Mã Trường

Mã Trường
photo-202

Phòng QLKH&SĐH

Điểm nào dễ trúng tuyển bổ sung?

Cập nhật 15/08/2012 - 04:00:53 PM (GMT+7)

Đại diện các trường đại học tham gia buổi tư vấn trực tuyến về nguyện vọng (NV) bổ sung do báo Tuổi Trẻ tổ chức chiều 10-8 khẳng định thí sinh điểm thấp vẫn có cơ hội trúng tuyển ĐH, CĐ nếu biết lượng sức mình khi đăng ký xét tuyển.

Tại buổi giao lưu, rất nhiều thí sinh thi ĐH khối A đạt 13,5-15 điểm thắc mắc có thể nộp vào những ngành nào để có khả năng trúng tuyển cao. PGS.TS Đặng Vũ Ngoạn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cho biết hiện rất nhiều ngành học của nhiều trường có chỉ tiêu xét tuyển NV bổ sung với mức điểm trúng tuyển tương đối thấp để thí sinh lựa chọn. Ông Ngoạn tư vấn: “Với mức điểm trên, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào các ngành khối kỹ thuật như công nghệ, điện - điện tử, công nghệ chế tạo máy, công nghệ chế biến thủy sản, công nghệ hóa học hoặc nhiều ngành khối kinh tế như của trường chúng tôi... cơ hội trúng tuyển rất cao”.

Điểm bằng sàn vẫn trúng tuyển

ThS Lâm Thành Hiển - phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng - tư vấn với điểm thi vừa bằng điểm sàn thí sinh nên nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường ở khối ngoài công lập thì khả năng trúng tuyển cao hơn. Nếu nộp vào các trường công lập thì nên nộp vào các ngành mới hoặc các ngành mà qua thông tin báo chí thí sinh được biết là khó tuyển. “Thí sinh khối A có kết quả 13,5 điểm đăng ký xét tuyển vào nhiều ngành kỹ thuật công nghệ của trường chúng tôi sẽ có khả năng trúng tuyển rất cao vì hằng năm điểm chuẩn của trường bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT” - ông Hiển cho biết.

Tương tự, ThS Lê Thị Ngọc Phượng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn - cũng cho biết nhiều ngành xét tuyển khối A, D1 của trường có điểm tuyển có thể sẽ bằng điểm sàn. Nhiều thí sinh dự thi khối H đạt mức 16 điểm trở lên (chưa nhân hệ số) nhưng không trúng tuyển NV1 đang rất lo lắng và mong muốn được học các ngành khối mỹ thuật. ThS Phượng tư vấn: “Với kết quả thi trên, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung vào ngành thiết kế công nghiệp của trường, khả năng trúng tuyển rất cao”.

Trong khi đó, khá nhiều thí sinh dự thi khối ngành kinh tế có kết quả cao nhưng không trúng tuyển NV1 và đang lưỡng lự trong việc đăng ký xét tuyển vào khối kỹ thuật công nghệ. TS Lưu Thanh Tâm - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM - khuyên: “Đây là nhóm ngành có nhu cầu lao động từ các nhà tuyển dụng là khá cao. Hầu hết sinh viên tốt nghiệp các ngành công nghệ của trường chúng tôi đều có việc làm phù hợp. Nếu đã đam mê ngành này, thí sinh mạnh dạn chọn lựa và nộp hồ sơ xét tuyển”.

Giải đáp nhiều câu hỏi của thí sinh liên quan đến việc xét tuyển NV bổ sung, ThS Giang Thị Kim Liên - phó ban đào tạo ĐH Đà Nẵng - cho biết kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ với tiêu chí “ba chung”, nên thí sinh có thể nộp giấy chứng nhận kết quả thi vào bất cứ trường công lập nào, vào ngành khối tương ứng đã dự thi nếu ngành đó còn chỉ tiêu, và tất cả thông tin tuyển sinh đều được công bố trên trang web của các trường hoặc trên báo. “Thí sinh có NV học ở địa phương nào hoặc trường nào thì vào trang web của trường đó tìm hiểu thông tin cụ thể” - bà Liên nói.

Đăng ký CĐ để chắc chắn trúng tuyển

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tuyển sinh, khi đăng ký xét tuyển NV bổ sung thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin về chỉ tiêu từng ngành, đặc biệt có điểm chỉ bằng điểm sàn xét tuyển cũng cần “né” những ngành “hot” thu hút nhiều thí sinh để tránh rủi ro. Nếu thật sự muốn trúng tuyển thì nên chọn những ngành khó tuyển ở các trường hoặc đăng ký NV bổ sung vào bậc CĐ để chắc chắn trúng tuyển.

Đối với thí sinh có điểm dưới mức điểm sàn ĐH, có một lựa chọn khác là đăng ký xét tuyển bậc CĐ. Trong những năm trước các ngành này có điểm xét tuyển cao hơn điểm thông báo từ 1-2 điểm, nên với điểm của các thí sinh này khả năng trúng tuyển cao. Sau khi tốt nghiệp CĐ, sinh viên có thể học liên thông ngay trong năm tốt nghiệp trực tiếp tại trường.

Thí sinh Trần Lưu Ly thắc mắc: “Em có NV học CĐ ngành công nghệ thực phẩm, xin hỏi trường công lập nào có đào tạo ngành này? Em thi ĐH đạt 12 điểm khối A thì xét được trường nào?”.

PGS.TS Đặng Vũ Ngoạn tư vấn hiện tại ngành này có rất nhiều trường đào tạo và đây là ngành thế mạnh của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM. “Điểm số của em hoàn toàn có khả năng xét tuyển NV bổ sung vào trường” - ông Ngoạn khẳng định.

Đồng thời các chuyên gia cũng lưu ý thí sinh, hiện nay hầu hết các trường ĐH không xét NV2 thí sinh có kết quả thi CĐ, chỉ xét tuyển NV2 theo điểm kỳ thi ĐH.

Nhiều thí sinh không đậu ĐH, CĐ vì kết quả thi quá thấp mong muốn được tiếp tục học... Theo các chuyên gia, thí sinh cần liên hệ trực tiếp nhà trường để nhận hồ sơ xét tuyển học hệ CĐ thực hành. Đây là chương trình đào tạo chỉ xét tuyển dựa vào học bạ và bằng tốt nghiệp THPT/bổ túc THPT mà không phụ thuộc vào điểm thi ĐH, CĐ...

“Thí sinh có kết quả thi ĐH, CĐ dưới điểm sàn có thể vào học CĐ thực hành của trường. Thời gian đào tạo hai năm rưỡi. Khi tốt nghiệp sinh viên có thể học liên thông lên ĐH thời gian là hai năm. Ngoài ra thí sinh còn có thể học trung cấp nhiều ngành tại trường” - ThS Hiển cho biết. 

 

NV bổ sung khác NV2 như thế nào?

ThS Lâm Thành Hiển cho biết: “Các năm trước đây mỗi thí sinh sau khi không trúng tuyển NV1 nhưng có điểm tuyển sinh trên điểm sàn thì được nhận hai giấy chứng nhận kết quả thi số 1 và số 2 để xét tuyển NV2 và NV3 vào hai đợt theo quy định của Bộ GD-ĐT. Nhưng năm nay bộ không quy định số đợt xét tuyển là hai nữa mà cho phép các trường tự quyết định số đợt xét tuyển, miễn là kết thúc trước ngày 30-11 nên không còn khái niệm NV2, NV3 nữa mà có rất nhiều NV nên gọi là NV bổ sung.

(Theo Tuổi Trẻ)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật