Ngành Sư phạm mở tràn lan, ngay cả các trường không có chuyên môn Sư phạm cũng “chen chân” đào tạo giáo viên. Và tồn tại nghịch lý, sinh viên ở trường Sư phạm chất lượng lại thiệt thòi khi xin việc vì… thua ở tấm bằng.
Đó là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với Trường ĐH Sư phạm (SP) TPHCM vào sáng 10/4 để chuẩn bị cho công cuộc “Đổi mới toàn diện giáo dục”.
Thiệt vì… yêu cầu chất lượng cao
Nhiều đại biểu cùng đặt ra vấn đề rất ngược đời hiện nay là cho dù được đánh giá cao nhưng do khâu đánh kiểm định chất lượng của Trường ĐH SP TPHCM chặt nên tỷ lệ SV tốt nghiệp loại Giỏi rất ít, mà chủ yếu là loại Khá, Trung bình khá. Trong khi tại các trường SP tỉnh hay các trường có đào tạo SP chất lượng kém hơn nhiều nhưng lại nhiều SV tốt nghiêp bằng Giỏi.
Khi thi tuyển về các Sở Giáo dục, SV từ trường chất lượng sẽ thiệt thòi hơn khi tính tổng điểm. Thế nên có thực tế, SV được đào tạo chất lượng từ các trường có thâm niên, chuyên môn, đầu vào cao lại khó được tuyển vì thua ở tấm bằng.
Sinh viên tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM rất khó để đạt được bằng loại Giỏi.
Ông Lưu Thành Công - đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long chỉ thẳng SV tốt nghiệp SP từ các trường ở Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh… chất lượng kém nhưng lại rất nhiều bằng loại Giỏi nên khi thi tuyển có nhiều lợi thế hơn SV đầu vào cao, được đào tạo chất lượng từ ĐH SP TPHCM.
“Tôi từng trực tiếp làm việc, có đợt SV ngành SP của ĐH Đồng Tháp 30 em thì chỉ có 2 bằng Khá, còn lại là bằng Giỏi. Còn trong nhóm ĐH SP TPHCM chỉ có duy nhất một em bằng Giỏi. Chưa kể các em học trường khác, ra lấy chứng chỉ SP loại Giỏi rất nhiều. Chúng tôi đã phải bàn đến phương án SV ĐH SP khi thi tuyển sẽ được cộng thêm 10 điểm trong tổng điểm tuyển”, ông Công cho hay.
Trong năm học 2011 - 2012, có 2.269 SV hệ chính quy ĐH SP TPHCM tốt nghiệp, trong đó chỉ có 126 SV tốt nghiệp loại Giỏi. Con số trên 70% tổng số SV tốt nghiệp có việc làm đúng ngành nghề đào tạo được đánh giá cao. Nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn khi SV ra trường không có việc làm, không được phân công cho dù trường đã thực hiện công tác tìm hiểu, khảo sát nhu cầu từ các địa phương khu vực phía Nam rất kỹ lưỡng thông qua các Sở Giáo dục.
Đại diện Phòng đào tạo của Trường ĐH SP TPHCM cho hay, nếu xét nhu cầu ở khu vực phía Nam chỉ tiêu tuyển sinh hiện tại trường chưa đáp ứng được yêu cầu cho đội ngũ GV. SV của trường gặp khó khăn vì phần lớn tốt nghiệp Trung bình, hay Trung bình khá khi mà các nơi khác thì toàn bằng Giỏi, Khá.
“Điểm chuẩn vào trường nhiều ngành trên 20 điểm, nơi khác chỉ 13 điểm là đỗ thì kiểu gì chất lượng SV của trường cũng hơn hẳn. Nhưng yêu cầu chất lượng của trường rất cao, không hạ đánh giá nên SV ra trường bằng kém hơn SV nơi khác. Có năm cả khoa Toán, đầu vào cao nhưng không em nào tốt nghiệp loại Giỏi. Chúng tôi từng đưa ra vấn đề này nhưng vì chất lượng, đào tào chuyện sâu và thương hiệu nên trường kiên quyết đảm bảo việc đánh giá đúng”, đại diện này cho hay.
Người này cũng chỉ ra nguyên nhân hiện việc đào tạo ngành SP đang tràn lan, nhiều trường không thuộc lĩnh vực SP, trường dân lập cũng đào tạo GV. Chưa kể một số trường ở địa phương mới đầu xin mở ngành chỉ để đạo tạo nhân lực cho địa phương nhưng chỉ một hai năm sau là nới rộng tuyển sinh trong cả nước.
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng cần quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm.
Tăng thời gian đào tạo ngành Sư phạm?
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng hiện đang có sự mất cân đối giữa đào tạo và sử dụng. Chẳng hạn để giải quyết bài toán thiếu GV, nhất là GV bậc THPT, các cở sở giáo dục đã tuyển GV từ nhiều nguồn với tiêu chuẩn có bằng ĐH và giấy chứng nhận qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ SP mà không cần phải tốt nghiệp tại trường SP. Điều này dẫn đến chất lượng giáo dục ở bậc phổ thông yếu kém, đội ngũ GV được đào tạo trường các trường SP lại không được phân công.
Ông Hồng bày tỏ ý kiến, quy định cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh ngành SP chung cho các trường là chưa thỏa đáng mà nên căn cứ vào chất lượng đào tạo. Thế nên rất cần quy hoạch lại mạng lưới các trường SP, không nên tổ chức đào tạo tràn lan như hiện nay mà chỉ những trường SP mới được đào tạo GV.
Thời gian thực tập nghề ít ảnh hưởng đến đến lượng đào tạo sư phạm.
Đặc biệt, Trường ĐH SP TPHCM cũng đề xuất việc thiết kế lại chương trình đào tạo, trong đó tăng thời gian đào tạo để SV có thêm nhiều thời gian thực tập nghề nghiệp, liên kết chặt hơn nữa với các trường phổ thông. Vì thời gian thực tập nghề quá ít như hiện nay chính là nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng của SV ngành SP khi ra trường.
(Theo Báo Dân Trí)