Mã Trường

Mã Trường
photo-202

Tin Tức Các Báo

Khởi động công nghiệp vi mạch

Cập nhật 22/03/2013 - 09:54:48 AM (GMT+7)

Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM giai đoạn 2012-2020 được khởi động đã đánh dấu bước ngoặc phát triển mới cho nền công nghiệp vi mạch của TP và cả nước

Công nghiệp vi mạch là một ngành công nghệ cao, đem lại nhiều giá trị gia tăng, là nền tảng hỗ trợ và đẩy mạnh sự phát triển của các ngành công nghiệp khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế theo chiều sâu. Nhận thức được tầm quan trọng này, ngày 14-12-2012, UBND TPHCM đã phê duyệt Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TP giai đoạn 2012-2020 và thành lập ban chỉ đạo chương trình.

Xây nhà máy 300 triệu USD

Ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch - ĐH Quốc gia TPHCM, thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TP, cho biết chương trình này hướng đến mục tiêu lớn là xây dựng quy trình khép kín và đồng bộ cho ngành công nghiệp vi mạch TP. Chương trình gồm các khâu đào tạo, thiết kế, chế tạo chip, chế tạo - sản xuất ứng dụng, kinh doanh - quảng bá sản phẩm phù hợp với nhu cầu và tình hình phát triển của đất nước.
Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vi mạch tại Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế
vi mạch (ICDREC) - ĐH Quốc gia TPHCM. Ảnh: ICDREC

Chương trình sẽ thu hút nguồn nhân lực cao cấp đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành, làm chủ những công nghệ mới và tiên tiến trong lĩnh vực vi mạch; thúc đẩy, tạo mối liên hệ giữa các cộng đồng phát triển vi mạch trên cả nước. Chương trình sẽ cung cấp các sản phẩm điện tử, viễn thông có sử dụng vi mạch được thiết kế và chế tạo tại Việt Nam với giá trị gia tăng đạt 15%-30%.

Dự kiến đến năm 2020, doanh thu của riêng ngành vi mạch điện tử sẽ đạt tối thiểu 120 triệu USD/năm. Ngoài ra, TPHCM sẽ xây dựng nhà máy chế tạo vi mạch đầu tiên tại Việt Nam có vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD (khoảng 6.600 tỉ đồng) nhằm sản xuất vi mạch công nghệ 180/130 nm với công suất 6.000 wafer/tháng hay 72.000 wafer/năm (khoảng 1,8 tỉ con chip/năm).

Một số mục tiêu quan trọng khác của chương trình này là nghiên cứu, cung cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho Chính phủ trong lĩnh vực quốc phòng, giảm dần sự phụ thuộc và tiến đến thay thế hoàn toàn các sản phẩm điện tử của nước ngoài. Đồng thời, phối hợp nghiên cứu, cung cấp trang thiết bị cho các cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực an ninh đô thị.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, trưởng ban chỉ đạo chương trình, cho rằng việc triển khai sản xuất vi mạch là hết sức cần thiết trong thời điểm hiện nay. Những thiết bị máy móc như máy tính cần có phần cứng là các sản phẩm vi mạch được sản xuất trong nước để tiết giảm chi phí và bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin. Theo ông Nguyễn Văn Thọ, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, dự án xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch nêu trên sẽ bắt đầu triển khai từ năm 2014. Hiện cơ sở vật chất, hạ tầng, tài chính đã sẵn sàng, chỉ còn chờ chính sách hỗ trợ là sẽ khởi công xây nhà máy.

Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM cho biết ngay trong năm 2013 sẽ triển khai thực hiện 5 đề tài nghiên cứu và 2 dự án sản xuất thử nghiệm về vi mạch để phục vụ chương trình này. Sở sẽ hỗ trợ tối đa việc tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp tham gia chương trình.

Năm 2013: Thời điểm thuận lợi

Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch bao gồm 7 dự án, đề án được triển khai đồng bộ, gồm: Đề án đào tạo lĩnh vực thiết kế vi mạch; đề án ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch và hệ thống nhúng; đề án phát triển thị trường vi mạch điện tử; chương trình nghiên cứu, thiết kế và sản xuất thử nghiệm vi mạch; đề án nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách và biện pháp hỗ trợ phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM; dự án xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch; dự án xây dựng Nhà Thiết kế (Design House).

Ông Lê Mạnh Hà cho biết năm 2013 là thời điểm rất thuận lợi và phù hợp để triển khai chương trình nhằm tạo bước đột phá cho ngành công nghệ vi mạch. Hiện nay, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực đã sẵn sàng. Do đó, trong năm nay, TP sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục, cơ chế, chính sách cho chương trình.

PGS-TS Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, cho rằng cần phải tìm đầu ra cho các sản phẩm ngay từ bây giờ. Trong đó, cần xác định Nhà nước là khách hàng chính cho các sản phẩm của chương trình. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Minh Hồng đề nghị cần xem chương trình này là một đề án phát triển chung của cả nước chứ không chỉ là việc riêng của TPHCM; đồng thời, cần cụ thể hóa các bước tiếp theo để triển khai trên cả nước.

Hợp tác giữa nhiều đơn vị

Tại hội nghị triển khai Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM giai đoạn 2012-2020 mới đây, Ban Cơ yếu Trung ương, Học viện Kỹ thuật Quân sự - Bộ Quốc phòng, Cục Công nghệ Thông tin - Bộ Tổng Tham mưu, Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch - ĐH Quốc gia TPHCM cùng ban chỉ đạo chương trình đã ký bản cam kết về hợp tác triển khai đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu, phát triển sản xuất các sản phẩm vi mạch trong thời gian tới.

(Theo nld.com.vn)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật