài nên có một danh sách đầy đủ các yêu cầu để các trường làm một lần xong việc ngay, đừng làm nản lòng các trường và đối tác, bởi không phải ai cũng có kinh nghiệm trong lĩnh vực này cả. Tốt nhất là nên quy định những lĩnh vực không thể cấp giấy phép cho liên kết đào tạo, còn những ngành nghề không cấm thì nên để các trường tự quyết và tự chịu trách nhiệm. Phía Tổng cục dạy nghề thì đã phát tín hiệu hợp tác rất rõ: cứ nộp hồ sơ, sau 10 ngày là có giấy phép!

Như vậy là chỉ sau hơn một năm, kể từ khi các trường Hàn Quốc và Việt Nam vào cuộc, đã có một sự hợp tác mạnh mẽ của hơn 20 trường ở cả hai nước. Mong rằng các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tích cực hơn nữa, góp phần thúc đẩy tiến trình hội nhập giáo dục giữa hai nước thêm nhanh chóng và hiệu quả để các chương trình liên doanh liên kết này.

Hà Nội ngày 12.3.2014

Đào Liên Hương

Tổng thư ký – Liên đoàn các Hiệp hội tư vấn giáo dục và ngôn ngữ thế giới (FELCA – Federation of Education and Languages Consultants Association).


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật