Thay vì đua nhau lựa chọn những trường tốp trên để “thử sức” mình, xu hướng chọn trường của nhiều thí sinh năm nay là chọn lựa những trường vừa sức.
Kết thúc thời hạn thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ tại trường THPT:
Ngày 11-4 là kết thúc thời hạn thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ tại các trường THPT cũng như điểm thu nhận hồ sơ theo quy định của các sở GD-ĐT. Theo các cán bộ tuyển sinh, thí sinh đã không còn lựa theo cảm tính hay phong trào mà chủ yếu dựa vào sức học bản thân.
Thí sinh “thực tế” hơn
Ông Nguyễn Văn Long - phó trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Thanh Hóa - cho biết năm 2013, số hồ sơ dự thi ĐH, CĐ toàn tỉnh tiếp tục giảm hơn 10%, từ 80.000 hồ sơ năm 2012 xuống còn hơn 70.000 hồ sơ. Trong khi đó, số học sinh lớp 12 của Thanh Hóa là 45.000 và bình quân mỗi năm Thanh Hóa có gần 20.000 thí sinh tự do dự thi ĐH, CĐ.
“Cả thí sinh và phụ huynh đã thực tế hơn rất nhiều trong việc lựa chọn. Vừa qua có thông tin tại Thanh Hóa gần 25.000 SV ra trường không có việc làm khiến nhiều em quyết định lựa chọn trình độ đào tạo thấp hơn, chi phí đào tạo ít hơn nhưng nhu cầu việc làm tốt hơn. Các trường CĐ, CĐ nghề năm nay đắt hàng” - ông Long nói.
Theo ông Long, Thanh Hóa cũng đã in tài liệu thống kê của Bộ GD-ĐT về số điểm trung bình đạt được tại kỳ thi ĐH, CĐ ở từng trường tạo “cú hích” trong phân luồng. Theo đó, một số trường đã chủ trương động viên các em học lực yếu lựa chọn việc học trung cấp, CĐ nghề thay cho ĐH, CĐ để “giữ điểm thi đua cho trường mình”.
Kinh tế giảm, sư phạm tăng
Thông tin từ các trường THPT, các điểm nhận hồ sơ của phòng giáo dục quận, huyện thuộc một số tỉnh phía Bắc cho thấy nhóm ngành kinh tế đã “giảm nhiệt” một cách rõ rệt.
Ông Phạm Văn Sắc - hiệu trưởng Trường THPT Hồng Thái (huyện Đan Phượng, Hà Nội) - cho hay xu hướng lựa chọn ngành kinh tế giảm đến hơn một nửa so với năm 2012. 900 hồ sơ cho hơn 500 học sinh lớp 12 của trường đã phân bổ đều hơn đến các ngành kỹ thuật, xã hội nhân văn, chứ không còn “ngập trong ngành kinh tế như những năm trước”.
Theo bà Cát Thị Tuyết Nhung - cán bộ tuyển sinh Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội), năm nay không còn hiện tượng thí sinh dồn sức cho mọi lựa chọn vào nhóm ngành kinh tế mà tản ra nhiều nhóm ngành khác.
“Nếu năm trước xu hướng các em chọn kinh tế sẽ chọn đăng ký cùng lúc ĐH Ngoại thương, ĐH Thương mại, ĐH Kinh tế quốc dân thì năm nay các em lại chọn nhiều ngành hơn, một em có thể đăng ký Trường ĐH Kinh tế quốc dân, rồi lại xen với ngành công nghệ, kỹ thuật của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội hay ĐH Quốc gia Hà Nội” - bà Nhung phân tích.
Tại TP.HCM, thống kê từ các trường THPT cho thấy lượng hồ sơ bình quân mỗi thí sinh vẫn tương đương mọi năm, từ 2-3 hồ sơ/học sinh. Mặc dù vậy, xu hướng chọn trường, chọn ngành đã có nhiều thay đổi so với các năm trước.
Theo thông tin từ các trường, số hồ sơ ĐKDT vào các ngành sư phạm, kỹ thuật công nghệ và y khoa tăng mạnh so với năm trước. Trong khi đó, hồ sơ vào nhóm ngành kinh tế đã giảm đáng kể. Với thí sinh tự do, nhóm ngành kinh tế vẫn là ưu tiên số một của họ.
Bà Trần Thị Tuyến Nhung - phòng học vụ Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP.HCM) cho biết số hồ sơ vào ngành kinh tế, ngân hàng giảm hẳn so với năm trước. Trong khi đó, hồ sơ vào các ngành sư phạm, y khoa tăng đáng kể, đặc biệt hồ sơ ĐKDT vào Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tăng rất nhiều.
Bà Nguyễn Thị Phượng - giáo viên tư vấn hướng nghiệp Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) - cho hay: những năm trước đây, hồ sơ ĐKDT vào trường, ngành kinh tế chiếm đa số. Tuy nhiên năm nay, nhóm ngành kỹ thuật công nghệ lại thu hút rất nhiều thí sinh dự thi trong khi nhóm ngành kinh tế số hồ sơ giảm hẳn.
Trong khi đó, tại Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT ở TP.HCM - nơi nhận hồ sơ của thí sinh vãng lai, ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh, cho biết lượng hồ sơ vào nhóm ngành kinh tế vẫn chiếm số lượng áp đảo. Các trường ĐH có nhiều hồ sơ nhất là Kinh tế TP.HCM, Tài chính - marketing, Sài Gòn, Nông lâm TP.HCM...
Đặc biệt, nhóm ngành sư phạm có lượng hồ sơ tăng mạnh so với các năm trước, lượng hồ sơ khối C khá lèo tèo.
(Theo Báo Tuổi Trẻ)