Mã Trường

Mã Trường
photo-202

Tin Tức Các Báo

Trường đại học mô hình xuất sắc khó tuyển sinh

Cập nhật 26/03/2013 - 09:14:50 AM (GMT+7)

Được ưu tiên đặc biệt nhưng các trường đại học được thành lập theo mô hình xuất sắc, đẳng cấp quốc tế vẫn không thu hút người học.

 

Mục tiêu 5.000, mới tuyển được 500

Năm 2008, Trường ĐH Việt - Đức được thành lập với định hướng là trường ĐH nghiên cứu theo mô hình tiên tiến, nằm trong tốp 200 trường ĐH hàng đầu thế giới vào năm 2020. Để thực hiện mục tiêu này, trường có cơ chế tuyển sinh riêng, là trường ĐH công lập đầu tiên tại Việt Nam có hiệu trưởng người nước ngoài, và cũng là trường duy nhất chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ. Dù vậy, sau gần 5 năm hoạt động, trường vẫn không thu hút được người học.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với sinh viên Trường đại học Việt - Đức

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với sinh viên Trường đại học Việt - Đức

Năm đầu tiên trường tuyển sinh 80 chỉ tiêu cho 2 ngành bậc ĐH là kỹ thuật điện và công nghệ thông tin, từ những thí sinh dự thi khối A theo đề chung của Bộ GD-ĐT, đạt 21 điểm trở lên. Tuy nhiên đến tháng 9.2008, trường chính thức khai giảng khóa đầu tiên chỉ với 32 sinh viên. Đến năm thứ hai, chỉ tiêu của trường giảm xuống một nửa, mức điểm xét tuyển chỉ còn 17 nhưng cũng không tuyển đủ khi chỉ có 28 sinh viên nhập học. Năm 2010, trường thực hiện hình thức tuyển sinh mới với 60 chỉ tiêu, xét tuyển thí sinh có tổng 6 môn (toán, lý, hóa, sinh, tiếng Anh và văn) của 3 năm cuối cấp THPT thuộc loại  khá giỏi. Đồng thời, trường xét tuyển những thí sinh có điểm thi ĐH khối A từ 21 trở lên. Thế nhưng kỳ tuyển sinh năm 2010 trường chỉ tuyển được 39 sinh viên, trong đó chưa tới 20 người đạt mức điểm 21 trở lên. Năm học 2012-2013, trường này có 8 ngành đào tạo bậc ĐH và sau ĐH với tổng số 527 sinh viên đang theo học (262 sinh viên ĐH, 250 học viên cao học và 15 nghiên cứu sinh). Tính đến thời điểm hiện tại, trường mới chỉ có 24 cử nhân và 40 thạc sĩ tốt nghiệp. Như vậy sau 5 năm thành lập, số sinh viên nhập học tại trường chưa đầy 600. Con số này so với mục tiêu năm 2020 của trường là 29 ngành đào tạo với 5.000 sinh viên còn quá xa.

Tình hình tuyển sinh khó khăn cũng diễn ra tại Trường ĐH Khoa học và công nghệ Hà Nội. Năm 2010, trường chính thức tuyển sinh khóa đầu tiên với 40 chỉ tiêu từ thí sinh dự thi ĐH khối A, B, D với mức 19 điểm trở lên. Đến hạn cuối nộp hồ sơ, trường vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu nên quyết định hạ mức điểm tuyển xuống còn 15. Trong tổng số 51 hồ sơ nộp đến qua sơ tuyển, chỉ có hơn 30 sinh viên đủ điều kiện nhập học, mức điểm cao nhất đăng ký vào là 22,5 và chỉ có một sinh viên. Đến năm học 2011-2012, sau 2 kỳ tuyển sinh, tổng số sinh viên của trường mới gần 200 (cả bậc ĐH và sau ĐH). Đến nay, theo số liệu trường báo cáo bộ, tổng số sinh viên đang theo học tại trường trên dưới 400. Như vậy, so với mục tiêu 8.000 sinh viên năm 2020 thì con số này cũng quá ít ỏi.

Hoạt động vội vàng khi chưa có đủ điều kiện ?

Giải thích nguyên nhân khó thu hút người học với Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trong buổi làm việc tại Trường ĐH Việt - Đức vào đầu tháng 3, Giáo sư Mallon, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường rất khó khăn trong việc thu hút học sinh khá giỏi vào các ngành kỹ thuật trong khi xu thế người học ở Việt Nam lựa chọn khối ngành kinh tế rất cao. Đặc biệt, trường rất khó thu hút học viên chương trình thạc sĩ toàn thời gian do phần lớn các trường ĐH tại Việt Nam đều cung cấp chương trình đào tạo bán thời gian để học viên vừa học vừa làm. Một nguyên nhân rất cạnh tranh nữa là do sinh viên tốt nghiệp kỹ thuật loại giỏi thường lựa chọn đi học ĐH ở nước ngoài khi có học bổng”.

Tuy nhiên, dưới góc độ chuyên gia, tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh - Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập), cho rằng các nguyên nhân trường nêu ra chưa hợp lý. Vị tiến sĩ này cho rằng: “Việc nói rằng trường đào tạo kỹ thuật nên khó tuyển sinh là chưa hoàn toàn đúng, vì hiện nay ngay cả các trường ngoài công lập vốn bị kỳ thị mà vẫn có những trường thuộc khối ngành này tuyển sinh tốt. Còn nếu nói do đào tạo thạc sĩ toàn thời gian nên khó tuyển cũng không chấp nhận được vì đáng ra trường phải biết và cân nhắc trước khi bắt đầu hoạt động và tuyển sinh, chứ không phải cứ làm đại rồi sau đó thất bại thì mới đổ lỗi cho khách quan”.

Theo tiến sĩ Phương Anh: “Việc không tuyển sinh được như mong muốn cho thấy các trường đã được triển khai hoạt động quá vội vàng khi chưa có đủ điều kiện cần thiết, và cũng không có đủ hiểu biết về môi trường pháp lý cũng như nhu cầu đào tạo của người học tại Việt Nam. Và mục tiêu năm 2020 trở thành trường tốp 200 là không tưởng, khi hiện nay đã là 2013 rồi mà ngay cả ở Việt Nam các trường này cũng chưa thu hút được thí sinh”.

Cần bám sát nhu cầu thực tiễn

Trong buổi làm việc với Trường ĐH Việt - Đức, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, cho rằng: “Trường cần nghiên cứu kỹ xem nguyên nhân khó khăn đầu vào và đầu ra nằm ở chỗ nào. Nếu vì ngành nghề quá mới mà sinh viên ra trường khó tìm được việc làm thì trường cần xem xét lại việc mở ngành”. Trước đề xuất từ phát triển lên 29 ngành đào tạo của trường từ nay đến năm 2020, Phó thủ tướng nhận định: “Ngành đào tạo mở ra phải bám sát nhu cầu nhân lực trên đất nước Việt Nam để sinh viên ra trường có việc làm ngay. Gói tài trợ đầu tư cho đề án xây dựng trường đã nêu rõ, không thể đào tạo mà sinh viên ra trường không biết có việc làm hay không”.

 Tương tự, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng có ý kiến: “Các trường này cần nghiên cứu kỹ tránh mở các ngành không thiết thực với nhu cầu thực tiễn của Việt Nam, gây lãng phí về đào tạo. Chẳng hạn như ngành thạc sĩ mới của Trường ĐH Việt - Đức là kỹ thuật sản xuất toàn cầu. Sinh viên tốt nghiệp một ngành mà chỉ có thể làm việc tại các tập đoàn quốc tế hoặc doanh nghiệp lớn sẽ rất khó để sinh viên tìm việc khi ra trường”.

Để có được một trường ĐH xuất sắc đòi hỏi rất nhiều điều kiện. Theo tác giả Salmi, chuyên gia giáo dục của World Bank, các điều kiện này tóm tắt trong 3 yếu tố chính: rất nhiều tài năng (người học lẫn giảng viên), rất nhiều tiền và cơ chế quản trị phù hợp (có tầm nhìn chiến lược, sáng tạo, linh hoạt). Cả 3 điều kiện này hiện nay đều hầu như chưa có, hoặc có rất ít ở chỗ này chỗ khác, cho nên việc phát triển các trường này nói riêng hoặc mô hình này nói chung sẽ rất khó khăn ở Việt Nam.

Nếu cần một khâu đột phá, phải tác động trước hết vào đầu ra của sinh viên và thu nhập của giảng viên. Chẳng hạn có thể đảm bảo rằng tất cả sinh viên khi ra trường đều được nhận làm việc tại một cơ quan nào đó với mức lương tối thiểu 1.000 USD/tháng, giảng viên có mức lương 2.000 USD/tháng thì việc tuyển sinh chắc chắn sẽ không khó và hướng phát triển của nhà trường cũng sẽ dễ dàng hơn nhiều. Còn nếu không đảm bảo được đầu ra thì điều đó cho thấy chính nhà trường cũng chẳng biết sinh viên mình sau khi ra trường sẽ làm gì, đáp ứng nhu cầu của ai, như vậy làm sao có thể thu hút sinh viên (nhất là sinh viên giỏi).

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh
Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập)


4 trường ĐH đẳng cấp quốc tế

Đề án xây dựng các trường ĐH mô hình mới của Bộ GD-ĐT là một trong nhiều mục tiêu của Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2008-2020. Theo đó, sẽ có 4 trường ĐH công lập đẳng cấp quốc tế được xây dựng, với đầu vào là những học sinh xuất sắc của Việt Nam và nước ngoài. Hiện đã có 2 trường được thành lập là ĐH Việt - Đức (nước đối tác chiến lược là Đức), ĐH Khoa học và công nghệ Hà Nội (nước đối tác chiến lược là Pháp). Dự kiến sẽ thành lập thêm 2 trường tại Đà Nẵng và Cần Thơ với nước đối tác chiến lược là Nhật và Mỹ.

(Theo Báo Thanh Niên)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật