Sáng 4/4, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập họp về kế hoạch xây dựng phương án tuyển sinh mới. Theo đó, nhiều lãnh đạo trường đề nghị chỉ nên có 1 mức điểm sàn và siết chặt chỉ tiêu trường công thì các trường ngoài công lập mới có nguồn để tuyển.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Văn Đình Ưng - trưởng ban Thông tin Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) cho biết: “Đây là cuộc họp thứ 2 của Hiệp hội về phương án tuyển sinh 2013. Cuộc họp nhằm thống nhất lại vấn đề mà hiện nay một số trường ĐH xây dựng phương án tuyển sinh khác nhau và phương án điểm sàn mà Bộ vừa đưa ra lấy ý kiến”.
Chỉ nên có 1 mức điểm sàn!
Ông Bùi Thiện Dụ - Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Phương Đông, ủng hộ quan điểm cần phải có điểm sàn. Ông Dụ cho rằng, nếu không có điểm sàn thì 3 chung làm cái gì? Điểm sàn thì chỉ nên 1 điểm thôi, chứ gọi sàn mà có 2 - 3 sàn thì không ổn. Còn 3 chung thì vẫn phải có điểm sàn. Điểm sàn chỉ có 1 điểm chứ không nên 2 mức như Bộ dự kiến.
Hiệu trưởng Trường CĐ Asean thẳng thắn: “Tôi không đồng ý có 2 điểm sàn, vì như vậy sẽ phân biệt như thành phố và nông thôn. Không thể xây dựng điểm sàn như điểm chuẩn các trường đại học được”.
Vị hiệu trưởng này cho rằng: “Đối với các trường công, Bộ phải căn cứ rõ ràng nghiêm túc chỉ tiêu hàng năm cho các trường. Vẫn dùng kết quả thi 3 chung, các trường công chỉ được quyền lấy cao xuống thấp và được bộ đồng ý. Sau đó các trường khác xét theo đăng kí, có thể xét theo ba chung (kết quả thi), cộng thêm 3 năm học phổ thông và từ trên xuống cho tới khi đủ chỉ tiêu. Nếu thực hiện được như vậy thì không có vấn đề gì xảy ra. Bộ có 2 điểm sàn, hoàn toàn không nên. Bộ phải có quy định, có chuẩn mực”.
Đại diện Trường ĐH Hà Hoa Tiên và Chu Văn An đề nghị: “Bộ GD-ĐT cần làm theo đúng Luật. Nếu Bộ đưa ra 2 mức điểm sàn như vậy là đẩy các trường ngoài công lập xuống công dân hạng 2. Đề nghị Bộ chỉ nên có 1 điểm sàn".
Ông Đỗ Doãn Hải - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ và Quản lí Hữu Nghị cho rằng: “Mấu chốt không phải trường công lập hay dân lập, 1 hay 2 điểm sàn mà là bỏ điểm sàn. Tại sao các trường không tuyển sinh được, do không còn nguồn. Vậy cách giải quyết thế nào?”.
“Bộ chỉ nên tập trung vào việc xét chỉ tiêu, trường nào đảm bảo được chỉ tiêu thì cho hoạt động, trường nào không đảm bảo được chỉ tiêu thì bỏ. Bộ yêu cầu các trường đảm bảo đúng chỉ tiêu, không được vượt. Nếu các trường công tuyển vượt chỉ tiêu, số thừa ra đó phải để cho các trường ngoài công lập. Số dư ra có thể cao hơn điểm sàn. Các trường công lập lấy ngoài chỉ tiêu để đào tạo đủ các thứ. Hiện nay, nhiều trường có nhiệm vụ đào tạo đại học chỉ tập trung vào đúng trình độ, hiện này nhiều trường đại học còn đào tạo cả nghề…” - ông Hải cho hay.
Bộ GD-ĐT cần khống chế chỉ tiêu các trường công!
Ông Văn Đình Ưng cho biết, đa số các ý kiến tại hội nghị đều đề nghị Bộ GD-ĐT ra đề thi ĐH, CĐ phù hợp để các trường ngoài công lập tuyển được thí sinh. Đề thi có thể cao hơn thi tốt nghiệp một chút. Có những câu hỏi khó, câu hỏi dễ, thang điểm phù hợp để các trường ngoài công lập có nguồn tuyển. Vấn đề này, toàn quyền trong tay bộ. Bộ ban cho các trường chỉ tiêu tuyển sinh thì bộ cho cá trường có sinh viên vào học.
Ông Lê Trường Tùng - hiệu trưởng Trường ĐH FPT cho biết: "Theo thống kê trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh 2013 thì chỉ tiêu tuyển sinh các trường ĐH, CĐ năm 2013 là 642.657, trong đó, chỉ tiêu các trường công lập 512.502 còn lại chỉ tiêu các trường NCL. Trong khi đó, hàng năm, Bộ cho phép các trường được tuyển vượt chỉ tiêu khoảng 10%. Vậy còn đâu nguồn tuyển cho các trường NCL".
Ông Tùng đề nghị: “Để phát triển lành mạnh phải khống chế chỉ tiêu của các trường công. Mỗi năm giảm chỉ tiêu của các trường công, thực hiện khoảng 5 năm. Khi chỉ tiêu các trường công giảm đi thì nguồn tuyển tăng lên, tạo điều kiện cho các trường tư tăng chất lượng. Do vậy, Bộ cần xem xét chỉ tiêu các trường công”.
Về kiến nghị phương án tuyển sinh, ông Tùng nói: “Nói thật, tôi không hy vọng và tôi dự kiến câu trả lời của Bộ: “Bộ sẽ nghiêm túc thực hiện luật giáo dục đại học, quy chế do bộ ban hành theo 2 tiêu chí. Còn lại các trường chủ động hoàn toàn trong tuyển sinh (điểm sàn cộng với tốt nghiệp). Bộ cần quy hoạch lại hệ thống giáo dục trường công, tạo điều kiện cho trường tư, sân chơi phải bình đẳng, công bằng”.
GS Hoàng Xuân Sính chia sẻ: “Bộ rất cương quyết để 3 chung và điểm sàn. Mặc dù các trường có đưa ra nhiều phương án. Tôi nghĩ các trường làm đề án tuyển sinh mới này chỉ có trong tương lai chứ giờ không thể chấp nhận được. Do vậy, dù muốn dù không chúng ta phải tuyển sinh được”.
Về vấn đề 2 điểm sàn mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra để lấy ý kiến góp ý, GS Sính cho rằng: “Bộ lười, đối phó với các trường NCL. Bộ sợ điểm sàn hạ xuống. Bộ chỉ cần đầu tư khâu ra đề, đề không ra kiểu đánh đố và thay đổi barem điểm cho phù hợp là được”.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Văn Chừng - Ủy viên HĐQT Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà cho hay, về cơ bản Bộ phải giải quyết được khâu đề thi, đề thi năm nay không được đánh đố.
(Theo Báo Dân Trí)