Mã Trường

Mã Trường
photo-202

Tin Tức Các Báo

Thứ trưởng 'cha đẻ' của điểm sàn: 'Có thể nó đã hoàn thành sứ mệnh'

Cập nhật 04/05/2013 - 09:26:47 AM (GMT+7)

Cũng có thể là “điểm sàn đã hoàn thành sứ mệnh của mình”, nhưng khi thay thế thì cần có giải pháp tốt hơn, khả thi hơn - nguyên Thứ trưởng GD&ĐT Bành Tiến Long.

- Thưa ông, vừa qua có nhiều luồng ý kiến khác nhau về vấn đề điểm sản, với tư cách là người khởi xướng ra phương thức xét tuyển này, quan điểm của ông như thế nào trước phương án 2 mức điểm sàn?
 
Ông Bành Tiến Long: Điểm sàn có từ năm 2005 xuất phát từ tình hình thi 3 chung từ năm 2002, như vậy đã trên 10 năm chúng ta thực hiện ba chung. Tôi thấy khái niệm “điểm sàn” hiện nay đã quen thuộc với học sinh thi đại học, cao đẳng và những người quan tâm. Nhiều năm với cách xác định điểm sàn thì vấn đề tuyển sinh đại học, cao đẳng cũng tương đối ổn định. 

Bộ GD & ĐT cũng chưa đề xuất hai mức điểm sàn và tôi ủng hộ chủ trương đó. Điểm sàn chỉ nên xác định một mức thôi vì đó là nguyên lý đảm bảo tính đa dạng của hệ thống trong sự quản lý thống nhất về chất lượng đầu vào tối thiểu, đồng thời đó cũng là tiếng nói bình đẳng của các trường công lập và ngoài công lập.  

Điểm sàn cũng là hình ảnh của tính minh bạch, công khai, kỷ cương và dân chủ trong tuyển sinh, khi mà khả năng đào tạo của các trường, yêu cầu sử dụng nguồn nhân lực có trình độ đại học, cao đẳng của đất nước chưa có khả năng đáp ứng đủ nhu cầu học tập của toàn bộ học sinh tốt nghiệp THPT. 

Trên thực tế đối với các trường đại học, cao đẳng tốp trên thì không quan tâm nhiều đến điểm sàn. Còn đối với các trường tốp giữa và tốp dưới là rất quan trọng. Nhiều khi nó quyết định đến sự vận hành, hoạt động, tồn tại của trường. Cho nên việc ra đề thi, việc làm bài của thí sinh, tổng chỉ tiêu tuyển sinh các khối và cách xác định điểm sàn sẽ là yếu tố quyết định đến mức điểm sàn.

- Ông có thể phân tích vì sao mỗi năm số thí sinh trên điểm sàn nhiều hơn tổng chỉ tiêu nhưng nhiều trường vẫn không tuyển đủ?
Theo tôi nếu các trường tuyển được khoảng 85% chỉ tiêu tuyển sinh trở lên là đạt yêu cầu.  Nếu vượt quá chỉ tiêu khoảng 5-10% cũng không đáng ngại. Nhiều năm trước đây trừ một số ít trường quá đặc biệt do nhiều nguyên nhân khác nhau thì phần lớn đều “hài lòng” với việc tuyển sinh.

Nguyên Thứ trưởng Bành Tiến Long cho rằng, khi thay thế ba chung thì cần có giải pháp tốt hơn, khả thi hơn. Ảnh XuânTrung
Tuy nhiên năm vừa qua, theo dư luận thì nhiều trường tuyển được rất ít thí sinh. Vấn đề này cũng cần thống kê, nghiên cứu, thanh tra và đánh giá cụ thể để tìm nguyên nhân chính. 

Việc tự xác định chỉ tiêu là một sự đổi mới quan trọng, đảm bảo quyền tự chủ của các trường trong tuyển sinh, nhưng nếu có trường tuyển vượt chỉ tiêu quá nhiều, thí sinh nộp giấy báo điểm trên mức điểm sàn là trúng tuyển cả (đây là những trường thí sinh thích học) thì việc quy định có mấy giấy báo điểm không còn ý nghĩa nữa. 

Do đó phải giám sát, kiểm tra kịp thời và có chế tài mạnh mẽ. Hơn nữa cũng cần xem xét số thí sinh đạt điểm trên sàn ở các vùng, miền, khu vực như thế nào. Bản thân các trường ngoài công lập phải tự xây dựng và minh chứng thương hiệu của mình, đặc biệt là tổ chức hoạt động, xây dựng cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo. Nhiều năm qua có nhiều trường ngoài công lập đã không hề có khó khăn trong tuyển sinh. 

Trong trường hợp cụ thể Hội đồng điểm sàn cũng không nên quá “cứng” khi xác định điểm sàn vì nguyên tắc trúng tuyển là lấy từ điểm cao xuống thấp. Đây cũng là đòi hỏi để xiết chặt chất lượng.

- Xuất phát từ đâu và hoàn cảnh nào mà ông đã có ý tưởng đưa ra điểm sàn?

Thực tiễn thi cử khi chưa có “ba chung” chúng ta đã biết. Trong vài năm đầu thực hiện “ba chung”, các trường thường dựa trên chỉ tiêu, kết quả chấm thi, trình các phương án điểm trúng tuyển để Bộ phê chuẩn. Việc này đã làm ảnh hưởng đến thời gian, tính chủ động và minh bạch trong tuyển sinh của các trường. 

Nhiều lúc các thí sinh có điểm thi rất cao nhưng lại bị trượt trường này so với các em đỗ trường khác có điểm thi thấp hơn nhiều. Các em có điểm thi cao bị trượt đó không có cơ hội cạnh tranh và dự tuyển vào các trường khác, gây tâm lý ức chế, thắc mắc trong xã hội. Chuẩn kiểm tra, giám sát phụ thuộc vào tính chủ quan của Bộ khi phê chuẩn điểm trúng tuyển của từng trường. Điều này hoàn toàn không tốt. Chỉ có phương án điểm sàn là đảm bảo tính chủ động, công khai, minh bạch, công bằng và chuẩn chất lượng tối thiểu của đầu vào.

- Vậy thời gian đầu điểm sàn được đón  nhận như thế nào? Có điều gì không mong muốn ở điểm sàn lúc đó không?
Có thể nói lúc đầu điểm sàn được các trường đón nhận rất tích cực, có điểm sàn các trường hoàn toàn chủ động trong tuyển sinh, các trường có cơ sở tự giám sát tuyển sinh theo điểm sàn, lấy được sinh viên có chất lượng hơn. Nhiều trường không quan tâm đến điểm sàn mà họ thông báo điểm chuẩn trúng tuyển ngay sau khi chấm thi vì kết quả làm bài của thí sinh đạt điểm rất cao. 

Số thí sinh vui hơn khi có điều kiện di chuyển dự tuyển giữa các trường, giữa các vùng miền trên cả nước. Một con số rất ấn tượng là trong nhiều năm số thí sinh trúng tuyển từ miền núi, vùng cao, vùng xa, vùng nông thôn lên đến 65-70%. Đây là một trong các tiêu chí phát triển giáo dục bền vững của UNESCO. Điểm sàn là để đảm bảo tính thống nhất giám sát chất lượng trong sự bình đẳng của hệ thống giáo dục đại học và các mục tiêu khác đã nêu trên... 

Lúc bấy giờ chỉ có hai luồng ý kiến tranh luận chính: một luồng thì cho rằng đã là điểm sàn ba môn thi đại học thì phải là 15 điểm, một luồng ý kiến thì đề nghị điểm sàn có thể lấy thấp hơn 13 (vì tất cả điểm sàn của các năm đều xác định ổn định nằm trong khoảng 13-15 điểm cho tất cả các khối thi).

- Hiện nay nhiều người nói rằng, điểm sàn là thể hiện chất lượng giáo dục; hoặc điểm sàn để đảm bảo chất lượng đầu vào; nhưng cũng có ý kiến điểm sàn không phản ảnh điều gì mà chỉ là cái “màng lọc” để gạt bớt người vào học đại học, vì thực tế năng lực đào tạo đại học không đáp ứng số lượng học sinh tốt nghiệp THPT. Vậy theo ông, bản chất của điểm sàn là gì trong những nhận định trên?
 
Nước nào cũng vậy, đã vào học đại học là phải có thi cử và xét tuyển, phải chọn người có đủ kiến thức, năng lực mới vào đại học. Như vậy phải cạnh tranh thông qua một chuẩn nào đó. Ở ta chính là thi đại học, cao đẳng và điểm sàn. Đó chính là một yếu tố của chất lượng ban đầu. 

Tuy nhiên mức điểm sàn cụ thể phụ thuộc vào năng lực làm bài của thí sinh, thí sinh làm được bài thi hay không lại phụ thuộc vào đề thi. Trước đây và hiện nay chúng ta chưa có khâu đánh giá, định lượng đề thi, mà điều này lại hết sức cần thiết. Phải có ngân hàng đề thi đủ lớn, được đánh giá, phân loại qua nhiều vòng thi thử nghiệm để sàng lọc từng đề thi. 

Vì chúng ta còn kỳ thi tốt nghiệp THPT cho nên đề thi đại học cũng phải có tính tham chiếu với đề của THPT xem các em đang ở trình độ và năng lực thực tế như thế nào? Chúng ta vẫn thường nói đề thi phải có tính phân loại cao, không quá khó, không đánh đố, không ra vào những phần còn tranh luận về mặt khoa học. Mục tiêu của hai kỳ thi là khác nhau nhưng phải có tính tham chiếu thì công tác ra đề thi mới chính xác và đánh giá đúng năng lực của các thí sinh. 

Tổng chỉ tiêu tuyển sinh, chỉ tiêu các khối thi và kết quả làm bài của thí sinh là cở sở để xác định giới hạn của điểm sàn , của “màng lọc”, của chất lượng đầu vào. Những ý kiến nhận định về điểm sàn nêu trên là không sai, nhưng nó thực hiện tổng hợp chức năng của các ý kiến đó.

- Có nhiều chuyên gia cho rằng, điểm sàn đã hoàn thành sứ mệnh của mình và đến lúc phải bỏ đi, vậy còn quan điểm của ông?
Cũng có thể là “điểm sàn đã hoàn thành sứ mệnh của mình”. Nhưng khi thay thế thì cần có giải pháp tốt hơn, khả thi hơn. Để tiệm cận tới một nền giáo dục chất lượng, tiên tiến và bền vững thì phải có phương án cụ thể tốt hơn mà ta hay nói là “đổi mới” hay “cải cách”.  

Ví dụ, nước Nga gần đây lại tổ chức kỳ thi đại học quốc gia, một số nước quanh ta đều có kỳ thi quốc gia này. Giáo dục đại học là phải phân tầng. Khi đó ta có thể bỏ điểm sàn, bỏ “Ba chung” nhưng lại phải có cái gì thay thể tốt hơn mới được, kể cả công việc tự chủ, thanh tra, giám sát. Quản lý chất lượng giáo dục  là công việc của quản lý nhà nước và của cơ sở giáo dục. Giáo dục là phải phát triển ổn định và bền vững. 

- Ông nghĩ sao về việc một số trường ĐH ngoài công lập có phương án tuyên sinh riêng, như trường ĐH Phan Châu Trinh?

Vừa qua Bộ GD&ĐT có đề nghị các trường lập phương án tuyển sinh riêng, điều này là tốt nhưng thời gian tuyển sinh thì không còn dài, nếu thời gian quá ngắn e rằng sẽ ảnh hưởng tới toàn quá trình công tác tuyển sinh. Tôi cho rằng, nếu chuẩn bị tốt và cân nhắc các giải pháp, xử lý tình huống cụ thể tốt thì vấn đề tuyển sinh năm nay sẽ khởi sắc hơn những năm trước. 

- Theo ông, điểm sàn (hiện nay được nhiều người coi là tiêu chí đánh giá chất lượng đầu vào) góp bao nhiêu phần trăm vào chất lượng đầu ra của sinh viên đại học?
Vấn đề này chưa thể đo chính xác được. Phải có một quá trình khảo sát, thống kê, nghiên cứu, đánh giá tổng thể toàn ngành trong khoảng 5 năm. Sản phẩm đầu ra của sinh viên đại học phụ thuộc rất nhiều nhân tố. Điểm sàn đầu vào chỉ là yếu tố đầu tiên. Tuy nhiên có một thực tế là nếu sinh viên không có đủ năng lực, kiến thức để tiếp thu trong quá trình đào tạo thì khó có chất lượng đầu ra. 

- Xin cám ơn ông!
(GDVN)

Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật