Theo thống kê của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT, trong tổng số hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh ĐH-CĐ tại các địa phương năm 2013 là 1.710.983 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ khối A đạt 39,1% và khối C chỉ đạt 6%. Như vậy, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh vào khối C tiếp tục giảm và nhiều câu hỏi được đặt ra từ thực trạng này.
Những con số biết nói...
Theo thống kê của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT, trong tổng số hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh ĐH-CĐ tại các địa phương năm 2013 là 1.710.983 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ khối A chiếm 39,1% và khối C chỉ chiếm 6%.
Ở ĐH Sư phạm HN năm 2012, số hồ sơ dự thi khối C là 4.042 nhưng đến năm 2013 con số này tụt xuống còn 3.306; Trường ĐHKH Xã hội - nhân văn, ĐHQG HN cũng thông báo số lượng hồ sơ khối C sụt giảm so với những năm trước.
Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN thu được vỏn vẹn 49 hồ sơ khối C trong tổng số 12.007 hồ sơ của trường này. Ông Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cũng cho biết: so với mấy năm trước, tính cạnh tranh của khối C đang giảm dần; nếu trước đây tỷ lệ chọi của khối C là 1/20 hoặc 1/30 thì nay chỉ còn 1 “chọi” 4-5 thí sinh.
Môi người lý giải sự “xuống hạng” của khối C một cách khác nhau. Bà Nguyễn Như Hương, nguyên giáo viên môn Văn, Trường THPT Phạm Hồng Thái, Hà Nội cho rằng, những người học, thi Khối C vào các ngành khoa học xã hội nhân văn (KHXHNV) ít có cơ hội để kiếm việc làm.
Vẫn bần thần phân tâm dù đã ngồi trong phòng thi - Ảnh : Hồ Thu
Nếu có việc làm thì họ cũng chỉ vào các cơ quan nhà nước và điều này đồng nghĩa với lương thấp, không đủ sống. Ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN lại cho răng cả nước có 419 trường ĐH, CĐ; nếu chia đều 63 tỉnh, thành phố thì mỗi tỉnh thành có 6-7 trường nên các thí sinh về địa phương học hết, khiến cho không chỉ khối C mà cả các khối khác dần ít đi ở các trường đào tạo các ngành KHXHNV truyền thống.
Khối C ngày càng mất giá?
Ông Nguyễn Văn Kim, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKH XHNV nhận định cơ cấu đào tạo và khối thi có vấn đề. Có nhiều ngành học đòi hỏi kỹ năng liên quan đến các lĩnh vực khác, học sinh nếu chỉ chuyên tâm vào Văn, Sử, Địa thì sẽ khó học một số môn của các ngành đào tạo mới mà Trường ĐHKH XHNV mới mở ra. Ví dụ, ngành tâm lý học, xã hội học hay khoa học quản lý đòi hỏi những thí sinh thi khối tự nhiên có khả năng phân tích tốt hơn.
Để tìm giải pháp cho vấn đề đào tạo các ngành nghề KHXHNV, theo ông Đặng Kim Vui, vừa qua, Chính phủ có đề xuất là Nhà nước sẽ đặt hàng với các trường ĐH để đào tạo các ngành xã hội nhân văn cơ bản.
Có thể các ngành thuộc khối KHXH cơ bản sẽ không mất đi nhưng thực trạng dạy và học các môn KHXH như Văn, Sử, Địa mới là điều đáng lo ngại. Bà Nguyễn Như Hương cho biết: môn Văn còn có động lực để học sinh học khi thi khối D; với môn Sử và Địa, học sinh không chú ý học- năm nào thi tốt nghiệp thì học sinh học, nếu không thi thì học sinh sẽ bỏ luôn!
Ông Nguyễn Văn Kim cho rằng: Hội Sử học VN đã có nhiều giải pháp cho vấn đề này nhiều lần đề nghị ngành GD&ĐT sửa căn bản từ sách giáo khoa cho hấp dẫn, thầy dạy cho thú vị, điều chỉnh thi cử... Ông Khánh nói: lịch sử là hồn của đất nước mà năm nay thi, sang năm lại không thi thì phải xem xét lại!
(Theo GDVN)